Rich Kid Việt khoe set đồ tiền tỷ: Đáng buồn ở chỗ...

Không thể tạo ra nhân tài nếu tạo cho chúng thói quen hưởng thụ một cách thụ động...

Mới đây,một Rich kid Việt lại khoe set đồ khủng trị giá 3 tỷ đồng khiến dân mạng phát "sốt". Nam chính trong clip khiến người xem bất ngờ khi cho biết tổng giá trị bộ đồ mang theo người trị giá khoảng 3 tỷ đồng. Trong đó bao gồm túi xách giá 10.000 USD (gần 233 triệu đồng), vali giá 6.000 USD (hơn 139.5 triệu đồng), áo giá 10.000 USD (gần 233 triệu đồng), ba lô giá 10.000 USD ((gần 233 triệu đồng), giày 50.000 USD (1,1 tỷ đồng).

Bình luận về hiện tượng trên, TS Phan Đăng Long - nguyên Phó Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội không vội lên án hoặc phê phán hành động của các du học sinh "nhiều tiền" tham gia trang mạng Rich Kid Việt, nhưng ông cho rằng đây là hiện tượng mà xã hội phải quan tâm.

Sét đồ hơn 3 tỷ của một Ric kid Việt. Ảnh: pose

Ông Long cho biết, tâm lý khi có tiền sẽ sinh những nhu cầu hưởng thụ như chi tiêu, mua sắm, ăn chơi, du hí... ở một số con nhà giàu vẫn thường thấy trong xã hội hiện nay.

Đầu tiên xuất phát từ chính những người lớn, những người làm cha, làm mẹ, khi lao động có được tí tiền tích lũy thì muốn bù đắp cho con cái, muốn cho con cái hưởng thụ cuộc sống giàu sang hơn người.

Đáng nói, tâm lý khoe giàu sang không chỉ có ở người giàu mà còn lây lan sang cả người bình thường, những người không có điều kiện nhưng vẫn thích "học làm sang", vì "sĩ diện", vì muốn chứng tỏ bản thân, muốn được thể hiện đẳng cấp hoặc cũng vì "con gà tức nhau tiếng gáy", không muốn kém cạnh nhau... mà cũng cố khoe ra từ cả bữa ăn tiền triệu, cái áo đắt tiền, cái xe triệu đô... thậm chí đi mượn để khoe, khoe cả những thứ mình không có. Điều này rất lố bịch.

Cứ như vậy, từ người giàu cũng muốn khoe, người nghèo cũng thích khoe, người có của khoe, rồi đến cả người không có của cũng khoe, người lớn khoe rồi trẻ con cũng khoe. Dần dần, khoe của trở thành trào lưu, thành phong trào bình thường. Vì thế, ông cho rằng, tự nhiên có một trang mạng xã hội mang tên Rich kid để các cậu ấm, cô chiêu còn nhà giàu thỏa đam mê khoe tiền, khoe của cũng là xu hướng tất yếu.

Tuy nhiên, đứng về mặt xã hội, TS Phan Đăng Long cho rằng, đây là hiện tượng đáng buồn, rất cần phải quan tâm. Ông Long cho rằng, nếu những "cậu ấm, cô chiêu" con nhà giàu, lắm tiền nhiều của đó biết tận dụng lợi thế của mình để học tập, trau dồi kiến thức, làm giàu thêm giá trị văn hóa, đạo đức và tri thức thì tốt biết bao nhiêu.

Theo ông Long, không thể suy nghĩ một cách tiêu cực rằng người giàu thì không được tiêu tiền, không được ăn chơi, hưởng thụ ở đẳng cấp cao hơn. Những người giàu thật sự, họ kiếm tiền bằng mô hôi nước mắt, họ xứng đáng được hưởng thụ sau những ngày họ phải lao động vất vả để kiếm được ra những đồng tiền tích lũy. Đó là những đồng tiền chính đáng và họ có quyền sử dụng, có quyền tiêu pha, có quyền quyết định nên làm gì với nó.

Nhưng đúng như bản chất của nó, tiền càng khó kiếm thì càng cần được trân trọng, đây là lý do ông Long cho rằng, những người giàu có thật sự họ tiêu tiền rất thận trọng, luôn có kế hoạch và tính toán cụ thể, rõ ràng, không có chuyện tiêu xài hoang phí, tiêu vô tội vạ.

Ông Long cho biết, người giàu Việt cần nhìn cách một số tỷ phú nước ngoài như Bill Gates dạy con để học tập, bởi nền tảng tạo nên một đứa trẻ có tài, có đức, có bản lĩnh không phải là đưa cho chúng thật nhiều tiền thì chúng sẽ lập tức trở thành tỉ phú hay triệu phú. Nhân tài phải được tạo nên bằng vốn sống, kinh nghiệm, phải được học tập, lao động thì mới trưởng thành. Không thể tạo ra nhân tài nếu tạo cho chúng thói quen hưởng thụ một cách thụ động mà chỉ nên cho chúng cái cần để bắt chúng phải tự đi kiếm cá về ăn.

Bóc mẽ giấc mơ du học người Việt: Nhà giàu khoe... oai!

"Người giàu Việt còn đang có rất nhiều vấn đề. Có những người giàu lên thật sự nhưng cũng có rất nhiều người tự nhiên giàu nhờ tham nhũng, buôn gian, bán lậu. Dấu hỏi về nguồn gốc tiền kiếm được của một số quan chức, người có địa vị trong xã hội, trong bộ máy quản lý nhà nước, những người làm ăn buôn bán không trong sáng... vẫn luôn khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn là quốc gia nghèo, thu nhập theo đầu người còn thấp, nhưng xét về độ ăn chơi, khoe của lại không thua kém bất cứ nước giàu có nào trên thế giới thì đúng là một bức tranh nghịch cảnh, khiến cả thế giới phải trông vào.

Tâm lý chưa làm đã muốn hưởng thụ, chưa giàu đã thích khoe là tâm lý quen được chiều chuộng và dễ làm con người hài lòng, không muốn cố gắng, phấn đấu nữa. Hiện tượng trên từng thấy ở một số lớp trẻ thuộc thế hệ kế tục của Việt Nam, nhiều gia đình dòng dõi đã bị phá hỏng hoàn toàn sự nghiệp cũng chính bởi việc chiều chuộng con cái quá mức, cho con cái những thứ nhiều hơn công sức chúng phải bỏ ra", ông Long chia sẻ.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/dai-gia/rich-kid-viet-khoe-set-do-tien-ty-dang-buon-o-cho-3372091/