'Robinson Crusoe' - tuyệt tác dựa trên câu chuyện có thật

Câu chuyện về thủy thủ Anh Selkirk sống một mình trên đảo trong nhiều năm đã truyền cảm hứng cho nhà văn Daniel Defoe viết 'Robinson Crusoe'.

Robinson Crusoe được xem là cuốn tiểu thuyết thành công nhất trong hơn 250 tác phẩm của nhà văn người Anh Daniel Defoe, được ra mắt năm 1719.

Tác phẩm là hành trình lưu lạc một mình trên đảo hoang dài 28 năm 2 tháng 19 ngày của chàng thủy thủ Robinson Crusoe. Anh gần như dành trọn cả thanh xuân của mình để đương đầu với sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Robinson Crusoe được Daniel viết theo phong cách giản dị, gần gũi, dễ đọc và dễ cảm nhận. Truyện được tác giả gửi gắm thông điệp về nghị lực, cách sống. Nếu đủ ý chí, lòng dũng cảm và chăm chỉ lao động, con người có thể chiến thắng thiên nhiên để sống sót ở bất cứ nơi đâu.

 Trong truyện, Robinson Crusoe đã phải lăn lộn ở đảo hoang suốt 28 năm 2 tháng 19 ngày. Ảnh: DW.

Trong truyện, Robinson Crusoe đã phải lăn lộn ở đảo hoang suốt 28 năm 2 tháng 19 ngày. Ảnh: DW.

Chàng thủy thủ Selkirk

Tác phẩm vượt thời gian này ghi lại câu chuyện về người đàn ông bị đắm tàu và trôi dạt đến một hòn đảo hoang. Anh ta phải đấu tranh với thiên nhiên, thời tiết và cả những bộ tộc tàn ác để tồn tại cho đến khi gặp và kết bạn với người bản địa tên là Friday.

Cuốn sách của Defoe trở thành niềm cảm hứng cho rất nhiều phim điện ảnh và các tác phẩm truyền hình chuyển thể. Đến ngày nay, Robinson Crusoe vẫn tạo ấn tượng mạnh cho những người mới đọc lần đầu. Tuy nhiên, ít độc giả biết rằng câu chuyện về Robinson Crusoe được lấy cảm hứng từ sự kiện có thật.

Theo tạp chí Smithsonian, khoảng cuối năm 1704, một hoa tiêu Scotland lành nghề có tên Alexander Selkirk đã phải sống một mình trên hòn đảo hoang vắng, cách khoảng 418 dặm ngoài khơi bờ biển Chile.

Đầu tiên, phải nhắc tới sự khác biệt của Selkirk so với Robinson Crusoe. Anh ta không phải nạn nhân của một vụ đắm tàu, mà ngọn nguồn của việc này bắt đầu từ sự kiện khác.

Trong chuyến đi định mệnh, con tàu mà Selkirk phục vụ có dấu hiệu bị rò rỉ nghiêm trọng, còn thủy thủ đoàn cũng quá mệt mỏi vì bệnh tật và thiếu thức ăn, nước uống.

Tháng 9/1704, tàu dừng chân tại quần đảo Juan Fernández ngoài khơi Chile để cho thủy thủ đoàn có thời gian nghỉ ngơi và tiếp nhiên liệu. Selkirk tin rằng con tàu không đủ khả năng tiếp tục đi biển và muốn dừng đủ lâu để tiến hành sửa chữa lớn.

Thuyền trưởng Stradling từ chối đề nghị ấy. Còn Selkirk tuyên bố rằng anh ta thà ở lại một trong những hòn đảo ngoài này còn hơn tiếp tục khởi hành trên con tàu mục nát.

Theo thời gian, Selkirk học được cách sinh tồn trên đảo. Ảnh: National Geographic.

Theo The Vintage News, hai người chưa bao giờ vừa mắt nhau, vì vậy vị thuyền trưởng trẻ tuổi đã nắm lấy cơ hội này để thoát khỏi một thuyền viên phiền phức.

Ngược lại, về phía Selkirk, anh ta hy vọng rằng những người còn lại trong thủy thủ đoàn sẽ đứng về phía mình, từ đó dàn xếp một cuộc binh biến. Đáng tiếc, Selkirk đã thất vọng, không một thủy thủ nào tiến tới hỗ trợ anh ta.

Cuối cùng, Selkirk bị buộc phải ở lại hòn đảo hoang vắng cùng khẩu súng hỏa mai, chiếc rìu, nồi nấu ăn, con dao và một cuốn kinh thánh.

Theo Smithsonian, quãng thời gian đầu tiên của Selkirk ở trên đảo là trải nghiệm đáng sợ. Tiếng động của những sinh vật kỳ lạ (hải cẩu voi) hú và gầm lên liên tục trong đêm. Điều này có nghĩa anh ta không được nghỉ ngơi nhiều.

Thêm vào đó, Selkirk còn phải đối mặt vô số chuột đói hung hăng có thể tiến đến gặm chân anh ta khi ngủ.

Học cách sinh tồn

Tất nhiên, theo thời gian, chàng thủy thủ lưu lạc này buộc phải học được cách sinh tồn ngoài thiên nhiên nếu không muốn bỏ mạng tại đây. Anh ta đã dựng được hai căn lều nhỏ bằng gỗ.

Selkirk cũng bắt cá, tôm càng và đi săn dê để đáp ứng nhu cầu lương thực hàng ngày. Ở góc độ nào đó, Selkirk đã làm khá tốt phần việc của mình. Tuy nhiên, không ai muốn phải sống một mình trên đảo hoang đến cuối đời cả.

Thực tế, Selkirk không hoàn toàn đơn độc. Các tàu buôn Tây Ban Nha thỉnh thoảng cũng đến thăm quần đảo nhưng họ sẽ không đáp lại tử tế với một người Anh.

Thời gian trên đảo cũng cho anh ta nhiều cơ hội để suy ngẫm hơn. Selkirk học cách kiềm chế cơn tức giận và tính khí nóng nảy của mình; bắt đầu vui vẻ trong mọi khoảnh khắc. Bởi Selkirk biết rõ rằng tại đây mỗi ngày đều là một trận sống còn.

Bức tượng của Alexander Selkirk ở bên ngoài căn nhà của ông trước đây. Ảnh: Pikist.

Cuối cùng, ngày 2/2/1709, Selkirk được một con tàu của Anh giải cứu. Thuyền trưởng của con tàu, Woodes Rogers, mô tả lại diện mạo của Selkirk khi tìm thấy anh ta: Khuôn mặt gần như bị che khuất bởi bộ râu xồm xoàm; anh ta mặc quần áo da thú và đã ở một mình quá lâu đến nỗi gần như quên mất cách nói chuyện.

Ngoài ra, Selkirk có lẽ cũng cảm thấy mình may mắn khi lựa chọn từ bỏ tàu Cinque Ports. Ngay sau khi di chuyển không lâu, con tàu mục nát đã bị chìm ngoài khơi bờ biển Peru. Phần lớn thủy thủ đoàn mất tích trên biển hoặc bị đưa vào nhà tù ở Tây Ban Nha.

Trong lần trở lại Anh cuối cùng, Selkirk trở thành người nổi tiếng, và câu chuyện của anh đã truyền cảm hứng cho Daniel Defoe viết nên tuyệt tác Robinson Crusoe.

Hứa Mộc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/robinson-crusoe-tuyet-tac-dua-tren-cau-chuyen-co-that-post1169714.html