Rau quả xuất khẩu gặp nạn đầu năm

Trung Quốc được xem là thị trường quan trọng với việc chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Vì lẽ đó, khi Trung Quốc có biến động lớn bởi dịch cúm virus corona, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã gặp khó. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với ông ĐẶNG PHÚC NGUYÊN, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam.

Thanh long là mặt hàng bị thiệt hại nặng nề nhất khi không xuất được sang Trung Quốc vì đối tác hủy đơn hàng, cửa khẩu tạm đóng.

Thanh long là mặt hàng bị thiệt hại nặng nề nhất khi không xuất được sang Trung Quốc vì đối tác hủy đơn hàng, cửa khẩu tạm đóng.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, dịch cúm virus corona bùng phát đã ảnh hưởng ra sao đến hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc?

Ông ĐẶNG PHÚC NGUYÊN: - Hiện Trung Quốc đang hạn chế lưu thông cả người và hàng hóa giữa các tỉnh thành để chống dịch , nên việc tiêu thụ các mặt hàng rau quả ở thị trường này đang rất chậm.

Có một số mặt hàng đã đưa qua từ trước Tết Nguyên đán nhưng vẫn trong kho lạnh chưa bán được, vì thế nhà nhập khẩu Trung Quốc hủy đơn rất nhiều.

Đặc biệt, việc tỉnh Quảng Tây phát thông báo dừng giao dịch hàng hóa của doanh nghiệp, cư dân trên toàn tuyến biên giới, đóng các cửa khẩu phụ, cặp chợ biên giới từ ngày 31-1 đến 8-2 để ứng phó với dịch cúm virus corona cũng khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.

Nhiều lô hàng doanh nghiệp đã ký mua trước tết với giá cao (như thanh long có giá tới 30.000 đồng/ký) đang trên đường xuất nhưng đối tác hủy đơn, cửa khẩu đóng khiến con số thiệt hại không hề nhỏ. Những đơn vị đã đặt cọc trước với các nhà vườn, nay do đối tác hủy đơn nên gặp khó trong việc thương lượng với nhà vườn. Nếu nhà vườn không thông cảm chuyện mất cọc là lẽ đương nhiên.

Mức ảnh hưởng chưa biết khi nào mới dừng lại vì dịch cúm virus corona vẫn đang trong giai đoạn chưa kiểm soát được.

Ngành rau quả Việt Nam đã gặp khó khăn ngay từ đầu năm, kim ngạch xuất khẩu quý I năm nay chắc chắn sẽ giảm sút nhiều so với năm ngoái. Nhìn xa hơn chưa biết những tháng giữa và cuối năm có thể cứu được mức sụt giảm đầu năm cho các doanh nghiệp và toàn ngành hay không.

- Trước tình hình trên, Cục Xuất nhập khẩu đã khuyến cáo các doanh nghiệp nông sản chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác hoặc tăng tiêu thụ trong nước. Giải pháp này liệu có phù hợp cho rau quả, thưa ông?

- Thực tế, việc chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác ngành rau quả đã thực hiện trong mấy năm gần đây. Bằng chứng là rau quả Việt Nam đã qua được nhiều thị trường khó tính với giá trị đáng ghi nhận. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70% tổng kim ngạch), nên khi thị trường này gặp khó nói chuyển hướng ngay cũng không đơn giản.

Trước hết, do tiêu chuẩn khác nhau giữa các thị trường, với doanh nghiệp làm hàng theo tiêu chuẩn GlobalGAP dễ thực hiện hơn, trong khi rau quả trồng theo tiêu chuẩn của Trung Quốc chưa chắc qua Mỹ, châu Âu. Ngay cả việc đưa rau quả vào chế biến rồi xuất khẩu nhằm tăng giá trị sản phẩm và bảo quản được lâu hơn cũng không đơn giản, vì các nước hiện nay đặt ra những tiêu chuẩn riêng, khắt khe cho nguyên liệu đầu vào của chế biến.

Nếu làm không đúng yêu cầu, hàng chế biến không thể tiêu thụ. Không thể lấy hàng theo tiêu chuẩn nước này để làm hàng chế biến cho nước khác. Đó là chưa kể việc tìm kiếm khách hàng, tìm hiểu thói quen tiêu dùng ở một thị trường mới cần có thời gian.

Về giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ trong nước cũng không phải hiệu quả trong giai đoạn này. Vì chúng ta xuất khẩu một lượng trái cây, rau quả không nhỏ sang thị trường Trung Quốc, nên khi quay về nội địa cũng không hề đơn giản.

Thực tế người dân trong nước thường có nhu cầu trái cây lớn vào các dịp lễ, ngày rằm, mùng 1, còn những ngày thường nhu cầu cũng không cao. Chính vì thế, hiện các doanh nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.

- Vậy theo ông thời điểm này nên có giải pháp nào giúp doanh nghiệp xuất khẩu rau, quả giảm bớt khó khăn?

- Khi gặp khó khăn chúng ta sẽ nghĩ tới sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng Nhà nước không thể lúc nào cũng lo hết được cho các doanh nghiệp, ngành nghề. Nhìn vào diễn tiến dịch cúm virus corona hiện nay, có thể thấy nó ảnh hưởng tới nhiều ngành nghề, không chỉ riêng xuất khẩu rau quả.

Vì thế, các doanh nghiệp, nhà vườn cần có những giải pháp tạm thời như giảm bớt những mặt hàng trái vụ. Thí dụ, thanh long cần kiểm soát vùng trồng, giảm bớt diện tích để giảm áp lực, đồng thời cho cây và đất được nghỉ dưỡng, nhất là khi Trung Quốc cũng đã trồng được loại trái cây này.

Khi thị trường tốt trở lại chúng ta sẽ quay lại đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm có chất lượng tốt nhắm vào những phân khúc tốt hơn. Hy vọng dịch viêm phổi cấp sẽ sớm được kiểm soát để các doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

- Xin cảm ơn ông.

Thanh Dung (thực hiện)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/rau-qua-xuat-khau-gap-nan-dau-nam-76380.html