Rau quả Việt Nam lạc quan hướng tới giá trị xuất khẩu 10 tỉ USD

Trong 4 năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu (XK) rau quả nước ta tăng liên tục hơn 30%/năm. Mặc dù năm 2018 dự báo mức tăng ở con số 11% so với năm 2017, nhưng vẫn nhiều yếu tố lạc quan để tin tưởng kim ngạch XK rau quả đạt mức 10 tỉ USD sau 7 năm nữa (2025).

Vùng nguyên liệu chanh leo trồng theo tiêu chuẩn VietGap của Nafood tại Sơn La phục vụ chế biến xuất khẩu. Ảnh: Kh.V

Cơ hội từ các hiệp định thương mại

Căn cứ nào để kim ngạch XK rau quả Việt Nam có thể tăng thêm 1,5 lần? Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là 2 Hiệp định quan trọng CPTPP và EVFTA - đây là điều kiện tốt để tự do thông thương, trao đổi hàng hóa, mở cửa thị trường. Nhiều chuyên gia đưa ra nhận định, trong thời gian qua, việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo điều kiện cho ngành rau quả mở cửa các thị trường mới.

“Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp (DN) XK rau quả giảm phụ thuộc vào một thị trường, đặc biệt là điều kiện thuận lợi cho XK chính ngạch bền vững và đạt giá trị thặng dư cao hơn” - ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh và cảnh báo: Muốn đạt giá trị XK cao hơn và vào được các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Australia… các DN cần tăng cường các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi đảm bảo chất lượng rau quả phục vụ XK, nhất là trong điều kiện chương trình bảo hộ sản xuất trong nước gia tăng. Như vậy, rau quả Việt Nam phải vượt qua được tất cả các hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu. Bởi chỉ cần 1 lô hàng bị trả lại, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các lô tiếp theo. Thậm chí, chỉ cần 1 thị trường bị đóng cửa, sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức để khơi thông lại. “Cục BVTV phối hợp với các cơ quan của Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương để khơi thông thị trường, nhưng DN, nhà sản xuất cũng cần hướng tới mục tiêu XK bền vững bằng cách tuân thủ các quy định của thông lệ quốc tế” - ông Hoàng Trung nói.

Thực hiện chuỗi khép kín, tăng chế biến sâu

Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung cũng nhiều lần nhấn mạnh về vấn đề này, trước yêu cầu hội nhập ngày càng sâu của Việt Nam. Các DN muốn tham gia “sân chơi” quốc tế và giữ vững thị phần trên “sân nhà”, thì cần vượt qua các hàng rào kỹ thuật khắt khe của thị trường các nước, đồng thời tạo được niềm tin của trên 93 triệu dân Việt Nam vẫn hằng ngày đi chợ, chi tiêu. Đặc biệt là xét về lâu dài, tiềm năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn rất lớn, Việt Nam có lợi thế về những loại rau quả nhiệt đới thơm ngon, bổ dưỡng, được nhiều người tiêu dùng trên thế giới ưa thích. “Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào các Hiệp định FTA như hiện nay, giao thương hàng hóa, sản phẩm diễn ra tấp nập, nếu đẩy mạnh XK rau quả theo hướng bền vững, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được giá trị XK 10 tỉ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần đầu tư thiết bị, máy móc cho thiết bị sâu, giảm XK thô. Giảm và tiến tới bỏ xuất khẩu thô mới tăng được giá trị gia tăng và tránh được các rủi ro “được mùa mất giá, được giá mất mùa” - ông Hoàng Trung nhấn mạnh. Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho thấy, mặc dù Trung Quốc vẫn chiếm 73,8% thị phần, nhưng các thị trường Australia, Hoa Kỳ, Thái Lan… gần đây cũng nhập mạnh rau quả Việt Nam với tỉ lệ ngày càng tăng và đạt mức gần 40%. Điều này cho thấy, rau quả Việt Nam đang được cải thiện về chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Như vậy, chúng ta có thể tiến tới XK theo hướng cao cấp hơn, tăng giá trị và giảm số lượng, đạt mức lợi nhuận tối ưu hơn.

Còn theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) - ông Nguyễn Văn Việt, Bộ cũng tiếp tục tăng cường sử dụng giống tốt, giống chất lượng cao phù hợp với vùng sinh thái kết hợp với các quy trình thâm canh tốt, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng nhanh giá trị và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm, đáp ứng thị trường XK. XK chính ngạch sẽ không còn cơ hội để thương lái (nhiều khi chính là thương lái Việt ép nông dân Việt - PV) ép giá nông dân, gây nên tình trạng thị trường không ổn định, làm giảm mức lợi nhuận của người sản xuất. Chưa kể, trước tình trạng bị ép giá bởi thói quen “trồng trước, tìm kiếm thị trường sau” trái với xu hướng thế giới (trồng theo “đặt hàng” của thị trường - PV), rau quả phải nhổ bỏ. Trước hiện tượng cục bộ, không mang tính đại diện này, nếu cơ quan truyền thông đưa tin thiếu thận trọng và không đầy đủ, sẽ rất ảnh hưởng đến giá trị XK của rau quả Việt” - ông Hoàng Trung đặc biệt lưu ý.

Khánh Vũ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thi-truong/rau-qua-viet-nam-lac-quan-huong-toi-gia-tri-xuat-khau-10-ti-usd-645843.ldo