Rõ nét hơn dấu tích 1300 năm lịch sử

Kết quả khai quật thăm dò năm 2019 khu vực chính điện Kính Thiên, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) công bố mới đây, đã làm rõ thêm giả thiết thành Đại La tại khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Cuộc khai quật thăm dò đã góp phần làm rõ những giá trị của các di tích trong khu vực đồng thời đặt ra bài toán về bảo quản, khai thác hiện vật.

PGS.TS Tống Trung Tín giới thiệu di vật phát hiện trong đợt khai quật năm 2019 tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Dấu tích kiến trúc thời Đại La

Là một trong những phát hiện nổi bật của đợt khai quật thăm dò năm 2019, dấu tích cống nước thời Đại La được xây dựng công phu, hình thành trực tiếp trên nền đất sinh thổ cho thấy, trước giai đoạn này, nơi đây chưa có di tích nào hiện diện; đồng thời củng cố thêm giả thiết: Khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long được hình thành tại vị trí thành Đại La trước đó. Theo Tiến sĩ Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, hệ thống cống nước thời Đại La nằm sâu trong lòng đất, đã làm rõ hơn những cứ liệu lịch sử về chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn, củng cố nhận định khoa học người mở đầu vương triều Lý đã chọn xây dựng Kinh đô Thăng Long ngay trên nền thành Đại La cũ. Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục tìm hiểu về quy mô thành Đại La, từ đó thêm căn cứ xác định quy mô thành Thăng Long thời Lý.

Cuộc khai quật cũng có nhiều phát hiện mới khác, tiêu biểu như: 3 dấu tích kiến trúc thời Nguyễn, 8 dấu tích kiến trúc thời Lê Trung hưng, 10 dấu tích kiến trúc thời Lê sơ, 8 dấu tích kiến trúc thời Trần..., cùng hàng trăm di vật là vật liệu xây dựng, tượng linh vật, đồ sành, gốm, sứ, gỗ… Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh thông tin: “Những dấu tích, di vật này đã góp thêm tư liệu để khẳng định khu vực chính tâm của Hoàng thành Thăng Long có lịch sử tồn tại liên tục, lâu dài, suốt từ thời Đại La, Đinh - Tiền Lê đến thời Lý, Trần, Lê trong hơn 1300 năm lịch sử”.

Đơn cử như, phát hiện hồ, ao và các dấu tích kiến trúc thời Lê sơ và Lê Trung hưng tiếp tục củng cố cho những phát hiện khảo cổ học năm 2017 và 2018, đồng thời dự báo khoa học về vai trò và chức năng của khu vực này trong bối cảnh thời bấy giờ. PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, Cố vấn chuyên môn khai quật thăm dò Khu di sản Hoàng thành Thăng Long năm 2019 phân tích: “Tổ hợp kiến trúc nằm trên trục Ngự đạo, thẳng với Đoan Môn và điện Kính Thiên được suy đoán là kiến trúc cổng phía Nam của điện Cần Chánh, nơi làm việc của vua và triều đình Lê Trung hưng, mang đến những căn cứ quan trọng mới cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về trục trung tâm của Hoàng thành Thăng Long khi đó”.

Tiếp tục làm rõ diện mạo, giá trị Hoàng thành Thăng Long

Đợt khai quật thăm dò Khu di sản Hoàng thành Thăng Long năm 2019 được thực hiện trên tổng diện tích gần 990m2 phía Đông Bắc khu chính điện Kính Thiên, với 1 hố khai quật, 3 hố thám sát... Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Đình Thành đánh giá, công tác khai quật thăm dò đã phát hiện nhiều di tích mới, gợi mở những nhận thức mới, góp phần thúc đẩy thêm một bước quan trọng trong việc tìm hiểu diện mạo kiến trúc khu chính điện Kính Thiên, qua đó tiếp tục làm rõ diện mạo, giá trị của khu di sản.

Trên cơ sở những phát hiện căn bản, quan trọng của đợt khảo cổ Hoàng thành Thăng Long năm 2019, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học đề xuất UBND thành phố Hà Nội hướng triển khai công tác khảo cổ trong thời gian tới, tập trung cho việc mở rộng khai quật, nhất là khu vực phía Nam và Tây Nam, xung quanh khu vực diện tích hố khai quật năm 2019; nghiên cứu thăm dò trục trung tâm Đoan Môn - Kính Thiên - Hậu Lâu - Bắc Môn để có thêm tư liệu phục hồi không gian điện Kính Thiên, làm rõ hơn giá trị khu di sản.

Ủng hộ đề xuất trên, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, khai quật và thăm dò dấu tích trên nền điện Kính Thiên và khu vực xung quanh vẫn là ưu tiên hàng đầu, để tìm hiểu không gian lịch sử, văn hóa, phục vụ đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian, kiến trúc của khu di tích quan trọng này, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay đã có nhiều phát hiện mới, thuận lợi cho việc nhận diện không gian điện Kính Thiên. Cùng với đó, cần có kế hoạch bảo quản tức thì đối với những hiện vật vừa khai quật, nhất là những hiện vật gỗ quý, dễ hư hỏng.

Còn PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đề xuất, cần đầu tư xây dựng phương án khai quật, nghiên cứu khảo cổ học với quy mô lớn hơn, dài hạn và đầu tư kinh phí xứng tầm, kết hợp với chương trình khai thác tài liệu ở các trung tâm lưu trữ trong nước và nước ngoài. “Việc bảo quản, giới thiệu hiện vật tìm được cũng rất quan trọng. Thành phố Hà Nội cần sớm triển khai các khâu cần thiết, để thực hiện nghiên cứu trưng bày hiện vật tìm được, góp phần khẳng định, củng cố giá trị khu di sản, đồng thời tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách”, PGS.TS Phạm Mai Hùng kiến nghị.

Nguyễn Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/963973/ro-net-hon-dau-tich-1300-nam-lich-su