Review 'Tenet': Bom tấn hack não đầy tham vọng nhưng hoàn toàn vô cảm

Bước ra khỏi rạp, khán giả dễ bị choáng ngợp bởi những gì mà Tenet đem lại nhưng thật khó để cảm nhận được bất cứ điều gì sâu sắc đằng sau lớp vỏ hào nhoáng ấy

*Bài viết có tiết lộ nội dung, độc giả cân nhắc trước khi đọc.

Giữa lúc cả Hollywood trở nên đình trệ thì Tenet lại một mình một ngựa xông pha nơi đại dịch, mang trong mình xứ mệnh giải cứu ngành công nghiệp điện ảnh khỏi một năm khủng hoảng. Có nhiều lý do để tin vào điều đó, mà lý do lớn nhất là bởi cái tên Christopher Nolan vốn được xem như bảo chứng phòng vé chất lượng. Dù các tác phẩm của ông có bị gắn mác “hack não”, “khó xem” đến đâu thì khán giả vẫn dành một sự ngưỡng mộ nhất định đối với chúng.

Tenet cũng không phải ngoại lệ. Điểm xuất phát và kết thúc của nó có thể giống với những tác phẩm hành động khác, nhưng hành trình mà phim diễn ra mới là yếu tố độc nhất vô nhị

Cái hay của việc làm phim ấy là đạo diễn được tự do sáng tạo nên thế giới của mình. Nó có thể dựa trên những cơ sở khoa học có sẵn hoặc cũng có thể hoàn toàn phi thực tế. Đối với Tenet, Chistopher Nolan đã tận dụng điều đấy để giới thiệu công nghệ “đảo ngược thời gian”, qua đó kể một câu chuyện theo hướng hết sức rắc rối và điên rồ đúng với phong cách đặc trưng của mình. Nhưng liệu nó có gây ra phản ứng ngược?

Tương tự như nhiều tác phẩm khác của Nolan, Tenet nhồi nhét vào đầu người xem hàng tá thông tin qua các câu thoại vừa nhanh vừa khó hiểu về những thứ mà chúng ta chưa từng nghe qua. Nhưng điều gây khó chịu nhất ở đây là cách bộ phim giải thích hiện tượng như thế nó rõ như ban ngày trong khi người xem chẳng thể nắm bắt kịp.

Khi có quá nhiều thứ cần phải kể sẽ buộc đạo diễn phải đẩy nhanh nhịp phim và nó gây ra hệ quả là các tình tiết diễn ra dồn dập, thiếu tính liên kết. Theo lẽ thông thường, hồi 1 sẽ là khoảng thời gian để set up câu chuyện, vạch ra hướng đi cho bộ phim nhưng công đoạn này lại quá dài, trải qua nhiều giai đoạn nên luôn có cảm giác thiếu điểm nhấn.

Càng về sau các tình tiết lại càng trở nên rối rắm buộc người xem phải căng não, căng mắt ra để hiểu được chuyện gì đang diễn ra. Nhưng quả thực để hiểu được cách thời gian vận hành trong Tenet lại là một phạm trù bác học cao siêu mà nếu chỉ xem 1, 2 lần chắc chắn không thể hiểu được. Rõ ràng đây là ván cược rất lớn của Christopher Nolan bởi nếu không cẩn thận thì nỗ lực phức tạp hóa mọi chuyện này sẽ đổ bể và gây ra những mâu thuẫn trong nội dung.

Tuy nhiên khán giả vẫn có thể giữ vững niềm tin vào một kịch bản phức tạp một cách thông minh vì rất nhiều chi tiết đã được cài cắm để có liên kết với nhau, chứng tỏ đạo diễn có tầm nhìn xuyên suốt cả bộ phim.

Bên cạnh đó Tenet cũng đem đến những đại cảnh cháy nổ và chiến đấu vô cùng hoành tráng. Kết hợp với hiệu ứng của của công nghệ đảo ngược giúp đem tới những khoảnh khắc bất ngờ và kịch tính.

Tenet sở hữu dàn diễn viên rất dày và toàn những cái tên máu mặt nhưng đáng tiếc nhiều người trong số đó lại không có đủ thời gian thể hiện, hoặc không được trao cho khoảnh khắc tỏa sáng cần thiết.

Đó là bởi phim tập trung quá vào nhóm nhân vật chính và cả mối quan hệ rắc rối một cách không cần thiết giữa The Protagonist (John David Washington) và Kat (Elizabeth Debicki). Ngay cả phản diện Andrei Sator (Kenneth Branagh) cũng không thực sự ấn tượng chứ đừng nói là xuất sắc. Ở hắn chỉ có vẻ lạnh lùng chứ không toát lên được sự mưu mẹo, khôn ngoan. Ưu thế trong các cuộc đối đầu phần lớn đến từ sự hiểu biết về công nghệ chứ không thực sự có một kế hoạch để đánh lừa và vượt mặt tất cả.

Thực tế không chỉ mỗi phản diện mà hầu như tất cả các nhân vật đều không khơi gợi được cho người xem bất cứ cảm xúc gì. Với những gì đã thể hiện, thật khó để tin rằng The Protagonist là nhân vật chính của Tenet. Anh chỉ xuất hiện để làm nhiệm vụ, không câu chuyện, không biến cố, phát triển tâm lý thì mờ nhạt.

Mối liên kết đủ sức nặng duy nhất của anh là với nhân vật Kat, nhưng rõ ràng đây là “mũi tên” một chiều vì mối quan tâm của Kat lại nằm ở gã chồng tệ bạc kiêm phản diện và đứa con trai nhỏ. Có lẽ đây là người duy nhất đem đến cảm xúc cho khán giả với câu chuyện dễ đồng cảm và động cơ hợp lý.

Nhìn chung Tenet là một trải nghiệm hoành tráng, nhức não nhưng có lẽ bạn sẽ khó lòng tìm kiếm được cảm xúc nào khác đằng sao lớp vỏ hào nhoáng đó.

Châu Hải Bình

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/review-tenet-bom-tan-hack-nao-day-tham-vong-nhung-hoan-toan-vo-cam-20200827174811990.html