Review 'Aladdin' live-action: Món quà tròn trịa cho những tuổi thơ lớn lên cùng Aladdin

Đừng vì trailer dở mà đánh giá cả bộ phim, 'Aladdin' live-action hay hơn những gì bạn từng tưởng tượng, đặc biệt nếu là một fan cứng cựa của bản gốc thì không nên bỏ qua.

Aladdin bản live-action giữ lại cốt truyện gốc của phiên bản hoạt hình năm 1992. Phim kể về tên trộm tốt bụng Aladdin một ngày "phải lòng" nàng công chúa Jasmine tuy không "môn đăng hộ đối". Một ngày, anh vô tình sở hữu cây đèn thần và được thần đèn giúp trở thành một hoàng tử để sánh đôi với công chúa. Thế nhưng, tể tướng Jafar, kẻ luôn muốn có cây đèn thần đã phát hiện ra bí mật này của Aladdin và âm mưu cướp cây đèn để thực hiện dã tâm của mình.

Đúng, đó chính là xứ Agrabah trong truyền thuyết

Những ai từng lớn lên với Aladdin thì có lẽ đều hiểu rằng ngoài chuyện tình yêu cổ tích của hai nhân vật chính thì vùng đất huyền bí Agrabah chính là điều rất đáng tò mò. Một vùng đất giả tưởng đã đi vào giấc mơ của những tuổi thơ sẽ được xây dựng lên như thế nào đây? Xứ Agrabah được miêu tả là một thành phố giả tưởng của Ba Tư, nằm trên trung tâm "con đường tơ lụa", nơi giao thương sầm uất và cũng là vùng đất giao thoa của nhiều nền văn hóa xa xưa.

Xứ sở Agrabah bước lên màn ảnh rộng

Khi những cảnh quay đầu tiên ở khu chợ hiện ra, khán giả có thể cảm nhận được độ sầm uất của một vùng đất giao thương xưa. Khung cảnh đẹp mê hồn từ "ngôi nhà ngàn sao" của Aladdin nhìn về phía cung điện đẹp đến ngỡ ngàng. Đến khi Aladdin cùng Jasmine bay trên tấm thảm nhìn xuống toàn bộ thành phố và những nốt nhạc đầu tiên của A whole new world vang lên, bạn sẽ phải thốt lên: "Đúng rồi, nó chính là Agrabah". Đó chính là xứ sở bí ẩn, đầy ma thuật của những chuyện thần kỳ Nghìn lẻ một đêm, nơi mà bất cứ điều diệu kỳ gì cũng có thể xảy ra.

Thực ra chẳng có quy luật nào để xây dựng lên vùng đất Agrabah, bởi nó là một miền cổ tích. Thế nên chẳng ai có thể bắt bẻ được khi nhà làm phim pha thêm một chút màu sắc hiện đại vào đó để trong những màn vũ hội truyền thống lại có chút hip hop mang hơi thở thời đại mới.

Dàn diễn viên ấn tượng dù tạo hình gây nhiều tranh cãi

Sau Cinderella và Belle, Jasmine vẫn đi đúng theo con đường của những nàng công chúa của Disney, đẹp và đẹp hoàn hảo. Thôi những tranh cãi về độ hợp vai trước đó, Naomi Scott với nét đẹp lai ấn tượng sẽ thuyết phục ban ngay bạn rằng cô chính là nàng Jasmine trong tưởng tượng. Xuất phát điểm là một ca sĩ nên Scott có vẻ tự nhiên hơn bạn diễn của mình khi thực hiện cảnh hát. Bên cạnh Jasmine lần này còn có thêm một cô hầu gái Dalia. Cô gái may mắn được giao cho vai diễn này là nữ diễn viên người Mỹ gốc Iran Nasim Pedrad, vai diễn này thực sự ấn tượng khi được xây dựng với tính cách và câu chuyện của riêng mình. Nhiều thời điểm tưởng chừng như nàng hầu gái Dalia còn duyên dáng xuất thân hơn cả công chúa Jasmine nữa.

Tạo hình Jasmine và cô hầu Dalia

Nhưng nếu nói về người ấn tượng nhất thì đó phải là vị thần đèn của Will Smith. Đã lâu lắm rồi mới lại thấy tài tử hài hước mà duyên dáng đến thế dù ông thực sự đã từng làm rất tốt ở những vai hài. Đừng tin những gì trailer đã nói với bạn về một vị thần đèn xanh lè lại tạo hình kỳ quái và trông chẳng có gì huyền ảo như thế giới mà bộ phim tạo nên. Đừng tin, bởi vị thần đèn này sẽ khiến bạn phải cười từ lúc xuất hiện cho đến khi hạ màn. Will Smith hoàn thành vai diễn này tốt hơn mong đợi, là một ngôi sao thực sự nâng đỡ dàn diễn viên còn khá mới của bộ phim.

Tạo hình không ấn tượng nhưng vai thần đèn của Will Smith duyên đáo để

Một vài điểm trừ nho nhỏ nữa nằm ở nam chính Aladdin của Mena Massoud và tể tướng Jafar của Marwan Kenzari. Dù diễn xuất không phải quá tệ, lanh lợi đúng chất “hoàng tử đường phố” của Aladdin nhưng về tổng thể cả tạo hình lẫn diễn xuất của Mena Massoud đều lép vế trước nàng Jasmine và thần đèn. Vai Jafar cũng là một điều khá đáng tiếc của bộ phim. Tạo hình mới mẻ hơn cho một hình tượng đã cũ là một điều rất đáng hoan nghênh nhưng lần này có vẻ không thành công lắm. Nếu Jafar của bản hoạt hình có gương mặt nhọn hoắc gợi lên nét phản diện kinh điển, đầy ma mị thì bản live-action có thể chưa đủ ác, cũng có thể chưa đủ xấu nhưng ở nhân vật Jafar này chưa thấy được độ lợi hại của một trong ba kẻ phản diện hay nhất của Disney.

Một điểm trừ ở Aladdin và Jafar

Một chút so sánh Aladdin live-action và bản hoạt hình kinh điển 1992

Nếu không quá khó tính và nhìn nhận Aladdin như một tác phẩm độc lập thì có lẽ bạn sẽ hài lòng khi xem phiên bản live-action lần này. Nhưng nếu là một fan của bản hoạt hình gốc thì có một số điểm phải "chấm nhẹ". Đầu tiên, kịch bản chưa mượt lắm nếu so với bản hoạt hình. Nhưng điều này có thể hiểu được vì bộ phim đứng trước áp lực phải giữ lại bản gốc quá ấn tượng và thêm bớt những yếu tố mới nên nhiều đoạn cắt ghét chưa thể làm hài lòng toàn bộ.

Thông điệp nữ quyền đang lên ngôi trong phim của Disney thời gian gần đây cũng không thể thiếu ở Aladdin. Cũng hay, nhưng có vẻ không cần thiết lắm với mạch truyện chung khi mọi thứ đã tròn trịa như thế.

Thông điệp nữ quyền không cần thiết lắm

Và một phần không thể quên nhắc đến đó là linh hồn của phim Disney - âm nhạc. Được cầm trịch bởi hai con người đã tạo nên thành công cho La La Land nên âm nhạc của Aladdin hoàn toàn chinh phục khán giả. Từ những giai điệu đậm chất cổ tích của miền đất Trung Đông đến ca khúc bất hủ A whole new world hay ca khúc mới Speechless viết cho nàng Jasmine, mọi thứ đều rất thỏa mãn với những fan bộ phim gốc.

So với Beauty and the Beast được truyền thông rầm rộ năm 2017 thì Aladdin đáng xem hơn nhiều. Bởi phiên bản mới này giữ đúng lời hứa với người hâm mộ đưa họ về tuổi thơ nhưng không phải xem lại một bộ phim đã cũ. Aladdin sẽ chính thức ra rạp trên toàn thế giới từ ngày 24/5.

Trang Tran

Nguồn Thế Giới Trẻ: https://thegioitre.vn/review-aladdin-live-action-mon-qua-tron-tria-cho-nhung-tuoi-tho-lon-len-cung-aladdin-72833.html