Resco: 12 năm vẫn 'ì ạch' thoái vốn

Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ có quyết định năm 2007, đến nay đã 12 năm trôi qua, nhưng lộ trình thoái vốn tại Resco vẫn đang nằm ở tình trạng 'đang xây dựng đề án cơ cấu…'.

Từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tại Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco), và năm 2013, UBND TP.HCM cũng đã có Quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu Resco. Nhưng đến nay, lộ trình thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty này đang dậm chân tại chỗ…

Hiện thực đi ngược đề án

Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn – TNHH MTV (Resco) được thành lập vào tháng 9/1998 với 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP. HCM, có hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngày 31/12/2013, UBND TP HCM ký Quyết định số 7432 phê duyệt đề án tái cơ cấu Resco giai đoạn 2013-2015.

Theo đề án tái cơ cấu, Resco thực hiện cổ phần hóa sau năm 2015, nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Tới hết năm 2018, Resco vẫn còn 4 công ty con nắm trên 50% vốn và 12 công ty liên kết, 6 công ty liên doanh.

Tới hết năm 2018, Resco vẫn còn 4 công ty con nắm trên 50% vốn và 12 công ty liên kết, 6 công ty liên doanh.

Trong giai đoạn 2013-2015, Resco sẽ cổ phần hóa 5 công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước (nhà nước sẽ giữ dưới 50% vốn điều lệ) gồm: Đầu tư phát triển Thủ Thiêm, Phát triển và kinh doanh nhà; Xây dựng thương mại Sài Gòn 5, Đầu tư địa ốc Gia Định, Địa ốc Bình Thạnh; bán bớt vốn đầu tư tại 10 doanh nghiệp; bán hết vốn đã đầu tư tại 13 doanh nghiệp.

Cụ thể, theo Quyết định số 7432, trong giai đoạn 2013 -2015, có 5 công ty do Resco đang nắm giữ vốn điều lệ từ 100% sẽ được thoái vốn xuống dưới 50% vốn điều lệ và 8 doanh nghiệp do Resco nắm trên 50% sẽ được thoái vốn xuống dưới 50% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, đã hơn 5 năm trôi qua, 5 công ty TNHH MTV 100% vốn do Resco sở hữu thì 1 công ty cổ phần hóa với tỷ lệ Nhà nước nắm giữ trên 50%, 3 công ty Nhà nước nắm giữ tỷ lệ dưới 50% và 1 công ty Resco vẫn nắm giữ 100%, chưa đúng theo Quyết định 7432 đã được duyệt.

Trong khi đó, một số công ty tỷ lệ sở hữu của Resco trên 50% thuộc diện phải bán bớt vốn nhưng lại chưa thực hiện như Công ty cổ phần địa ốc 10 (Resco 10), Công ty cổ phần địa ốc Tân Bình và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng kinh doanh nhà Sài Gòn.

Tới hết năm 2018, Resco vẫn còn 4 công ty con nắm trên 50% vốn và 12 công ty liên kết, 6 công ty liên doanh.

Trong đó CTCP Địa ốc 10 (Resco 10) do Resco nắm 51% vốn và CTCP Đầu tư Xây dựng Kinh doanh Nhà Sài Gòn (Intresco) do Resco nắm 16,15% vốn là hai đơn vị có nhiều tai tiếng nhất.

Cho đến đầu năm 2019, tình hình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp chỉ được Chủ tịch HĐQT Resco Nguyễn Phước Ngọc báo cáo hết sức ngắn gọn: “Hiện nay Resco đang xây dựng đề án cơ cấu lại theo Quyết định số 7123 ngày 28/12/2018 của UBND Thành phố, trình cấp thẩm quyền quyết định”.

Như vậy, nếu tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ có quyết định năm 2007, đến nay đã 12 năm trôi qua, nhưng lộ trình thoái vốn tại Resco vẫn đang nằm ở tình trạng “đang xây dựng đề án cơ cấu…”.

Lo lắng về "sức khỏe" doanh nghiệp

Theo đề án tái cơ cấu, mục tiêu của Resco giai đoạn 2013 – 2015 là doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng bình quân 10%/năm trở lên.

Tuy nhiên, có thể thấy giai đoạn 2013 – 2015 kết quả kinh doanh của Resco rất trồi sụt, doanh thu giảm liên tục trong ba năm, đi ngược lại với mục tiêu của đề án. Còn lợi nhuận thì năm 2014 ghi nhận tăng trưởng tới 30% nhưng sang năm 2015 lại giảm 37%.

Không chỉ giai đoạn 2013 – 2015, nhìn vào đồ thị thống kê có thể thấy từ năm 2013 – 2017, doanh thu của Resco liên tục lao dốc và lợi nhuận vẫn tiếp tục trồi sụt. Qua đó có thể thấy hoạt động kinh doanh kém hiệu quả và thiếu ổn định của Resco.

Theo thông tin doanh nghiệp công bố thì 3 tháng đầu năm 2019, Resco ước đạt 523 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, gần 64 tỷ đồng lợi nhuận. Năm 2019, Tổng Công ty đề ra kế hoạch doanh thu 4.667 tỷ đồng, 976 tỷ đồng lợi nhuận. Kết thúc quý I, toàn Tổng Công ty mới chỉ thực hiện được 11% mục tiêu doanh thu và 6,5% lợi nhuận cả năm.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chậm trễ cổ phần hóa và Nhà nhà nắm giữ cổ phần chi phối tại những công ty như Resco đang làm cho “sức khỏe” của những doanh nghiệp này yếu đi.

Nha Trang

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/resco-12-nam-van-i-ach-thoai-von-153593.html