Rèn kỹ năng ''mềm'' cho trẻ

Hiện nay, không ít cha mẹ chỉ quan tâm vào việc học của con mà chưa chú trọng trang bị, rèn luyện những kỹ năng 'mềm': kỹ năng sống, giao tiếp ứng xử... Thực tế đã có không ít học sinh kết quả học tập rất tốt, nhưng lại không biết cách xử lý, giải quyết tình huống khi gặp những sự cố nhỏ.

Học sinh tham gia chương trình Trải nghiệm để lớn khôn do Nhà thiếu nhi Đồng Nai tổ chức năm 2019. Ảnh: Bá Thông

Học sinh tham gia chương trình Trải nghiệm để lớn khôn do Nhà thiếu nhi Đồng Nai tổ chức năm 2019. Ảnh: Bá Thông

Theo các chuyên gia, kỹ năng “mềm” chính là “chìa khóa” không chỉ giúp trẻ biết cách giải quyết khi đối mặt với khó khăn, mà còn giúp trẻ trưởng thành về nhân cách, trở thành người hữu ích và thành công trong cuộc sống sau này.

* Kỹ năng sống không thể thiếu

Chị Trần Thị Dung (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) chia sẻ, đúng là bấy lâu nay chị chỉ lo cho con học hành, hết học ở nhà trường lại học thêm ở nhà thầy, cô hoặc trung tâm anh ngữ mà ít chú ý cho con học các kỹ năng sống. Đến khi chị xem trên các kênh truyền thông và mạng xã hội thấy nhiều trường hợp trẻ bị đuối nước thương tâm; trẻ còn bị bạn bạo hành mà không biết cách chống đỡ...

Lúc đó chị Dung mới “giật mình” khi nghĩ lại trường hợp con mình nếu gặp các sự cố như trên chắc chắn bé cũng không biết cách tự thoát nạn ra sao. Từ đó, chị quan tâm hơn đến việc chia sẻ với con những cách để phòng ngừa tai nạn, rủi ro, cũng như các nguy cơ bị xâm hại. Chị cũng đăng ký cho con đi học võ và học bơi để có thể thoát khỏi những sự cố nguy hiểm, đe dọa tính mạng.

Học sinh tham gia học kỳ quân đội do Nhà thiếu nhi Đồng Nai phối hợp với các đơn vị tổ chức năm 2019

Là giáo viên giảng dạy bộ môn tâm lý tại một trường cao đẳng ở TP.Biên Hòa nhiều năm, bà Đặng Lan Hương (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, kỹ năng sống cho trẻ là vấn đề mọi gia đình đều quan tâm. Kỹ năng sống bao gồm cả kỹ năng phục vụ bản thân, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng giao tiếp, ứng xử… Do đó, việc dạy kỹ năng sống cho trẻ là điều rất cần thiết. Để dạy kỹ năng sống cho trẻ hiệu quả nên rèn luyện từ những điều đơn giản trong cuộc sống hằng ngày.

Bà Đặng Lan Hương chia sẻ, một bộ phận học sinh thời nay không biết làm việc nhà, kỹ năng giải quyết vấn đề rất hạn chế do được cha mẹ bảo bọc quá kỹ nên không có cơ hội “cọ xát” thực tế. Vì thế, khi “đụng chuyện” thì không biết cách ứng phó, dễ bị rơi vào trạng thái tiêu cực, thậm chí bị tổn thương thể chất và tinh thần.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết, kỹ năng sống được xem là một nội dung quan trọng giúp học sinh hình thành và phát triển những thói quen, hành vi, thái độ tích cực, lành mạnh trong việc ứng xử các tình huống của đời sống cá nhân và xã hội, qua đó hoàn thiện nhân cách và định hướng phát triển bản thân tốt hơn dựa trên nền tảng các giá trị sống. Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT quy định về quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Hiện nội dung này vẫn đang còn lồng ghép, tích hợp trong hoạt động sinh hoạt, giảng dạy hoặc ngoại khóa của các trường dựa trên các tiêu chí của thông tư này đưa ra. Riêng đối với bậc mầm non, Sở GD-ĐT có quy định mỗi tháng, các trường mầm non phải tổ chức 2 hoạt động có lồng ghép giáo dục kỹ năng sống; đồng thời yêu cầu giáo viên tăng cường thời gian cho trẻ sinh hoạt sáng tạo, trải nghiệm ngoài trời.

* Rèn luyện mỗi ngày

Nhiều ý kiến cho rằng, để rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò quan trọng, quyết định.

TS Lê Minh Công, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý và giáo dục thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, trẻ bị xâm hại, bạo hành, nghiện ma túy, hành xử bạo lực hay tự tử... phần lớn do thiếu kỹ năng sống.

Học sinh tham gia chuyến đi miền Tây sông nước do Nhà thiếu nhi Đồng Nai tổ chức năm 2019

Theo TS Lê Minh Công, kỹ năng sống ở đây bao gồm các kỹ năng: sinh tồn, giao tiếp ứng xử, thích nghi với hoàn cảnh, hợp tác, chia sẻ và cả kỹ năng biết phản kháng. Những kỹ năng này không phải là thứ có thể “nhồi nhét”, mà phải được rèn luyện hằng ngày nhằm tăng tính tự chủ trong mọi tình huống trẻ gặp phải.

TS Lê Minh Công phân tích, trong thời gian qua, vào mùa hè, nhiều người thích cho con tham gia các học kỳ quân đội hoặc đưa con đến các lớp dạy kỹ năng sống với tham vọng con mình sẽ có kỹ năng qua một vài ngày học. Tại các khóa học, lớp học này chủ yếu dạy trẻ phương pháp cơ bản còn để trẻ thực hành thì vai trò của gia đình là rất quan trọng.

Chẳng hạn, để tránh cho trẻ bị xâm hại tình dục, cha mẹ có thể dạy con không để người khác để tay vào những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể và cách để thoát khỏi tình huống đó là la lớn cầu cứu, bỏ chạy ra xa, kể với người thân... Hay khi trẻ bị ngã, cha mẹ không vội đỡ con lên mà khuyến khích con tự đứng dậy; dạy trẻ không đi theo và không nhận quà của người lạ mặt; khi bị lạc thì nên bình tĩnh, biết cách nhận biết địa điểm mình đang có mặt qua địa chỉ trên biển quảng cáo trên đường, dạy con nhớ số điện thoại hay địa chỉ nhà và trong tình huống đi lạc thì đến gặp các chú công an để được hỗ trợ...

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH cũng cho rằng, vấn đề trang bị kỹ năng sống cho trẻ là rất cần thiết. Trẻ càng có nhiều kỹ năng tốt, càng dễ hòa nhập, dễ thích nghi và có khả năng ứng phó, giải quyết tốt với những tình huống bất ngờ xảy ra trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong các khóa học kỹ năng sống chỉ là tình huống giả định, trong khi các tình huống ngoài đời thực lại rất đa dạng. Vì thế những kỹ năng này phải được rèn luyện thường xuyên từ trong chính mỗi gia đình thì mới tạo thành thói quen tốt cho các em, hiệu quả các khóa học mới thực sự được phát huy.

An Nhiên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202007/ren-ky-nang-mem-cho-tre-3012270/