Rệp đốt, bệnh hay gặp vào mùa xuân hè và cách xử lý triệt để

Thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để các loài côn trùng phát triển mạnh, do đó các tổn thương do côn trùng đốt thường hay gặp vào cuối mùa xuân và mùa hè

Rệp đốt, bệnh hay gặp mùa xuân hè (Ảnh minh họa)

Rệp đốt, bệnh hay gặp mùa xuân hè (Ảnh minh họa)

BSCKI. Nguyễn Thị Thùy My, Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, thời tiết nóng ẩm vào mùa xuân và mùa hè là điều kiện thuận lợi để các loài côn trùng phát triển mạnh, do đó các tổn thương do côn trùng thường hay gặp vào cuối mùa xuân và mùa hè. Các loại côn trùng thường gặp ở thời điểm này gồm: muỗi, ong, rệp, bọ nhảy…

Cảnh giác khi bị ong đốt

BS Thùy My cho rằng các loài ong đều có vết đốt rất đau và ngứa. Thậm chí có những loài ong nếu để chúng tấn công người sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, ong là loài côn trùng tiến bộ nhất, sống thành xã hội, có nhiều hoạt động bản năng như xây tổ, nuôi con, phân công lao động. Ong thường làm tổ ở nơi có điểm tựa như nhánh cây, mái nhà. Vật liệu xây dựng tổ ong thường từ vỏ cây, gỗ mục nghiền nát, được trộn với nước bọt thành 1 loại vật liệu có tính kết dính.

Mỗi đàn ong có chừng vài chục (như ong đất), đến vài trăm con (như ong vò vẽ) hoặc có khi đến vài chục ngàn con (như ong mật).

Tai nạn do ong đốt cũng rất nguy hiểm cho con do các độc tố có trong nọc ong như Melittin, Phospholipase A, B, Hyaluronidase, Histamine, Serotonine, Acetylcholine, Acide phosphatase, Apamin,… tổn thương thận, gan, hủy cơ, tán huyết, rối loạn đông máu, tổn thương phổi gây suy hô hấp,…

Do đó, nếu chẳng may bị ong đốt, người dân có thể lấy vòi chích ra nếu có bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra, rửa sạch vùng bị đốt bằng xà bông và nước ấm, đắp băng lạnh lên vết cắn để giảm đau và giảm sưng. Đồng thời nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế nếu: nổi mề đay; có dấu hiệu mệt, tay chân lạnh; tiểu đỏ, tiểu ít hoặc ong bò vẽ đốt trên 10 vết.

Đề phòng ong đốt bằng cách tránh mặc đồ màu sắc sặc sỡ khi đi chơi du ngoạn miền quê, trong rừng, tránh leo trèo hái trái cây có thể bị tai nạn do té và bị ong tấn công do vô tình hay cố ý chọc phá tổ ong, kiểm soát phát quang những tổ ong xung quanh nhà và trong vườn.

Không chủ quan với nốt rệp đốt

BS Thùy My cho hay, rệp giường là loài côn trùng có kích thước khá nhỏ bé, trung bình chỉ khoảng từ 5 mm, tương đương với kích thước một hạt táo. Rệp có khả năng lẩn trốn vào những ngóc ngách nhỏ và chúng di chuyển nhanh qua nhiều nơi nên rệp có thể sống lâu trong nhiều tháng mà khó bị chúng ta bị phát hiện.

Môi trường ẩm thấp là điều kiện sinh sống thuận lợi của rệp giường, chúng có thể đạt được tốc độ sinh trưởng tối đa trung bình trong khoảng một tháng.

Rệp thường ẩn náu ở các khe kẽ đồ vật trong nhà, sau khi đốt người thì chúng lại quay về nơi ẩn nấp. Những vật dụng cá nhân như túi xách, ba lô cũng là nơi lý tưởng có thể chứa các ổ rệp giường và lây lan qua những chuyến đi hoặc từ người này sang người khác, từ phòng này sang phòng khác. Rệp giường có kích thước từ 3 đến 4cm, màu nâu, hình bầu dục, trông tương tự như gián. Dù không có cánh nhưng chúng vẫn có thể di chuyển nhanh trên sàn, trần và tường nhà.

Con rệp cắn thường gây ngứa, khó chịu, nguy hiểm hơn là nó có thể truyền nhiễm bệnh sang từ người này sang người khác, hoặc có thể thành mầm bệnh. Tuy nhiên, khó có thể phân biệt vết cắn của rệp với vết cắn của các loại côn trùng khác.

Theo các bác sĩ da liễu triệu chứng khi bị rệp cắn gồm: Ngứa; Vết cắn có màu đỏ, thường đỏ đậm hơn ở giữa; Một số người không có phản ứng với vết cắn của rệp, trong khi những người khác có thể có phản ứng nặng hơn hẳn bao gồm nổi mụn nước, nổi mề đay hay thậm chí là bị rộp da; Các vết cắn phân tán hoặc cụm lại nằm trên mặt, cổ, cánh tay và bàn tay…

BS Thùy My, đặc điểm chung của vết đốt do côn trùng đốt thường có đặc điểm viêm tấy đỏ tại vị trí côn trùng đốt. Giai đoạn đầu có thể quan sát thấy vết đốt ở giữa tổn thương. Sau đó tổn thương dần tạo thành một sẩn huyết thanh hoặc sẩn cục. Bệnh nhân ngứa nhiều.

Đặc biệt, nếu người bệnh có dấu hiệu dị ứng với nọc độc côn trùng: sốt, khó thở, nổi mày đay toàn thân… bệnh nhân cần được khám và điều trị tại cơ sở y tế.

Để phòng ngừa côn trùng đốt, BS Thùy My cho biết người dân cần vệ sinh nhà cửa, đồ dùng, vật nuôi… thường xuyên. Phun thuốc diệt muỗi, côn trùng trong nhà và xung quanh khu vực sinh sống, sử dụng các sản phẩm ngăn ngừa côn trùng đốt trên da.

H. Anh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-de/cssk-nhan-dan/rep-dot-benh-hay-gap-mua-xuan-he-va-cach-xu-ly-triet-de-281507.html