Rộ mốt 'nuôi' nho thân gỗ, bỏ ra tiền triệu nhận cành củi khô

Lấy ảnh cây nho thân gỗ trên mạng rồi rao bán online, nhiều dân buôn đã kiếm bộn tiền từ dịch vụ này. Giống nho thân gỗ (nho Jabuticaba) đã tạo nên 'cơn sốt', khi có thời điểm mỗi cây giống có giá tới 10 triệu đồng

Nho thân gỗ có nguồn gốc ở Nam Phi và được du nhập vào nước ta và chủ yếu được trồng ở Đà Lạt (Lâm Đồng) khoảng 2 năm trở lại đây. Giống cây kỳ lạ này được tìm thấy ở các nước Nam Mỹ như Brazil, Paraguay và Argentina.

Đặc điểm nhận dạng, nho thân gỗ có thân to, chắc, vỏ cây nho khác giống với cây ổi, lá to hơn lá ổi ta, có hình dáng khá giống với lá chè, hoa nở màu trắng khá giống với hoa chè và hoa ổi. Trùng bình trồng 6 - 10 năm mới cho quả.

Được biết, quả nho thân gỗ có rất nhiều tác dụng, rất tốt cho sức khỏe. Hương vị của quả nho thân gỗ cũng rất độc đáo, vị ngọt, mát, thanh thanh, hương thơm, đượm, được sử dụng để ép lấy nước giải khát, làm sinh tố, làm món ăn, salad… hay là được dùng làm rượu vang.

Từ gốc, tới ngọn chỗ nào cũng thấy những quả nho thân gỗ xanh, tím mọc kín thân cây.

Từ gốc, tới ngọn chỗ nào cũng thấy những quả nho thân gỗ xanh, tím mọc kín thân cây.

Sở hữu 2 cây nho thân gỗ quý hiếm hơn 10 năm tuổi đang cho quả kín cây, chị Hòa vui vẻ cho biết, 2 cây nho này gia đình chị nhập về từ Brazil cách đây 6 năm, khi nhập về cây mới bằng cổ tay, sau 3 năm chăm sóc cây bắt đầu cho quả bói và năm nay là năm thứ 2 cây nho thân gỗ này cho quả. Khi biết 2 cây nho thân gỗ nhà chị ra quả kín cây, trĩu cành, nhiều người đã tìm đến chiêm ngưỡng và thưởng thức. Theo chị Hòa, nho thân gỗ nhà chị chín có vị ngọt, xen lẫn vị chua thanh thanh. Đặc biệt loại nho này không có hạt và rất dễ bảo quản.

Khác với những loại nho khác quả thường mọc thành từng chùm, thì nho thân gỗ ngoài có cây là thân gỗ cao lớn, còn có quả được mọc ra trên chính thân cây xù xì này.

Chia sẻ về cách chăm sóc cây nho, giống nho quý hiếm này chị Hòa cho biết: “Nho sau khi trồng 2 tháng phải thường xuyên tưới nước 2 lần/ngày và chủ yếu bón phân hữu cơ hoai mục là chính, khi cây khỏe có thể cho thêm chút đạm, kali. Nho thân gỗ phát triển khá chậm, nhưng rất khỏe và rất ít sâu bệnh”. Chị Hòa cho biết thêm, năm nay mỗi cây nho cho khoảng 30 – 50kg/vụ chính, song điều đặc biệt là nho thân gỗ nếu chăm sóc tốt có thể cho quả quanh năm, tuy nhiên nho trái vụ quả không sai bằng và thường chín lác đác.

Bán nhành "củi khô", thu hàng chục triệu đồng mỗi tháng

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người dân phải ở nhà nhiều hơn. Do đó, nhu cầu mua cây cảnh cũng tăng mạnh trong đợt dịch. Hiện ở Hà Nội có rất nhiều người đang tìm mua cả quả lẫn cây để vừa thưởng thức, vừa mua giống về trồng, quầy bán quả nho thân gỗ rất hiếm, do số lượng có hạn, còn cây giống có một số quầy trên đường Hoàng Hoa Thám cũng đang bán giống nho quý hiếm này. Theo đó, giá dao động từ 100.000 - 150.000 đồng/cây khoảng 10 -15cm.

Song, theo chị Nguyễn Thị Phương Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cây trồng vài tháng đã lên kín giàn, thân và lá cây ra rất nhanh, nhưng không hề có quả.

“Người bán gửi rất nhiều hình ảnh nho ra quả từ thân cây để tạo tin tưởng. Nhưng sau một thời gian trồng mãi không thấy lên, tôi có gọi phản ánh lại thì bị chặn số. Cây giá rẻ, nhưng tiếc công sức nuôi trồng nên tôi cảm thấy rất bực mình”, chị Phương Anh cho hay.

Tìm hiểu thông tin qua anh K.D. (Giải Phóng, Hà Nội) - một dân buôn nho thân gỗ thì được biết, ảnh đó đều là lấy từ trên mạng. Thực tế, giống cây nho thân gỗ các anh bán không thể ra quả.

Dân buôn thường lấy ảnh trên mạng rồi chạy quảng cáo trên Facebook để "lừa" khách hàng. Bởi ảnh thực tế của cây họ buôn chỉ như cây củi khô (Ảnh nhân vật lấy trên mạng Internet).

“Cây chỗ khác tôi không rõ, còn hàng tôi nhập từ Lạng Sơn về chắc chắn không ra quả. Mỗi chuyến, tôi nhập vài nghìn cây từ đầu mối này để kinh doanh. Bên ngoài, cây nhìn như củi khô, nên chúng tôi phải lấy ảnh trên mạng để gửi cho khách hàng”, anh D tiết lộ.

Bán cây giả, nhưng ăn tiền thật. Mỗi ngày anh D có 50 - 60 đơn hàng, mỗi đơn khách đặt mua khoảng 5 - 6 cây. Trừ chi phí chạy quảng cáo Facebook và chi phí thuê nhà để cắt tỉa cây, mỗi tháng anh D thu lãi 60 triệu đồng. Tháng nào thấp anh cũng lãi 35 - 45 triệu đồng. Cao điểm bán hàng nhất của anh D chính là thời điểm giữa mùa dịch.

“Đó là mới làm nhỏ, nếu làm lớn thì doanh thu của tôi còn cao nữa. Số tiền vốn bỏ vào chỉ khoảng gần 100 triệu đồng”, anh D nói và cho biết thêm, rủi ro duy nhất chỉ là khách nhận hàng không ưng ý sẽ trả lại, phía anh sẽ phải chịu phí vận chuyển.

Cây nho thân gỗ

Bán “củi khô” nhưng chỉ sau gần 2 tháng, anh D đã thu lại hết tiền vốn.

Cũng theo dân buôn này, cây vẫn lớn đều, nhưng khi khách phản hồi rằng không ra quả, thì anh sẽ chặn liên lạc, hoặc trả lời rằng phải chờ cây lớn thêm.

Đây là một cây đã lớn, còn cây giống chỉ có giá 5 - 6 nghìn đồng/cây.

Không hiểu vì lý do gì, 2 tuần nay mặt hàng nho thân gỗ đang “cháy” sạch hàng khiến anh D phải tạm dừng.

“Phía đầu buôn đang báo hết hàng, tôi phải tìm kiếm nguồn nhập mới. Cũng không cần quan tâm quá tới chất lượng, bởi không ra được quả tôi cũng bán được. Hơn nữa, giá nhập chỉ có 5 - 6 nghìn đồng/cây”, anh D cho hay.

Ngọc Anh (t/h)

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.nguoiduatin.vn/ro-mot-nuoi-nho-than-go-bo-ra-tien-trieu-nhan-canh-cui-kho-71993.html