Rõ giải pháp để nông nghiệp là 'trụ đỡ'

Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, về vấn đề nông nghiệp, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, dự thảo đã làm rõ những thách thức đối với phát triển nông nghiệp để có hướng phát triển cụ thể trong nhiệm kỳ tới. Đồng thời, cần đưa ra các giải pháp cụ thể hơn nữa để nông nghiệp trở thành 'trụ đỡ' của nền kinh tế Thủ đô.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Đại:

Mục tiêu sát thực tế và tiềm lực của Hà Nội

Tôi đánh giá cao cách thức nghiên cứu, xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội mà Tiểu ban Văn kiện đã chuẩn bị, đặc biệt là các giải pháp liên quan đến phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, những mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ tới đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã sát với thực tế và tiềm lực phát triển của Hà Nội.

Các mục tiêu được đề ra tại dự thảo Báo cáo chính trị như: Tốc độ tăng trưởng của nông, lâm nghiệp và thủy sản là 2,0-2,5%; 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu 30%. Với 3 chỉ tiêu này, thành phố Hà Nội hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, dự thảo cũng nên nêu cụ thể các giải pháp gắn với từng mục tiêu đã đề ra để rõ hơn định hướng trong triển khai. Đồng thời, cần hướng dẫn rõ hơn về vấn đề phát triển nông thôn mới nâng cao phải gắn liền với việc bảo tồn giá trị văn hóa ở các làng quê, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của vùng ngoại thành.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng:

Tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã nhấn mạnh: Huy động và sử dụng có hiệu quả, ưu tiên các nguồn lực cho phát triển sản xuất, bảo đảm sinh kế cho người dân. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn để xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vùng xa trung tâm, giúp nông dân nâng cao năng suất, thu nhập...

Về vấn đề này, tôi cho rằng cần làm rõ hơn nữa các giải pháp để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và phát triển các chuỗi giá trị gắn với thế mạnh từng địa phương. Đối với các huyện có thế mạnh sản xuất nông nghiệp cần có cơ chế tháo gỡ về tích tụ đất đai, nguồn vốn để xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Đối với vùng chăn nuôi cần tính đến quy hoạch nhà máy chế biến trong vùng… Có như thế, nông nghiệp Thủ đô mới phát triển bền vững.

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa:

Rõ điểm nhấn trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới là vấn đề quan trọng, hướng đến sự phát triển lâu dài. Vì thế, theo tôi cần nêu rõ những điểm nhấn cụ thể hướng tới tái cơ cấu từng lĩnh vực. Mục tiêu “phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và vệ sinh an toàn thực phẩm, gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, đặt trong sự phát triển kinh tế - xã hội, hiện đại hóa nông thôn và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu” được nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã tổng quan rất rõ nét về định hướng đối với ngành Nông nghiệp Thủ đô. Từ định hướng từng lĩnh vực sẽ lựa chọn được những cây trồng, vật nuôi chất lượng để phát triển. Tuy nhiên, cần tách vấn đề hiện đại hóa nông thôn và bảo vệ môi trường thành một nhóm vấn đề lớn của ngành, đặc biệt đặt trong bối cảnh Hà Nội đang đô thị hóa mạnh mẽ...

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí:

Tập trung phát triển sản phẩm OCOP

Đối với vấn đề được nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội: “Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, sinh thái, sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP. Nhân rộng ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, các mô hình đã được tổng kết: Lúa chất lượng cao, hoa cây cảnh, cây ăn quả, chăn nuôi tập trung, kinh tế trang trại…” đã đề cập trúng vào thế mạnh của nông nghiệp Hà Nội.

Tôi cho rằng, OCOP là lĩnh vực kinh tế có thế mạnh của nông nghiệp Hà Nội, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Để nông nghiệp trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế Thủ đô, cần cụ thể hóa số sản phẩm OCOP và những giải pháp về xúc tiến thương mại trong lĩnh vực này. Do đó, có thể tách nhóm sản phẩm OCOP thành một nội dung riêng của ngành Nông nghiệp, từ đó có chiến lược cụ thể về phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại…

Đào Huyền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/970944/ro-giai-phap-de-nong-nghiep-la-tru-do