Rọ mõm cho chó: Đã có quy định nhưng... hình như chưa đủ!

Giờ đây, nuôi chó không chỉ để trông giữ nhà mà trở thành thú chơi của nhiều người, nuôi chó thương phẩm còn mang lại giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng chó nuôi chưa được tiêm phòng, thả rông, không rọ mõm, khiến người dân không khỏi lo sợ trước nguy cơ bị chó tấn công.

Chó vẫn được thả rông như này khắp các công viên ở Hà Nội.

Hiểm họa khó lường

Giữa tháng 5/2018, người dân Hà Nội còn chưa hết sợ hãi khi biết cháu Bùi Minh Đức, 21 tháng tuổi, ở thôn Kẻ Mới, Xã Tản Lĩnh (Ba Vì) bị chó cắn rách má, gây thương tích nặng.

Theo chị Bùi Ánh Tuyết (mẹ cháu bé), sau khi tắm xong, chị để con ngồi chơi một mình đi dọn dẹp nhà cửa. Thời điểm này, gia đình có nuôi một con chó béc giê vừa đẻ nên khi thấy Đức vào ôm chó con, chó mẹ đã lao vào cắn.

Mới đây, cháu Nguyễn Đình Đồng, 6 tuổi, trú xã Mai Lâm (Tĩnh Gia - Thanh Hóa) phải cấp cứu trong tình trạng có nhiều vết thương vùng mặt, mũi, đầu, nguy hiểm nhất là tổn thương vùng hốc mắt, đứt ống tuyến lệ. Cháu Lâm bị chó tấn công khi đang chơi ngoài ngõ.

Đau xót hơn, chỉ trong vòng 1 tuần cuối tháng 5/2018, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 2 bệnh nhi (một cháu ở tỉnh Lạng Sơn, một cháu ở tỉnh Hòa Bình) trong tình trạng kích thích, sợ gió, sợ nước sau khi bị chó cắn. Cả hai bệnh nhân đã tử vong khi lên cơn dại. Điều đáng nói, gia đình hai bệnh nhi đều không biết con mình bị chó cắn.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 4 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 18 ca tử vong do bệnh dại, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đã có quy định nhưng khó thực hiện?

Theo Nghị định 90/2017/NĐ - CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, trong đó có quy định: hành vi không đeo rọ mõm, không xích giữ chó và không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.

Đối với trường hợp người thả rông chó trong thành phố, nơi công cộng hoặc để vật nuôi gây thiệt hại cho người khác sẽ bị phạt từ 100.000 đến 1.000.000 đồng. Với những trường hợp chó dữ tấn công gây tổn hại sức khỏe, tài sản cho người khác thì chủ chó sẽ phải bồi thường tùy theo mức độ thiệt hại.

Chi cục Thú y Hà Nội cũng đã phát đi yêu cầu, chó phải được xích, nhốt hoặc giữ trong khuôn viên. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải đảm bảo an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm hoặc xích giữ chó và có người dắt. Kiên quyết xử lý vi phạm hành chính đối với việc nuôi chó thả rông, khi đưa ra nơi công cộng không có người dắt, xích, không đeo rọ mõm.

Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm vẫn diễn ra khá phổ biến trên các tuyến phố, điểm vui chơi công cộng ở Hà Nội khiến nhiều người sợ bị chó tấn công.

Sóc Sơn là huyện có tổng đàn chó, mèo lớn của Hà Nội với 89.076 con. Tại đây có hộ nuôi 8-10 con và hầu hết chó được thả rông nên việc quản lý, tổ chức tiêm phòng gặp nhiều khó khăn.

Theo khảo sát của phóng viên, vào mỗi buổi chiều tại Công viên hồ Điều Hòa và Công viên Hòa Bình (Hà Nội), người dân ở đây thường đưa cả chó đi bộ cùng. Tại công viên hồ Điều Hòa, có hôm số lượng chó tập trung tại đây lên tới 20-30 con. Phần lớn trong số này không được rọ mõm.

Anh Hưng, người thường xuyên đưa chó đi dạo tại Công viên hồ Điều Hòa, cho biết: Tôi cũng nghe tới việc đưa chó đến nơi công cộng phải rọ mõm. Nhưng thấy ở đây mọi người đều không rọ mõm cho chó nên tôi cũng theo họ!?

Mặc dù đã có quy định đeo rọ mõm cho chó nơi công cộng, nhưng hình ảnh này rất hiếm gặp.

Mặc dù đã có quy định đeo rọ mõm cho chó nơi công cộng, nhưng hình ảnh này rất hiếm gặp.

Cuối năm 2016, UBND quận Hoàn Kiếm (TP. Hà Nội) ra quyết định cấm chó không rọ mõm vào phố đi bộ quanh Hồ Gươm và vùng phụ cận. Tuy nhiên, gần một năm sau, lãnh đạo UBND quận này thừa nhận, hầu hết thú nuôi xuất hiện trong phố đi bộ đều không rọ mõm, gây bức xúc cho du khách trong thời gian dài. Quận đã vào cuộc xử lý, tuyên truyền cho người dân nhưng chưa hiệu quả. Sắp tới, quận sẽ cấm tuyệt đối việc du khách mang thú nuôi vào phố đi bộ.

Cảnh giác khi bị chó cắn

Các chuyên gia y tế thế giới cảnh báo, bệnh dại do bị chó cắn nằm trong 10 căn bệnh gây tử vong nhiều nhất do bị nhiễm độc. Thực tế thấy, 100% số trường hợp bị chó dại cắn có nguy cơ tử vong. Nhưng cũng có thể phòng tránh và chữa lành hoàn toàn nếu người bệnh được sử dụng thuốc đặc trị đúng lúc và đầy đủ.

Theo khuyến cáo, những gia đình có con nhỏ nên hạn chế nuôi chó. Nếu nuôi chó phải tiến hành tiêm phòng, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với chó, không thả chó nếu không có rọ mõm. Nếu không may bị chó cắn, thì nên tiêm phòng ngay và theo dõi con chó trong khoảng 10 ngày.

Trong thời gian này, nếu con chó vẫn bình thường, không phải chó dại thì có thể dừng tiêm. Tuy nhiên, cũng không nên mạo hiểm chờ đợi vì nhiều con chó 2-3 tuần sau khi cắn người mới phát bệnh dại, khi đó người bị chó cắn mới tiêm thì quá muộn bởi khi virus dại phát tác, vắc-xin không còn tác dụng.

PGS. Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), cho biết, thời gian phơi nhiễm virus dại ủ bệnh khác nhau ở mỗi người. Có người sau 20-30 ngày mới bắt đầu lên cơn dại, có người lâu hơn mới biểu hiện. Có những vết thương chó cắn đã liền da, người bệnh vẫn bình thường nên càng chủ quan không nghĩ là chó dại cắn. Chỉ đến khi lên cơn dại với biểu hiện sợ gió, sợ nước thì mọi chuyện đã quá muộn, không còn cách gì cứu chữa.

Hoàng Văn

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/ro-mom-cho-cho-da-co-quy-dinh-nhung-hinh-nhu-chua-du-post24126.html