Rét càng đậm, càng đông người vào viện

Các tỉnh phía bắc đang trải qua đợt rét đậm, rét hại đầu tiên trong mùa đông. Nhiều ngày qua, thời tiết rét đậm đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân, đặc biệt trẻ em và người già.

Bệnh hô hấp, tiêu chảy tiến công trẻ nhỏ

Bế cháu bé mới hơn một tháng tuổi đến Khoa nhi, Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Hà Nội khám với triệu chứng sốt, ho, khò khè, khó thở, chị Trần Thu Hoài (phường Kim Liên, quận Đống Đa) cho biết, dù chị đã chăm con rất cẩn thận, nhưng bé vẫn bị nhiễm lạnh. Qua thăm khám, bác sĩ khẳng định, cháu bé đã bị viêm phổi nặng. Theo PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa nhi BV Bạch Mai, trong những ngày gần đây, số trẻ bị ốm do mắc các bệnh mùa đông tăng mạnh. Trong đó, một số trẻ phải nhập viện vì biến chứng viêm phổi, suy hô hấp. Các trẻ nhập viện thường có biểu hiện sốt cao, ho, cảm do nhiễm lạnh. Nhiều cháu sốt cao lên đến 390C - 400C mà nguyên nhân chủ yếu vì cảm lạnh, các bệnh do vi-rút, vi khuẩn dẫn đến viêm nhiễm đường hô hấp. Thống kê của Khoa nhi cho thấy, số trẻ đến khám, nhập viện tăng khoảng 20% so với bình thường, trung bình mỗi ngày có từ 90 đến 95 cháu điều trị nội trú. Đặc biệt, có cháu bé mới năm ngày tuổi cũng đã bị viêm phổi.

Ngoài những trường hợp mắc hô hấp, thời điểm này, khoa nhi, BV Xanh Pôn, Thanh Nhàn và BV Nhi T.Ư cũng tiếp nhận nhiều trẻ mắc bệnh tiêu chảy mùa đông do nhiễm vi-rút Rô-ta. Đưa con đến khám tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, BV Nhi T.Ư, chị Nguyễn Thanh Thảo, mẹ của bé Tuấn Anh (phường Xuân La, quận Tây Hồ) mới tám tháng tuổi cho biết, chị rất cẩn thận trong chế biến thức ăn cho bé nhưng con chị vẫn bị tiêu chảy. Theo bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám, chữa bệnh theo yêu cầu, BV Nhi T.Ư thì tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng; ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ em. Mùa đông là thời điểm dễ bùng phát và lây lan bệnh tiêu chảy do vi-rút Rô-ta gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là lứa tuổi từ 3 đến 24 tháng. Ban đầu trẻ thường bị nôn, sau khoảng một, hai ngày thì bắt đầu đi ngoài. Bé cũng có thể ho, sốt. Bệnh thường kéo dài từ ba đến bảy ngày. Biến chứng nguy hiểm của bệnh là mất nước, mất muối quá nhiều, dễ dẫn đến trụy mạch, thậm chí tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Vì vậy, việc bù nước khi trẻ bị tiêu chảy là rất quan trọng. Nếu thấy trẻ mệt quá, không ăn uống gì, không chơi, nằm li bì thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để truyền dịch.

Bác sĩ Nhuận khuyến cáo, phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ trong mùa lạnh quan trọng nhất là bảo đảm vệ sinh và dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, để trẻ đủ sức chống đỡ bệnh, cơ thể chóng phục hồi, không bị suy sụp vì thiếu dinh dưỡng sau tiêu chảy.

Bệnh tim mạch - nỗi lo của người già

Đề cập nguy cơ bệnh tim mạch trong mùa lạnh, PGS, TS Đỗ Doãn Lợi, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, trong những ngày thời tiết chuyển lạnh, một số bệnh về tim mạch ở người già tăng mạnh hơn bình thường. Các bệnh hay gặp ở người già trong thời tiết lạnh này là bệnh cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, động mạch vành, phổi. Thống kê từ ngày 16 đến 20-12, tại Viện Tim mạch (BV Bạch Mai) cho thấy, số lượng bệnh nhân tăng từ 350 người (ngày thường) lên tới gần 400 bệnh nhân trong những ngày lạnh.

Còn tại Viện Lão khoa T.Ư, theo bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Trưởng Khoa Khám bệnh của BV, trong những ngày qua, bệnh nhân đến khám và điều trị cũng tăng đáng kể, chủ yếu là các bệnh nhân mắc cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, động mạch vành, phổi, phế quản, tắc nghoen mạn tính, các bệnh xương khớp... Bác sĩ Trung Anh cho rằng, do hệ miễn dịch đã suy giảm nên các bệnh cao huyết áp, tim mạch, thiếu máu não rất dễ dẫn đến đột quỵ ở người cao tuổi. Thời điểm dễ xảy ra đột quỵ là chiều tối và đêm. Ban đầu bệnh nhân cảm thấy choáng váng, sau đó dần rơi vào trạng thái vô ý thức. Chính vì vậy, biện pháp giữ ấm là rất cần thiết. "Để phòng tránh đột quỵ, người già không nên ra lạnh đột ngột, điều trị tốt bệnh tăng huyết áp, phòng và điều trị bệnh tiểu đường. Khi thấy người cao tuổi có biểu hiện nhức đầu, chóng mặt hoặc có hiện tượng quên hay rối loạn cảm xúc (buồn, giận thất thường...), rối loạn ngôn ngữ, nói ngọng, cấm khẩu, méo miệng, nặng hơn là liệt nửa người, cần phải đưa ngay đến BV để được điều trị kịp thời", bác sĩ Trung Anh nói.

Để phòng bệnh ở người già và trẻ nhỏ trong những ngày giá rét, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không nên ra khỏi nhà lúc sáng sớm, nếu buộc ra khỏi nhà lúc sáng sớm phải mặc ấm, giữ ấm cổ, đội mũ, đeo khẩu trang. Khi ở trong nhà, người dân cũng nên giữ ấm, đóng kín cửa, bảo đảm nhiệt độ ổn định, không để bị lạnh; nên ăn thức ăn ấm, nóng, không nên ăn đồ lạnh. Đặc biệt người dân nếu có các nhiễm trùng tai, mũi, họng phải điều trị triệt để. Đối với trẻ nhỏ, bệnh có thể diễn tiến rất nhanh nên cần theo dõi sát và đưa trẻ đến BV, nếu trẻ có triệu chứng nặng hơn.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/hanoi/tin-moi-nhan/item/21972402-ret-cang-dam-cang-dong-nguoi-vao-vien.html