'Raya and the Last Dragon' - Hành trình hàn gắn niềm tin và sức mạnh của sự đoàn kết

Cuộc phiêu lưu đi tìm vị rồng thần cuối cùng của nàng công chúa Raya để cứu lấy nhân loại tuy là một câu chuyện hư cấu, nhưng sự liên kết tới đời sống của nó lại hoàn toàn có thực.

“Cô gái mở đường” năm 2021 của “ông trùm phim hoạt hình” Walt Disney Pictures - Raya and the Last Dragon - đã chính thức “ra trận” trong sự ngóng chờ của khán giả. Không hề gây thất vọng, cuộc phiêu lưu của nàng công chúa Disney gốc Đông Nam Á đạt được điểm số cao ngất ngưỡng với 95% độ “tươi” trên trang Rotten Tomatoes và 7,7/10 trên trang Imdb với hàng loạt lời khen có cánh đi kèm.

(Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nhiều tình tiết quan trọng trong bộ phim. Độc giả chưa xem cân nhắc trước khi đọc tiếp.)

RAYA - NÀNG CÔNG CHÚA KHÔNG HÁT CỦA DISNEY

Trái với những người chị em khác, Raya lại là một nàng công chúa... không hát. Thay vì chú trọng vào thế mạnh âm nhạc như mọi khi, Raya and the Last Dragon tập trung vào những màn hành động chiến đấu ác liệt của các nhân vật cùng những hiệu ứng thị giác đẹp đến “lóa mắt”, tạo nên sự ấn tượng cho khán giả sau màn “hát quá nhiều” của Frozen II.

Trái với các chị em "thích hát" như Rapunzel, Elsa hay Anna, Raya thích "vận động" hơn. Nguồn: Raya and the Last Dragon (2021)

Không chỉ gây ấn tượng bằng sự mạnh mẽ của nàng công chúa chiến binh Raya hay hình ảnh một vương quốc Kumandra đậm chất Đông Nam Á, bộ phim còn để lại nhiều cung bậc cảm xúc cho các khán giả, cũng như nhiều thông điệp xã hội rất nhân văn.

LÒNG THAM VÀ SỰ ĐỐ KỴ CHỈ DẪN TỚI DIỆT VONG

Vương quốc Kumandra thịnh vượng năm xưa, nơi mà người và rồng chung sống trong hòa bình, bỗng một ngày bị xâm lăng bởi một giống loài mang tên “Druun” và loài người bị đẩy tới bờ vực diệt vong. Để bảo vệ họ, loài rồng đã anh dũng chiến đấu và hy sinh, để rồi vị rồng thần cuối cùng còn sót lại - Sisu - đã kiến tạo nên một viên ngọc phép thuật phong ấn lũ Druun, cũng như hồi sinh những sinh linh đã bị chúng hóa thành đá.

Được mô tả như một thứ dịch bệnh sinh ra từ lòng tham của con người, Druun trỗi dậy khi sự đoàn kết của loài người trở nên yếu nhất. Tuy nhiên, ngay cả khi lũ Druun đã biến mất, lòng tham và sự bất hòa vẫn còn đó. Loài người nghĩ rằng sự thịnh vượng chỉ có được khi sở hữu được viên ngọc rồng của Sisu. Vì vậy, chiến tranh vì lòng đố kỵ đã nổ ra, mảnh đất hình rồng Kumandra bị chia cắt thành 5 bộ phận: Nha, Tâm, Cốt, Trảo và Vĩ.

Những dân tộc của Kumandra không bằng lòng cũng chẳng bằng mặt mỗi khi đối mặt nhau. Nguồn: Nestia

Cho đến tận 500 năm sau, 5 mảnh đất vẫn chưa một lần thống nhất, thậm chí nhân loại lại tiếp tục rơi vào nguy cơ bị diệt vong hoàn toàn bởi lũ Druun vì lòng tham, sự đố kỵ, và sự dối trá vẫn luôn tồn tại trong lòng xã hội.

ĐỪNG ĐÁNH MẤT NIỀM TIN VÀO NGƯỜI KHÁC

Công chúa Raya của xứ Long Tâm, hộ vệ của ngọc rồng, với sự ngây thơ của một đứa trẻ đã vội đặt lòng tin vào người khác và vô tình tiếp tay cho kẻ thù cướp đi viên ngọc quyền năng, cũng như làm lũ Druun sống dậy sau hơn 500 năm để chúng tàn sát người vô tội khắp 5 vùng đất, trong đó có cả cha cô - thủ lĩnh Benji. Suốt 6 năm độc hành đi tìm vị rồng thần Sisu để sửa sai sau đó, Raya vì bóng ma trong quá khứ mà chẳng còn tin tưởng bất kỳ ai dù chỉ là điều nhỏ nhặt nhất, kể cả chính vị rồng thần Sisu. Thậm chí, việc cô đi tìm Sisu chỉ là vì muốn hồi sinh cha mình chứ không phải là vì muốn hàn gắn Kumandra.

Vì sự cả tin của cha con Raya, các bộ tộc khác đã cướp lấy ngọc rồng và giải thoát lũ Druun. Nguồn: COmingSoon.net

Namaari, vị công chúa của Long Nha chính là người đã đâm sau lưng Raya năm xưa và gián tiếp gây nên ngày tàn của nhân loại. Nhưng thực chất, mọi hành động cô gây ra đều được dạy bởi mẹ cô, thủ lĩnh Virana - một nữ hoàng ích kỷ chỉ nghĩ cho mỗi xứ sở của mình, là hậu quả của mối thù hằn trăm năm của xứ Kumandra. Và ngược lại, những người dân từ 4 vùng đất còn lại, trong đó có cả những người đồng hành của Raya: Chú Tòng, thuyền trưởng Boun nhỏ tuổi, cô bé Noi (và 3 chú khỉ), cũng chẳng còn lòng tin vào người Long Nha và gọi họ là “quân ăn cướp”. Và kể cả Namaari, vì chẳng còn niềm tin vào sự tồn tại của rồng thần Sisu và sự hợp nhất của Kumandra nên luôn mù quáng tin vào những lời răn dạy sai trái của mẹ mình.

Sự độc địa của Namaari đến từ cách nuôi dạy sai lầm của mẹ cô. Nguồn: Inside the Magic

Nhưng thủ lĩnh Benji - cha của Raya đã từng nói: “Nếu ta không dừng lại và học cách tin tưởng lẫn nhau một lần nữa, chuyện xé xác nhau chỉ là vấn đề thời gian thôi”. Và rồi lần đầu tiên trong suốt 500 năm, phép màu đã xảy ra khi Raya cùng những người bạn và Namaari đã quyết định gạt bỏ những mối hiềm khích dân tộc để cùng nhau cứu lấy nhân loại.

CÙNG NHAU ĐOÀN KẾT, ẮT SẼ CHIẾN THẮNG

Nếu Druun được tạo nên từ sự bất hòa, sự tham lam và dối trá của loài người thì rồng thần Sisu lại là hiện thân của sự tin tưởng, sự đoàn kết và hòa bình của họ.

“Trông thì khó vậy thôi, nhưng đôi lúc hãy cứ làm bước đầu tiên đi, kể cả khi chưa sẵn sàng,” Sisu đã thuyết phục Raya bắt tay với Namaari để cùng nhau cứu lấy 5 vùng đất. Và dù do dự, Raya đã mạnh dạn trở thành người tiên phong trong việc hàn gắn những mảnh ngọc rồng đã vỡ.

Rồng Sisu là hiện thân của những đức tính thiếu sót của loài người. Nguồn: maxmovie.com

Nhưng cô đã không ép buộc mọi người đưa những mảnh ngọc cho mình, mà tự chính cô đã nhường lại mảnh ngọc cho Namaari, vì cô tin tưởng công chúa Long Nha. Và với sự đoàn kết cùng công chúa Long Tâm, những thành viên còn lại đã trao gửi lòng tin trở lại nơi Namaari, và ánh sáng đã lóe lên ở cuối đường hầm.

Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau. Nguồn: Twitter

Vậy nên đôi lúc hãy cứ tin tưởng người khác, vì khi đặt lòng tin đúng chỗ, biết đâu bạn sẽ tìm thấy phép màu?

Mark Nguyễn

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/raya-and-the-last-dragon-hanh-trinh-han-gan-niem-tin-va-suc-manh-cua-su-doan-ket-post1318501.tpo