Rõ hơn giải pháp bảo đảm an sinh xã hội

Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, đa số ý kiến đồng tình với nội dung bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, dự thảo cần làm rõ hơn kết quả đạt được cũng như những nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm vững chắc an sinh xã hội, đặc biệt là công tác giảm nghèo bền vững.

Đại diện Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thủ đô.

Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương:
Bổ sung giải pháp chống tái nghèo

Tôi đánh giá cao dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thẳng thắn đề cập đến hạn chế trong công tác giảm nghèo. Đó là “tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị chậm cải thiện”. Vì thế tôi cho rằng, để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới thì giải pháp “Triển khai đồng bộ các chính sách xã hội, tập trung cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội, hướng tới phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn” nêu trong dự thảo cần cụ thể hơn.

Theo tôi, cùng với việc tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, thì định hướng chính sách đối với hộ mới thoát nghèo để chống tái nghèo cần được thành phố tăng cường. Chẳng hạn như việc bổ sung các nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ sản xuất, vay để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… Giải pháp huy động, tạo nguồn lực hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động trong các gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo hoặc có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo nên được bổ sung vào dự thảo Báo cáo chính trị.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái:
Củng cố mạng lưới an sinh xã hội phi chính thức

Dự thảo Báo cáo chính trị đã đề cập tương đối đầy đủ về nội dung bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Nổi bật là giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở Hà Nội giảm còn 2,21%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,2%. Chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo được hoàn thành sớm 2 năm và Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều…

Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt là từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội bị tác động, ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh, hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng. Đến thời điểm này, toàn thành phố đã hỗ trợ hơn 400.000 người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với kinh phí hơn 500 tỷ đồng. Các tổ chức, cá nhân chung tay giúp đỡ hàng vạn lượt người vượt qua giai đoạn gian khó. Nhờ đó, Hà Nội vẫn thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo.

Từ thực tế, tôi đề nghị dự thảo Báo cáo chính trị đề cập rõ hơn những kết quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn. Về giải pháp, dự thảo cần rõ cơ chế “khuyến khích các mô hình, sáng kiến cộng đồng trong xây dựng và củng cố mạng lưới an sinh xã hội phi chính thức” nhằm tạo điều kiện thuận lợi để huy động cộng đồng tham gia hỗ trợ giảm nghèo. Đến khi định hình rõ nét, “mạng lưới an sinh xã hội phi chính thức” cùng với các chính sách xã hội sẽ tạo thành giá đỡ vững chắc giúp các đối tượng yếu thế vươn lên.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung:
Khuyến khích đầu tư vào vùng xa trung tâm

Thực tế cho thấy, khi người dân không còn phải sống trong cảnh nghèo khó, chất lượng cuộc sống tăng lên, tự bản thân mỗi người sẽ quan tâm đến việc học tập, chăm sóc sức khỏe, tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp, tự trang bị “phao cứu sinh” thông qua việc tham gia các chính sách bảo hiểm xã hội. Bởi vậy, tôi tán thành giải pháp “Thực hiện tốt các chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng xa trung tâm của Thủ đô. Xây dựng và triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số...” nhằm hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, dự thảo Báo cáo chính trị chưa đề cập đến giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, trong khi đây là hướng giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hiện nay. Vì thế, tôi đề nghị bổ sung giải pháp này vào chuỗi giải pháp nhằm “Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội”.

Cùng với đó, tôi mong muốn dự thảo làm rõ thêm giải pháp khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào vùng xa trung tâm; đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, tập trung, ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở khu vực miền núi, vùng xa trung tâm…

Hà Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/974570/ro-hon-giai-phap-bao-dam-an-sinh-xa-hoi