Rau quả Việt tắc đường sang Trung Quốc: Nghịch lý đáng lo

Trong khi rau quả Việt tắc đường sang Trung Quốc do nước này siết chặt nhập khẩu thì Việt Nam nhập mạnh rau quả Trung Quốc.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả sang Trung Quốc, thị trường hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam, trong tháng 7 giảm tới 44,2% khi đạt 144,2 triệu USD. Đây cũng là thị trường có mức giảm mạnh nhất trong top 10.

Tính lũy kế 7 tháng, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là một trong 4 thị trường cung cấp rau củ quả lớn nhất cho thị trường Việt Nam trong 7 tháng qua cùng với Thái Lan, Mỹ, Australia. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 7 tháng Việt Nam chi 270 triệu USD để nhập rau củ quả Trung Quốc, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đánh giá những con số trên chỉ là tương đối do có bộ phận hàng hóa vẫn đi theo con đường tiểu ngạch (biên mậu) song PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, cũng bày tỏ sự lo ngại trước những diễn biến trên thị trường xuất nhập khẩu rau quả giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo vị chuyên gia, Trung Quốc là một thị trường lớn, đa dạng và tồn tại nhiều phân khúc. Trước đây, thương nhân và người sản xuất Việt Nam chủ yếu sản xuất hàng hóa, trong đó có mặt hàng rau củ quả, ở phân khúc chất lượng thấp, dễ tính, dễ làm nên đa phần hàng hóa đi theo con đường tiểu ngạch - con đường khó tính đúng, tính đủ được.

Tuy nhiên, một vài năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh nhập chính ngạch, giảm biên mậu. Điều này, theo PGS.TS Nam, cho thấy chính sách của Trung Quốc rất rõ ràng, làm từng bước một: khi kinh tế chưa phát triển, trình độ còn thấp thì mở cửa để thương nhân Trung Quốc dễ dàng làm ăn, kiếm lãi, tạo sự sôi động cho nền kinh tế; đến khi phát triển cao thì nâng chất lượng, nâng quản lý lên một cách đồng đều.

Ngược lại, Việt Nam dù trong chủ trương, các văn bản, nghị quyết đều khẳng định thúc đẩy chính ngạch, song lại thiếu những chính sách cụ thể, rõ ràng để hướng dẫn người dân đi vào làm ăn có quy củ, chất lượng, theo thông lệ quốc tế, PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhận xét. Chính vì thế, khi Trung Quốc thắt chặt kiểu làm ăn tiểu ngạch, đưa dần về chính ngạch thì xuất khẩu của Việt Nam gặp trục trặc.

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm do những thay đổi từ chính sách nhập khẩu của nước này

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm do những thay đổi từ chính sách nhập khẩu của nước này

"Hàng đi theo chính ngạch thì phải có chất lượng đồng đều, xuất xứ, bao bì, nhãn hiệu... đầy đủ, nhưng hàng Việt Nam hoặc chưa đàm phán, ký kết được hợp đồng, hoặc chưa đạt được trình độ để đi theo chính ngạch.

Chưa kể, hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cũng bị gây khó khăn. Bộ NN-PTNT phải sang đàm phán từng mặt hàng, thế nên riêng về trái cây, Việt Nam mới có 9 loại được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, gồm: thanh long, vải, dưa hấu, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.

Điều đó cho thấy chính sách của đối tác bên cạnh không hẳn cởi mở với Việt Nam, trong khi thị trường của họ ngày càng nâng tiêu chuẩn cao lên. Việt Nam vẫn quen với kiểu sản xuất nhỏ lẻ, buôn thúng bán mẹt nên xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm mạnh là điều dễ hiểu", PGS.TS Nguyễn Văn Nam giải thích.

Ở chiều ngược lại, rau củ quả Trung Quốc vẫn vào Việt Nam theo con đường tiểu ngạch là nhiều, len lỏi khắp các chợ Việt, đến các vùng nông thôn với giá rất rẻ.

Bên cạnh đó, khi đời sống trong nước được nâng cao, Việt Nam bắt đầu mở cửa nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản cao cấp của Mỹ, Úc, New Zealand..., song vẫn có có rất nhiều hàng Trung Quốc.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại đánh giá, hàng Trung Quốc khác lạ, nhiều mặt hàng Việt Nam không có, mẫu mã, chất lượng, mùi vị khác... Hơn nữa, thương nhân Trung Quốc cũng rất sành, biết nhiều người Việt sính hàng ngoại nên có khi hàng Trung Quốc nhưng dán mác hàng Mỹ, Úc, Nhật... rồi tràn vào Việt Nam.

"Nhiều thứ hoa quả nhập của Trung Quốc về bán ở chợ nhưng cứ ghi là hàng Mỹ, Úc, New Zealand... Thương nhân Việt thì thấy những hàng ấy gắn mắc các nước phát triển, giá rẻ, người tiêu dùng mê chuộng nên cứ nhắm mắt nhập về, nhập 1 đồng lãi 5 đồng...

Chính vì thế, có thể nói, hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam là có sự tiếp tay của thương nhân Việt Nam, nhưng quan trọng nhất vẫn là do chính thương nhân Trung Quốc làm được - họ làm giả rất dễ, không chỉ giả hàng Việt Nam mà còn giả hàng vào Mỹ, châu Âu...", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói.

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc sụt giảm, trong khi ở chiều nhập khẩu, Trung Quốc nhân cơ hội đó đẩy hàng vào. Người dân Việt thích xài sang, chi cả lượng tiền lớn để mua rau quả ngoại, cứ nghĩ mình đang dùng hàng cao cấp của Mỹ, Úc, Tây Ban Nha..., nhưng thực ra là hàng Trung Quốc.

Không chỉ giả mác hàng ngoại, hàng Trung Quốc cũng gắn mác hàng Việt để đánh lừa người tiêu dùng Việt Nam, từ củ khoai tây, bắp cải đến quả lê, nho, táo...

"Chỉ cần mặt hàng nào có chất lượng, người Việt Nam ưa chuộng là lập tức Trung Quốc sẽ làm giả. Thậm chí, chính thương nhân, doanh nghiệp Việt tiếp tay cho Trung Quốc lũng đoạn thị trường Việt.

Điều này biểu hiện không chỉ ở hàng nông sản, mà ở nhiều mặt hàng khác như hàng công nghiệp. Doanh nghiệp Việt đem mẫu mã, nhãn mác sản phẩm sang, đặt hàng người Trung Quốc làm y như vậy.

Trung Quốc có lợi thế là quy mô sản xuất lớn, giá thành rẻ, lợi nhuận cao, còn Việt Nam quy mô sản xuất nhỏ, chi phí cao nên sản phẩm làm ra giá thành đắt.

Hiện tượng này đã diễn ra vài chục năm nay nhưng cán bộ quản lý của Việt Nam còn yếu kém, nhiều tiêu cực, thiếu chính sách rõ ràng, quản lý minh bạch, dân chủ để phát hiện, ngăn chặn từ đầu", vị chuyên gia chỉ rõ.

Hệ quả của tình trạng trên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, rất nặng nề: nó gây hại cho sản xuất trong nước, còn hoạt động kinh tế của Việt Nam thực chất là làm giàu cho người khác, thị trường Việt Nam trở thành một thị trường tiêu thụ.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/rau-qua-viet-tac-duong-sang-trung-quoc-nghich-ly-dang-lo-3386246/