Robot báo chí không thể thay thế… nhà báo

Thời đại công nghệ số đã cho ra đời những robot báo chí, số lượng tin, bài cũng được sản xuất một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, robot báo chí dù có nhanh hay giúp được nhiều cũng là do con người lập trình mà ra nên robot không thể thay thế được nhà báo.

Robot… làm báo

Robot báo chí, hay còn gọi là trí tuệ nhân tạo (AI) bắt đầu được sử dụng rộng rãi tại các tòa soạn trên thế giới, từ các cơ quan báo chí lớn của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cho đến các quốc gia đang phát triển như Brazil, Argentina và cả Việt Nam. AI đã và đang được sử dụng rất nhiều trong hoạt động báo chí, từ việc phát hiện tin nóng, thẩm định thông tin, tương tác với độc giả, kiểm duyệt comment, sản xuất video, cho đến viết tin bài tự động.

Đơn cử như hãng tin AP của Mỹ là một trong những tòa soạn đầu tiên của làng báo thế giới sử dụng robot để viết tin, bài sau khi đạt được thỏa thuận vào năm 2014 với Automated Insights, một công ty công nghệ chuyên về phần mềm ngôn ngữ.

Bước tiếp cận công nghệ trí tuệ nhân tạo AI đầu tiên của hãng tin AP là tập trung vào vấn đề tự động hóa những công việc lặp đi lặp lại trong quá trình viết tin, bài luôn theo một cấu trúc chung. Mô hình tự động hóa này chủ yếu được dùng để sản xuất thông tin tài chính hoặc tổng hợp kết quả các trận đấu thể thao. Trước khi bắt tay với Automated Insights, số bản tin của AP dựa trên báo cáo tài chính của các công ty chỉ giới hạn ở mức vài trăm mỗi quý. Còn hiện nay, con số này lên đến hàng nghìn.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không thua kém AP, tờ The Washington Post của Mỹ cũng có một phóng viên robot (hệ thống sử dụng công nghệ AI phục vụ lĩnh vực báo chí) mang tên Heliograf. Đây là một công cụ tự động hóa do tờ báo này tự nghiên cứu ra với mục đích giúp thúc đẩy tốc độ sản xuất tin tức. Công cụ này đã chứng minh được tính hữu dụng của nó bằng những tin, bài về Thế vận hội mùa Hè 2016 ở Rio de Janeiro (Brazil).

Trí tuệ nhân tạo đang tạo ra một cuộc cách mạng đối với lĩnh vực báo chí truyền thông. Không chỉ robot báo chí mà các ứng dụng khác như phần mềm dịch tiếng, dịch video tự động, phần mềm chuyển đổi giọng nói thành văn bản… cũng được sử dụng trong làm báo. Tuy nhiên, việc áp dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo vào báo chí vẫn còn đó không ít thách thức. Về bản chất chúng vẫn là máy móc và tất nhiên gặp khó khăn về vấn đề nhận thức. AI mới tạm thời đưa tin sự kiện xảy ra, chứ chưa thể giải thích hay bình luận vấn đề.

Không thể thay thế nhà báo

Trong báo chí hiện đại, robot được sử dụng để giảm bớt khối lượng công việc cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (Đại học Oxford) xuất bản tháng 1/2019, hầu hết lãnh đạo tòa soạn bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc phóng viên bị quá tải, kiệt quệ, đồng thời cũng thừa nhận để có thể tuyển dụng và giữ chân phóng viên có năng lực là vô cùng khó.

Trong bối cảnh đó, AI sẽ có vai trò như những người giúp việc, giảm bớt gánh nặng cho phóng viên. Đơn cử như việc sử dụng các phần mềm chuyển đổi giọng nói thành văn bản tiết kiệm được cơ số thời gian bóc băng ghi âm của phóng viên. Hay như việc các phần mềm có thể quét qua hàng nghìn trang văn bản, “đỡ đần” phóng viên trong công cuộc kiểm chứng thông tin.

Hay một số phần mềm dịch ngôn ngữ dịch được hơn 100 thứ tiếng, có thể nói không có một biên dịch viên nào có thể giỏi đến mức là mình có thể dung nạp được hơn 100 ngôn ngữ. Tuy nhiên, nếu các phóng viên đang sử dụng một phần mềm dịch tiếng nào đó thì chỉ cần thử áp dụng dịch thử kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du thì chắc hẳn không có phầm mềm nào có thể dịch được chuẩn và đúng nghĩa.

Đã là trí tuệ nhân tạo thì các tin bài do robot tạo ra cần phải có bài mẫu. Điều đó đồng nghĩa với việc AI có thể hoàn toàn không thể xử lý được những thông tin không thuộc dạng mẫu. Ngoài ra, AI sẽ gặp thách thức lớn trong việc xác định độ chính xác của thông tin đầu vào. Nếu thông tin đầu vào sai, tác phẩm báo chí của AI sẽ sai toàn diện.

Robot làm tin cũng không thể thay thế được nhà báo, robot phiên dịch cũng không thể thay thế được phiên dịch viên. Bởi vì đằng sau ngôn ngữ là cả một nền văn hóa, và robot thì chỉ là một cái máy.

Nhà báo Vũ Văn Tiến, Tổng Biên tập Tạp chí Mặt trận nhận định: “Nhà báo bằng xương, bằng thịt là người duy nhất xác định được sự việc đó đúng hay là sai, nên hay là không nên đưa tin, đưa tin đến cỡ nào. Ngoài việc đưa tin ra báo chí còn có những thể loại khác cần đến nhận thức, tình cảm, lý trí, thậm chí là phản ứng chính trị. Đặc biệt làm báo là làm chính trị, cho nên nhà báo không có bản lĩnh chính trị, không có sự nhạy bén chính trị thì không thể làm được báo. Chính vì thế công nghệ càng phát triển thì niềm đam mê và nhiệt huyết của nhà báo lại càng quan trọng và càng không thể thiếu được”.

Văn Toàn

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/doi-song/robot-bao-chi-khong-the-thay-the-nha-bao-303160.html