Robot Nhật Bản: 'Nạn nhân' mới nhất của thương chiến Mỹ - Trung

Ngành công nghiệp robot Nhật Bản là cái tên mới nhất chịu ảnh hưởng vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Điều này càng thể hiện mối liên kết chặt chẽ của chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Theo South China Morning Post, Ma Shugen, giáo sư tại khoa robot của Đại học Ritsumeikan ở Nhật Bản, vừa cho hay nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang giảm đơn đặt hàng robot Nhật Bản. Lý do là vì lợi nhuận của các nhà sản xuất này lao dốc vì tăng trưởng kinh tế giảm tốc và chiến tranh thương mại.

"Chiến tranh thương mại áp thuế quan lên nhiều nhà sản xuất Trung Quốc, vì vậy họ không sẵn lòng đầu tư để xây dựng các dòng sản phẩm mới và nhập khẩu máy móc mới", ông Ma nói.

Trung Quốc là nhà nhập khẩu robot công nghiệp "made in Japan" lớn nhất. Lượng robot công nghiệp mà Nhật bán cho nước này chiếm 40% tổng lượng robot công nghiệp xuất khẩu năm 2018, theo báo cáo trong tháng này của Viện Nghiên cứu Mizuho. Tổng lượng robot công nghiệp mà Nhật Bản xuất khẩu giảm trong quý thứ năm liên tiếp kể từ quý 2/2018 và tốc độ sụt giảm đang tăng lên.

Xuất khẩu sang Trung Quốc hạ 28% từ tháng 4 đến tháng 6.2019 so với cách đây một năm. Môi trường kinh tế bất lợi xuất phát từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang khiến vốn đầu tư bị trì hoãn. Ngoài ra, nhân dân tệ cũng giảm 7% giá trị so với yen Nhật trong tháng 8 năm nay so với tháng 8.2018 nên hàng nhập khẩu của Nhật Bản đắt đỏ hơn trong mắt các nhà sản xuất Trung Quốc.

Các nhà sản xuất robot bị tác động bao gồm FANUC, hãng có trụ sở dưới chân núi Phú Sĩ và là một trong các nhà sản xuất robot công nghiệp lớn nhất thế giới. FANUC báo cáo lợi nhuận ròng hạ 48% từ tháng 4 đến tháng 6.2019 so với cùng kỳ năm trước. Thực tế này là do nhu cầu của Trung Quốc hạ và đầu tư vốn của ngành ô tô và công nghiệp châu Âu nhìn chung thận trọng hơn.

"Nếu không có sự cải thiện đột ngột trong quan hệ Mỹ - Trung, chúng tôi phải chịu thực tế là tình hình kinh doanh khó khăn", giám đốc FANUC Yoshiharu Inaba chia sẻ. Tháng này, Mỹ đánh thuế quan 15% lên khoảng 110 tỉ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có hàng gia dụng, tai nghe bluetooth và tivi. 14 tháng thương chiến căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu xuống thang.

Yaskawa Electric, nhà sản xuất robot công nghiệp hàng đầu Nhật, báo cáo doanh số hạ 16% từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng dự báo lợi nhuận ròng giảm 15% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 2.2020 vì khó khăn đến từ thương mại và thuế quan.

Vì muốn nâng cấp ngành công nghiệp sản xuất và tiến lên trong chuỗi giá trị vào năm 2025, Trung Quốc có nhu cầu robot công nghiệp cao. Doanh số robot ở nước này tăng hơn gấp đôi chỉ sau hai năm kể từ khi kế hoạch Made in China 2025 được trình bày năm 2015, theo Liên minh Ngành công nghiệp Robot Trung Quốc.

Thu Thảo

Theo Thanh niên

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/robot-nhat-ban-nan-nhan-moi-nhat-cua-thuong-chien-my-trung-20180504224228786.htm