Rèn kỹ năng làm bài Ngữ văn với đề thi tốt nghiệp THPT đổi mới

Rèn kỹ năng làm bài là yêu cầu quan trọng, giúp học sinh quen và dần thực hiện tốt đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn.

Học sinh Trường THPT Ban Mai trong giờ dạy học Ngữ văn.

Học sinh Trường THPT Ban Mai trong giờ dạy học Ngữ văn.

Đề tham khảo Ngữ văn có gì mới?

Phân tích đề tham khảo môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT từ 2025, cô Lê Hải Châu, Tổ phó tổ Ngữ văn, Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Đề gồm phần Đọc hiểu với 5 câu hỏi thuộc 3 cấp độ: nhận biết - thông hiểu - vận dụng và phần Viết gồm tạo lập đoạn văn nghị luận văn học, bài văn nghị luận xã hội.

Bám sát định hướng, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 và yêu cầu cần đạt theo đặc trưng thể loại của chương trình mới với bộ môn Ngữ văn, đề tham khảo vẫn giữ nguyên hình thức 100% tự luận, kiểm tra được toàn bộ kỹ năng đọc hiểu và kỹ năng viết.

Nội dung kiến thức trải đều ở cả chương trình lớp 10, 11, 12. Trong đó, phần Đọc hiểu (40%) lấy ngữ liệu về thể loại thơ (câu hỏi liên quan đến thể thơ, nhận biết thông tin trong ngữ liệu, nhân vật trữ tình….).

Phần Viết (60%) với nghị luận văn học (20%) yêu cầu phân tích hình ảnh thơ qua cảm nhận của nhân vật trữ tình; nghị luận xã hội (40%) yêu cầu viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội.

Về điểm mới so với các năm trước, cô Lê Hải Châu cho biết, phần Đọc hiểu, việc lựa chọn văn bản là thơ trữ tình, không thuộc bất cứ bộ sách giáo khoa nào đã đảm bảo đúng yêu cầu và định hướng của Chương trình GDPT 2018. Phần Đọc hiểu có sự thay đổi từ kiểm tra ghi nhớ kiến thức sang đánh giá kỹ năng của học sinh.

Với phần Viết, đoạn nghị luận văn học có sự giảm sâu về điểm số (chỉ còn 2,0 điểm trong khi kiểu đề cũ là 5,0 điểm), yêu cầu phần này đã bám vào cả nội dung và đặc trưng thể loại trong một tác phẩm cụ thể.

Viết bài văn nghị luận xã hội: yêu cầu viết bài văn 600 chữ, dạng đề học sinh đã được tiếp cận từ lớp 10 với kỹ năng tạo lập bài văn đảm bảo các thao tác cơ bản như giới thiệu vấn đề, giải thích vấn đề, bàn luận vấn đề, lật ngược vấn đề và khẳng định vấn đề. Học sinh lưu ý lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu, sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận và đưa ra ý kiến bàn luận sắc sảo, có tính sáng tạo.

Phương pháp dạy học triển khai tốt đề tham khảo

Chia sẻ kinh nghiệm dạy học để triển khai hiệu quả đề tham khảo, cô Lê Hải Châu nhấn mạnh đầu tiên đến việc dạy học phân hóa, phù hợp với năng lực học sinh. Cùng với đó, ôn tập kiến thức cơ bản theo chuyên đề (truyện, thơ, kịch, văn nghị luận, văn bản thông tin…).

Đặc biệt, cô Lê Hải Châu cho rằng, cần đẩy mạnh rèn kỹ năng làm bài cho học sinh thông qua chương trình tăng cường với bài ôn luyện theo hệ thống thể loại, kỹ năng tạo lập đoạn văn và bài văn.

Tổ chức thi cuối tháng đề rèn kỹ năng làm bài, phân bổ thời gian hoàn thành bài trong thời gian 120 phút với ngữ liệu hoàn toàn mới. Qua đó giáo viên cũng đánh giá được sự tiến bộ/giảm sút của học sinh để có giải pháp điều chỉnh phù hợp, đồng thời phụ huynh nắm bắt được thông tin của con để có thể đồng hành tốt nhất.

“Với yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018 nói chung, yêu cầu cần đạt bộ môn và đổi mới thi môn Ngữ văn nói riêng, giáo viên tổ Ngữ văn Trường THPT Ban Mai sẵn sàng đổi mới phương pháp dạy học, trau đồi chuyên môn và tích cực chủ động trong công tác kiểm tra đánh giá nhằm hỗ trợ học sinh đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới”, cô Lê Hải Châu chia sẻ.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ren-ky-nang-lam-bai-ngu-van-voi-de-thi-tot-nghiep-thpt-doi-moi-post707025.html