Rối cạn thử nghiệm dựng Kiều

'Truyện Kiều' thì ai cũng biết và cũng rất quen thuộc trên sân khấu với đủ loại hình nghệ thuật: Chèo, cải lương, kịch nói, kịch hình thể… Thế nhưng với loại hình rối cạn thì đây là lần đầu tiên thử nghiệm. Biết là rất khó, rất chông gai nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thử thách chính mình' – Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ tại lễ khởi công dựng vở 'Thân phận nàng Kiều', sáng 3/7.

Họa sĩ Lê Đình Nguyên giới thiệu những bản maket ban đầu về các nhân vật được ông tạo hình trong vở rối cạn “Thân phận nàng Kiều”. Ảnh: Bình Thanh

Họa sĩ Lê Đình Nguyên giới thiệu những bản maket ban đầu về các nhân vật được ông tạo hình trong vở rối cạn “Thân phận nàng Kiều”. Ảnh: Bình Thanh

Thách thức từ kịch bản phức tạp

Với một loại hình nghệ thuật đặc thù chỉ được kể chuyện qua các con rối vô tri vô giác, thông thường nhiều đạo diễn sẽ chọn những kịch bản đơn giản ít xung đột, ít nhân vật để dàn dựng. Vì thế, các sản phẩm của múa rối thường được gọi là tiết mục, trò diễn. Số vở diễn không phải không có nhưng khá ít ỏi và thường là những vở diễn kể câu chuyện không quá phức tạp về tâm lý nhân vật.

Trong khi đó, kịch bản văn học “Thân phận nàng Kiều” do nhà văn Nguyễn Hiếu và NSƯT Lê Chức cùng chắp bút và được NSND Nguyễn Tiến Dũng chuyển thể sang múa rối là một kịch bản thơ được viết dựa trên tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Theo NSND Nguyễn Tiến Dũng, dù kịch bản có nhiều thay đổi để phù hợp với sân khấu múa rối nhưng những diễn biến tâm lý nhân vật vẫn phải triển khai theo những xung đột chính của nguyên tác.

Vì vậy, việc sử dụng nghệ thuật múa rối với các “diễn viên” là những con rối có khi chỉ là một thanh tre hay một mảnh vải không biết khóc cười, không biết tức giận, không biết hờn ghen… để kể về nàng Kiều mang kiếp ba đào giữa chốn trần ai luôn chất chứa biết bao màu sắc: Hỉ, nộ, ái, ố… là khá mạo hiểm đối với cả ê kíp sáng tạo, với các nghệ sĩ, diễn viên.

Sẵn sàng phiêu lưu

Gọi việc thực hiện dàn dựng vở diễn “Thân phận nàng Kiều” là một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm, biết có thể “va đầu vào đá” nhưng trước sức hấp dẫn của kịch bản cũng như không ngại thử thách, ê kíp sáng tạo cũng như các diễn viên đoàn nghệ thuật truyền thống của Nhà hát Múa rối Việt Nam vẫn sẵn sàng.

Dù băn khoăn, lo lắng nhưng khi nhìn vào ê kíp sáng tạo, trừ đạo diễn - NSND Nguyễn Tiến Dũng, thì gần như “mới toanh” tôi hy vọng nhà hát sẽ có vở diễn mang tính chất thể nghiệm đúng nghĩa. Trước kế hoạch tập luyện 3 ca/ngày trong suốt tháng 7 này, tôi đã thông báo với bố mẹ xác định một tháng tôi vắng nhà, mang nồi cơm điện đến nhà hát nấu cơm ăn ngủ cùng đồng nghiệp với mong muốn cống hiến đến khán giả một vở diễn xuất sắc về nàng Kiều tại liên hoan sân khấu thử nghiệm.

Diễn viên Nguyễn Hữu Hiệp

NSƯT Lê Chức chia sẻ ông nợ Nguyễn Tiến Dũng kịch bản này trong 4 năm và bẵng quên đi. Cách đây 4 tháng gặp ở Nhà hát Tuổi trẻ, Nguyễn Tiến Dũng có hỏi: “Ông ơi, ông nợ con cái gì ấy nhỉ”. “Chính từ câu nhắc ấy, trên đường trở về nhà, ý thức của màn thứ nhất đã được hình thành trong đầu tôi. Thế đấy, sự ngẫu hứng và cú hích trong sáng tạo nghệ thuật vô cùng cần. Vậy, khi đưa vở diễn lên sàn diễn không có lý gì chúng ta không làm hết sức với cái tâm của mình” – NSƯT Lê Chức nói.

NSND Nguyễn Tiến Dũng cũng tiết lộ anh đã ấp ủ dàn dựng một kịch rối cạn về nàng Kiều cách đây hơn chục năm và đến giờ mới thực hiện được. Với anh, chưa thể nói trước được bất cứ điều gì nhưng chắc chắn rằng nàng Kiều của múa rối sẽ có nét riêng, tiếng nói riêng. “Ê kíp sáng tạo đã có những buổi ngồi bàn tròn trao đổi rất hào hứng với nhiều dự tính. Nhưng quan trọng hơn cả là việc đưa những dự tính ấy lên sàn diễn và được diễn viên chuyển tải như thế nào thì mong khán giả chờ thêm một tháng nữa” – Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Khoe 6 bản maket vẽ các nhân nhân vật: Thúy Kiều, thằng bán tơ, Từ Hải, Tú Bà, cây đàn tỳ bà mà ông vừa thực hiện sau khi thức trắng đêm, họa sĩ tạo hình Lê Đình Nguyên bảo thời gian dàn dựng vở diễn quá gấp. Hiện nay, ông còn phải vẽ 20 bản maket nhân vật nữa. Thế nhưng ông thấy rất hứng khởi khi cùng với đạo diễn tìm ra lối tạo hình khác – lối tạo hình ước lệ cho các nhân vật trong vở rối cạn đặc biệt này.

“Theo cốt truyện, trừ hai nhân vật Từ Hải, Hồ Tôn Hiến là có nguyên mẫu thật ngoài đời, nhân vật Thúy Kiều cũng như các nhân vật khác không có nguyên mẫu, đều được phóng tác. Vậy nên, chúng tôi thống nhất sẽ tạo hình các nhân vật theo lối siêu thực, ước lệ, rất phiêu mà vẫn chuyển tải được thông điệp của thời đại”- Họa sĩ Lê Đình Nguyên tiết lộ.

Cũng mang biết bao niềm hưng phấn khi lần đầu tham gia viết nhạc kịch cho múa rối mà lại là thử nghiệm, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến cho biết anh có ý đồ sẽ mạnh dạn thử đưa ra những sáng tạo mới như cấu trúc lại một vở nhạc kịch đặc biệt dành riêng cho vở diễn. Mỗi nhân vật sẽ có một lời thoại khá đặc biệt và được thể hiện như một bài thơ. Để cùng thực hiện những ý đồ này, anh đã mời nhạc sĩ Trần Đức Minh cùng hợp tác. “Nhạc sĩ Trần Đức Minh đảm nhận phần âm nhạc còn khi đó tôi bỗng nhiên trở thành một nhà thơ” – Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến vui vẻ ví von.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/roi-can-thu-nghiem-dung-kieu-4016625-b.html