'Rễ trời' - Tiếng kêu cứu của hệ sinh quyển

Cuốn sách 'Rễ trời' của tác giả Romain Gary, nhà văn đã từng hai lần được nhận giải thưởng Goncourt, nói về hệ sinh thái đang bị đe dọa của chúng ta, vừa được Nhã Nam xuất bản.

Nhà văn Romain Gary, từng được trao hai giải Goncourt, một giải vào năm 1956 cho tiểu thuyết “Rễ trời” dưới bút danh Romain Gary và một giải vào năm 1975 cho tiểu thuyết “Cuộc sống ở trước mặt” dưới bút danh Émile Ajar. “Rễ trời” không chỉ đơn thuần là một cuốn tiểu thuyết mà nó còn chứa đựng trong nó mọi nỗi niềm, mọi trăn trở của nhà văn được khéo léo lồng ghép qua hình ảnh rất nhiều nhân vật, từ đó truyền tải tới độc giả những thông điệp sâu kín mà chỉ những ai có trái tim đồng điệu với tác giả mới có thể nhận ra.

Lấy bối cảnh châu Phi sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, “Rễ trời kể về thảm kịch của loài voi trên các xa van cũng như cuộc chiến của một “tay người Pháp điên khùng”, một kẻ muốn chuyển loài.

Ngay từ khi xuất bản vào năm 1956, “Rễ trời” đã được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên về sinh thái học, tiếng kêu cứu đầu tiên dành cho hệ sinh quyển đang bị đe dọa của chúng ta.

Romain Gary tên thật là Romain Kacew, sinh năm 1914 tại Lituanie, và mất năm 1980 tại Paris. Sau khi bố mẹ chia tay vào năm 1925, ông sống cùng mẹ, chịu rất nhiều ảnh hưởng đặc biệt từ bà, nhất là tư chất nghệ sĩ cùng cá tính mạnh mẽ.

Romain chính thức nhập quốc tịch Pháp năm 1935, thi đỗ bằng Cử nhân Luật năm 1938 rồi ngay sau đó tham gia nghĩa vụ quân sự và gia nhập Không quân Pháp. Sau nhiều năm chiến đấu anh dũng suốt Thế chiến II dưới thời de Gaulle, Romain Gary được nhận Huân chương Bắc đẩu Bội tinh và Huân chương Giải phóng. Ông được xếp vào hàng các tác gia kinh điển trong làng văn thế giới.

Sau cái chết bi kịch của nữ diễn viên Jean Seberg, người là vợ ông từ năm 1962 đến 1970, ông viết cuốn tiểu thuyết cuối cùng mang tên “Les cerfs volants” (Những cánh diều) không lâu trước khi ông tự vẫn vào năm 1980 ở Paris.

Ông để lại chúc thư nêu rõ ông từng ẩn mình dưới cái tên Émile Ajar để viết các tiểu thuyết như “Gros Câlin” (Quấn-Quít) (1974), “La vie devant soi” (Cuộc sống ở trước mặt) - giải Goncourt năm 1975, “Pseudo” (Bút danh) (1976), “L’angoisse de roi Salomon” (Nỗi sợ của vua Salomon) (1979), đánh dấu sự cách tân trong bút pháp của ông.

Là một nhân cách đa diện: nhà văn, nhà ngoại giao, nhà làm phim, phi công thời chiến, Romain Gary thú nhận mình thích diễn những vai nhập nhằng khó hiểu; thích làm người điều khiển rối, nắm trong tay những sợi dây điều khiển nhưng vẫn giữ một khoảng cách đủ xa để đánh giá được hiệu ứng mà ông tạo ra. Ông đã đẩy trò tung hứng ảo thuật lên tới mức tự tạo ra một phiên bản khác của chính mình - Émile Ajar, và là nhà văn duy nhất hai lần nhận giải Goncourt, dưới hai cái tên khác nhau.

MI LAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/40510602-%E2%80%9Cre-troi%E2%80%9D-tieng-keu-cuu-cua-he-sinh-quyen.html