Rơ Châm Van giữ 'hồn chiêng' buôn làng

Đối với người dân tộc Gia Rai, chiêng là một báu vật và nhạc chiêng không chỉ là 'món ăn tinh thần' mà còn mang giá trị tín ngưỡng, ngôn ngữ để giao tiếp với thần linh, tổ tiên. Tuy vậy, tiếng chiêng rất dễ bị lạc nhịp, khó nghe nếu không có những nghệ nhân chỉnh chiêng, uốn nắn và giữ 'hồn chiêng'.

Để trở thành nghệ nhân chỉnh chiêng, ngoài niềm đam mê, năng khiếu bẩm sinh, còn phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện công phu, nên thường thì người trẻ tuổi chưa đạt đến trình độ, kinh nghiệm chỉnh chiêng. Vượt qua những lý lẽ thông thường đó, Rơ Châm Van ở làng Bồ 1, xã Ia Yok, huyện Ia Grai (Gia Lai) biết chỉnh chiêng khi mới 20 tuổi và đã có hơn 10 năm trong nghề. Bà con trong làng tin rằng, thần linh đã trao cho Châm Van sứ mệnh giữ "hồn chiêng” và anh là tài sản, vốn quý của họ.

Rơ Châm Van say mê tiếng chiêng từ nhỏ. Tiếng chiêng như mời gọi, quyến rũ, thúc giục Châm Van theo cha, theo các bậc cao niên, già làng học đánh chiêng và chỉnh chiêng. Đôi tai của Châm Van thính hơn con nai trong rừng, cậu nghe được tiếng chiêng nào đúng điệu, đúng âm và biết chiếc chiêng nào đang bị "ốm", phô giọng. 12 tuổi, đôi bàn tay khéo léo của Van đã biết đánh những tiếng chiêng ngân nga sâu lắng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và lòng người. 20 tuổi, Rơ Châm Van trở thành người chỉnh chiêng giỏi trong vùng. Chỉ với chiếc búa nhỏ và một tâm hồn nhạy cảm với âm thanh, anh đã "thổi hồn" vào những chiếc chiêng lệch tông, lạc nhịp để chúng hồi sinh.

 Rơ Châm Van hướng dẫn người dân trong làng nhảy theo các điệu nhạc cồng chiêng

Rơ Châm Van hướng dẫn người dân trong làng nhảy theo các điệu nhạc cồng chiêng

Mỗi chiếc chiêng khi bị hỏng đều được Châm Van chỉnh theo một cách riêng sao cho đạt được âm thanh chuẩn. Trong dàn cồng chiêng, chiêng đầu đàn được xem là linh hồn, nếu chiêng có vấn đề, âm thanh của cả bộ sẽ không đồng điệu. Khi đó, Rơ Châm Van sẽ chỉnh cho âm thanh của chiêng đầu đàn vang to, tạo sự thăng hoa, cộng hưởng với cả bộ cồng chiêng.

Có một thời kỳ, tiếng chiêng thưa dần trong các lễ hội, sự kiện lớn của làng, người trẻ không còn hào hứng với âm nhạc cồng chiêng. “Tôi bắt đầu thấy lo sợ một ngày nào đó không còn ai biết đánh cồng chiêng nữa. Di sản văn hóa quý giá của dân tộc bị mất đi và tôi nghĩ mình phải làm gì đó cho dân làng”, Rơ Châm Van tâm sự.

Không quản ngại khó khăn, anh đến từng nhà, vận động người già, thanh niên tập hợp thành các đội cồng chiêng và truyền dạy cách đánh chiêng cho họ. Anh Rơ Châm Phanh ở làng Bồ 2, xã Ia Yok, kể: “Trước đây, mình cũng như nhiều thanh niên trong làng không biết đánh cồng chiêng, vì cứ nghĩ bây giờ không còn ai thích nghe cồng chiêng nữa, chỉ lo làm ăn. May có anh Van còn giữ được tình yêu, lòng nhiệt huyết với cồng chiêng mà truyền dạy cho chúng tôi”. Ông Rơ Châm Jôl ở làng Bồ 1, xã Ia Yok, nói: “Không có Van thì không có được đội cồng chiêng như hôm nay đâu. Từ trẻ nhỏ đến thanh niên trong làng đều biết đánh cồng chiêng, biết yêu quý và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.

Tiếng cồng chiêng cũng đã cất lên ở tất cả nghi lễ trong năm của làng, như: Lễ thổi tai, bỏ mả, cúng bến nước, mừng nhà rông mới, mừng lúa mới… Vinh dự hơn, đội cồng chiêng của làng được huyện Ia Grai chọn đại diện cho địa phương tham gia Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018, cùng hòa nhịp với hơn 1.000 nghệ nhân cồng chiêng đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên.

Mùa xuân mới lại về trên mảnh đất Tây Nguyên trù phú và giàu bản sắc văn hóa. Người dân làng Bồ 1 quây quần bên ché rượu cần đậm đà hương vị quê hương. Những chàng trai, cô gái Gia Rai tay trong tay ngất ngây cùng nhịp chiêng trầm bổng và điệu xoang mềm mại… Cứ thế, dòng chảy văn hóa được tiếp nối.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/ro-cham-van-giu-hon-chieng-buon-lang-566803