Rau muống

Ở miền Bắc, nhất là vùng đồng bằng Sông Hồng, có thể dám khẳng định không một người nào không biết rau muống. Tôi từ lúc lẫm chẫm biết đi đã được mẹ dẫn lên bãi rìa xóm, chỗ chân đê hái rau muống. Bãi đất đó người dân thị thành thời bao cấp của thành phố tôi tận dụng trồng các loại cây rau thêm thực phẩm cho gia đình. Người ta trồng đủ các loại, nào rau mồng tơi, rau đay, rau muống. Khi mẹ hái rau thì tôi đã kịp cài bông hoa muống màu tím lên mái tóc rồi cười khanh khách. Vào mùa hè, mỗi khi mưa rào xong mẹ tôi thường bảo ngày mai là có rau ngon đấy. Rau muống được mưa rào sẽ non tươi mơn mởn. Rau ấy mà mang về, rửa sạch rồi vặn nhỏ (ngày xưa hay có kiểu cầm một bó rau chặt nắm tay rồi vặn đôi rồi mới xào, chứ không để cả ngọn như bây giờ) ăn ngon phải biết.

Ao rau muống - Vớt bèo, thả rau. Ảnh: Việt Long

Rau muống có nhiều cách ăn. Nhưng loại rau muống thả ao, thân màu tía là thứ rau muống mẹ tôi thích nhất. Rau này chỉ nên luộc, chấm nước mắm chắt hoặc mắm cáy Kim Sơn thì thôi rồi, loại rau này vừa bở, vừa ngọt hơn rau muống trồng trên cạn (tức là rau hạt gieo). Nước rau muống thả ao mà vắt thêm nửa quả chanh, nước chuyển sang màu hồng hồng nhạt. Mùa hè ăn cơm tôm rang và chan nước rau muống này thì đúng là đỉnh của mơ ước. Ấy là nói theo cách của thanh niên bây giờ.

Không biết các gia đình khác thì thế nào, nhưng nhà tôi còn một món đặc biệt mà chỉ chủ nhật mới làm. Vì chủ nhật mới có đông đủ các thành viên. Đấy là món nộm rau muống. Rau muống làm nộm phải là thứ rau muống trồng trên cạn, thân xanh nõn, lá nhọn dài. Rau này luộc chín tái, không được để cho chín nhừ thì khi làm nộm rau ăn mới giòn cùng rau dút trần tái. Cách làm cũng như các loại nộm khác phải có muối, đường, chanh, tỏi, lạc rang giã dập. Chỉ cần lưu ý tất cả gia vị phải làm sẵn để riêng ra bát. Khi chuẩn bị lên mâm thì mới đem rưới nước dùng vào rau, thêm một tí mắm tôm, sau đó rắc lạc giã rập, rồi rắc thêm mấy lá húng chanh. Hồi bao cấp không có thịt bò, thịt lợn ê hề như bây giờ nên món nộm rau muống chay thêm tí mắm tôm vào thế là đủ thành bữa tươi cho gia đình và điếc mũi hàng xóm. Nói vậy là vì mỗi lần làm nộm rau muống thì phải chuẩn bị chày, cối giã lạc, tiếng giã lạc bộp bộp. Trẻ con vừa giã lạc vừa tranh nhau nhặt những hạt lạc bắn ra ngoài, cười đùa chí chóe… gì chứ mấy nhà hàng xóm xung quanh lại chả nghe không sót tiếng nào. Rồi thể nào ăn xong, đến chiều chạy ra ngõ cũng có người hỏi hôm nay nhà Nhã ăn nộm hả?

Và may mà có nhiều bạn đọc nhắc tôi mới nhớ còn rau muống chẻ. Rau muống chẻ, quả thực là quên vì lâu không ăn. Nhưng nếu nói đến rau muống chẻ cũng là một môn nghệ thuật. Ngày xưa các chị em gái thi nhau xem ai chẻ rau muống nhanh mà đều, đẹp nhất để khi ngâm nước rau xoăn tít và giòn nhất? Rau muống chẻ cùng hoa chuối thái mỏng dùng làm đồ ăn sống kèm cho các món canh riêu cá, riêu ốc, riêu cua ngon quên sầu.

Cái vui của ngày xưa nó chỉ đơn giản vậy thôi. Đơn giản mà rau muống đi vào thơ ca dân gian mới hay. Không tin thử đọc câu này mà xem:

Anh đi anh nhớ quê nhà.

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương…

Đố ai đi xa mà không nhớ một lần đĩa rau muống luộc bên cạnh bát cà pháo trong mâm cơm người Việt đấy.

Đấy là chưa kể, tôi thích ăn rau muống đến nỗi sau này có dịp đi công tác các tỉnh nhiều lần, đến mỗi nơi tôi đều được ưu tiên gọi món rau muống. Rất thích. Nói chung rau muống xào, luộc thì đều na ná như nhau nhưng vị của rau mỗi vùng chắc chắn là khác. Thề là không bao giờ quên được những năm 2000 cứ vào biển Sầm Sơn là phải gọi rau muống xào đến nỗi toàn bị mắng là đi vào đây phải ăn hải sản – đặc sản của địa phương, ai lại đi gọi rau muống.

Nhưng nói thật, lúc ấy cứ thấy rau muống xào của nhà hàng ven biển Sầm Sơn nó giòn, nó xanh, nó mỡ màng hơn ở nhà nhiều thế. Mãi về sau mới hiểu chỉ do cách họ chế biến thôi chứ rau thì vẫn là rau muống miền Bắc.

Mẹ tôi bảo con gái vụng gì thì vụng, nhưng mà không biết phân biệt các loại rau muống thì vứt. Tức là nhìn mớ rau muống phải biết là loại rau nào, trồng trên cạn hay trồng dưới nước, rau thả ao hồ hay là mọc hoang sình lầy. Nhìn ngọn rau biết rau đủ tưới tắm hay cằn cỗi. “Con cứ nhìn được rau là nhìn được người”. Mẹ tôi dặn vậy. Người tâm tư thoải mái thì phốp pháp, tươi tỉnh. Người đầy suy tư thì cái mặt khó đăm đăm…

Có năm nào đó, lâu lâu rồi, người ta đăng phóng sự thả rau muống trên vũng nước thải để rau nhanh tốt. Tôi cũng sợ, bớt ăn rau muống đi. Nhưng năm tháng qua đi, nhận thức cũng có vẻ như “dĩ hòa vi quý” với chính bản thân mình cho nên lại ăn rau muống bình thường… Cứ nghĩ không ăn cái này thì có thoát được cái kia đâu. Làm con người, mấy ai trốn được khỏi vòng tròn tục lụy, có phỏng?

Không chỉ có rau muống xào tỏi, giờ có rau muống xào thịt bò, rau muống xào thịt trâu, nộm rau muống với dạ dày, nộm rau muống với gà… Con nhà tôi thì lâu lâu lại ước mẹ nấu khoai sọ, sườn, rau muống, rau rút đi. Thèm lắm rồi. Giời ơi, vừa nghĩ đến nước miếng đã tứa chân răng.

Mùa đông miền Bắc, không phải là mùa rau muống chính vụ. Vì rau muống mùa đông không ngon. Nhưng cứ đợi thêm một tháng nữa thôi. Sau Tết âm lịch, nhất là khi bầu trời bắt đầu ì ầm tiếng sấm là lại có rau muống. Và năm nào cũng vậy, tôi thường hóng để mua mớ rau muống đầu mùa sớm nhất. Như hóng một mùa yêu thương cũ kỹ mà chẳng già nua, lạc hậu tí nào.

Rau muống, món dân dã, cứ coi như là hình thức AQ tí đi. Hết quan hoàn dân, kéo quân lại về. Khi đã chán ngán cao lương mĩ vị thì rau muống là đặc sản. Rau muốn là món ăn chẳng ai chê, kể cả lúc nghèo, lẫn lúc quá giàu. Thật đấy.

Có ai nhận ra, nơi này, chính là ao rau muống trong ảnh trên không? Ảnh: Việt Long

Trúc Nhã

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/rau-muong-81814