Rồi đây con cái chúng ta sẽ hỏi 'Tê giác là gì hả mẹ?'

Đây là câu kết đau buồn mà tuần qua cộng đồng yêu thiên nhiên đã chia sẻ với nhau sau cái chết của Sudan- cá thể đực cuối cùng của loài tê giác trắng phương Bắc tại Khu bảo tồn Ol Pejeta, vườn thú Dvůr Králové vào ngày 19/3/2018.

Sudan hấp hối dưới bàn tay vỗ về của một cán bộ chăm sóc nó tại khu bảo tồn. Ảnh: National Geographic.

Sudan hấp hối dưới bàn tay vỗ về của một cán bộ chăm sóc nó tại khu bảo tồn. Ảnh: National Geographic.

Cái chết của cá thể tê giác này khiến thế giới chỉ còn lại hai cá thể tê giác trắng khác; con gái của Sudan - Najin và con gái của Najin - Fatu vẫn đang sống trong khu bảo tồn Ol Pejeta. Hy vọng duy nhất cho việc bảo tồn loài động vật này bây giờ phụ thuộc vào sự phát triển của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), sử dụng trứng của hai cá thể cái còn lại, các mẫu tinh trùng được lưu giữ của cá thể tê giác trắng phương Bắc đực và các cá thể tê giác trắng Nam Phi cái để mang thai hộ.

“Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng thế giới sẽ học được từ sự ra đi của Sudan và áp dụng mọi biện pháp để dừng việc buôn bán sừng tê. Trong khi giá sừng tê đang giảm tại Trung Quốc và Việt Nam, nạn săn bắn trộm vẫn là một mối đe dọa cho loài tê giác”, Giám đốc Tổ chức cứu trợ hoang dã WildAid, ông Peter Knight nói.

Nguyên nhân cho sự gia tăng đột biến của nạn săn trộm lấy sừng tê trong thập kỷ vừa rồi là do nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc và Việt Nam. Từ năm 2013, Nam Phi đã mất hơn 1.000 cá thể tê giác mỗi năm do nạn săn trộm. Sừng của chúng được trung chuyển tới Trung Quốc và Việt Nam với mục đích sử dụng như thuốc bổ cho sức khỏe và làm đồ chạm khắc.

Với loài tê giác trắng Phương Bắc đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, trong 5 loài tê giác, chỉ còn lại khoảng 30.000 cá thể tê giác hoang dã. Trong đó, khoảng 20.000 cá thể tê giác trắng Nam Phi tập trung chủ yếu ở Nam Phi, khoảng 5000 cá thể tê giác đen phân bổ ở Nam và Đông Phi, khoảng 3.500 cá thể tê giác một sừng Ấn Độ sinh sống tại Nepal và Ấn Độ, ít hơn 100 cá thể tê giác Sumatran và khoảng 60 cá thể tê giác Javan.

Vào năm 2009, bốn cá thể tê giác trắng phương Bắc cuối cùng- 2 cá thể đực, 2 cá thể cái – đã được chuyển về Ol Pejata từ Vườn thú Dvůr Králové- Cộng hòa Séc, với sự hỗ trợ từ Fauna & Flora International. Với hy vọng rằng khí hậu và đồng cỏ của khu bảo tồn- nơi điều kiện sống tương tự như môi trường sống của loài vật này, sẽ mang đến những điều kiện sinh sản thuận lợi cho chúng. Tuy nhiên mọi nỗ lực đều thất bại khi không có một trường hợp mang thai thành công.

Với hạn chế trong các lựa chọn, các nhà khoa học đang cố gắng phát triển “phương pháp thụ tinh nhân tạo” bao gồm cả IVF để cứu lấy loài động vật này. Khu bảo tồn Ol Pejeta và Vườn thú Dvůr Králové đã hợp tác cùng IZW Berlin, Avantea Cremona và Dịch vụ Động vật Hoang dã Kenya (Kenya Wildlife Service) thử nghiệm và tiến hành những bước đầu tiên để thu thập tế bào trứng từ những cá thể cái còn lại, thụ tinh trứng với tinh trùng thu thập từ trước từ cá thể tê giác trắng phương Bắc và cấy phôi thai vào cá thể tê giác trắng Nam Phi cái được chọn làm cá thể mang thai hộ. Phương pháp này chưa bao giờ được thử nghiệm trên tê giác và không phải là không có những rủi ro.

Chi phí ước tính cho IVF- từ việc phát triển phương pháp, đến các thử nghiệm, cấy ghép và tạo ra một đàn cá thể trắng phương Bắc có khả năng sinh sản có thể lên đến 9 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên đây là hy vọng duy trì toàn bộ một loài. Ol Pejeta và Sở thú Dvůr Králové đang kêu gọi những người ủng hộ chiến dịch này giúp chúng tôi tăng ngân quỹ cần thiết trước khi quá muộn.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/roi-day-con-cai-chung-ta-se-hoi-te-giac-la-gi-ha-me-385254.html