Rất khó hiểu 6 bệnh nhân ngộ độc thiếc cấp tính

Vị chuyên gia nhắc lại, nhiễm độc thiếc là những trường hợp rất hãn hữu, cần phải được làm rõ nguyên nhân.

Một bệnh nhân 35 tuổi, rối loạn tâm thần, kích động, hôn mê và tử vong do ngộ độc thiếc mới đây khiến các bác sĩ khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai băn khoăn. Đây là lần đầu tiên loại ngộ độc này được ghi nhận ở Việt Nam.

Bác sĩ Trung tâm chống độc khám cho một bệnh nhân ngộ độc thiếc. Ảnh: VnE

Bác sĩ Trung tâm chống độc khám cho một bệnh nhân ngộ độc thiếc. Ảnh: VnE

Cùng với bệnh nhân này còn có 5 đồng nghiệp nữa cũng nhập viện với cùng triệu chứng tương tự. Tất cả 6 trường hợp đều có nồng độ thiếc trong máu cao gấp cả chục lần ngưỡng cho phép.

Nhìn nhận từ góc độ khoa học, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng thấy khó hiểu trước loại ngộ độc mới này.

Ông giải thích, thiếc không tồn tại phổ biến trong thực phẩm và chế biến thực phẩm, thiếc cũng không thuộc nhóm những kim loại nặng cực độc có khả năng gây hại cho sức khỏe giống như thủy ngân, chì, arsenic, cadmium...

Những kim loại này có thể xâm nhập cơ thể con người và gây ra những rối loạn nghiêm trọng hay còn gọi là bị ngộ độc cấp tính ngay khi cơ thể vừa tiếp xúc một hàm lượng rất nhỏ, thậm chí được tính bằng mmg.

Với thiếc, thông thường, thiếc tồn tại dưới dạng nguyên thể kim loại, các hợp chất thiếc vô cơ và các hợp chất thiếc hữu cơ. Thiếc kim loại và thiếc vô cơ về cơ bản không độc. Nhưng các hợp chất thiếc hữu cơ có độc tính rất cao, dễ hấp thu qua đường hô hấp, da và đường tiêu hóa.

Trường hợp các bệnh nhân ở Hải Dương và cụ thể là bệnh nhân đã tử vong do có những biểu hiện lâm sàng như rối loạn tâm thần, mất trí nhớ, lú lẫn, kích động, hành vi bất thường nghĩa là cơ thể phải nạp một lượng thiếc rất lớn, điều này khó có thể xảy ra trong trường hợp chế biến, ăn uống thực phẩm thông thường.

Loại trừ khả năng có thể người bệnh bị nhiễm độc từ thực phẩm không bảo đảm hay bị nhiễm thiếc, vị chuyên gia nhận định, có thể người bệnh đã bị nhầm dung dịch thiếc thành một loại nước uống và uống vào cơ thể nên mới có những biểu hiện lâm sàng và dẫn tới tử vong như vậy.

Cũng không chắc chắn nguyên nhân đến từ đặc điểm công việc của cả 6 bệnh nhân nói trên, PGS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, nếu các bệnh nhân làm cùng tại bộ phận nghiền nhựa tái chế thì cũng rất khó khẳng định bệnh nhân nhiễm độc thiếc do môi trường làm việc.

Theo giải thích của vị PGS, để nhiễm độc thiếc người lao động phải làm việc trong một môi trường có hàm lượng thiếc rất cao, tuy nhiên, tái chế nhựa lại không có yếu tố liên quan tới thiếc nhiều, rất khó có thể gây độ ngộc thiếc.

Hơn nữa, nếu do môi trường làm vicc người bệnh tiếp xúc lâu sẽ nhiễm độc trường diễn, tức là nhiễm độc từ từ, vì thế, những biểu hiện lâm sàng cũng chưa thể rõ rệt ngay, càng khó có thể gây tử vong nhanh như vậy.

"Ví dụ như người nhiễm độc thuốc trừ sâu vậy. Nếu người dân tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu thì có thể bị nhiễm độc nhưng phải từ từ, ban đầu là mệt mỏi, chóng mặt, nôn ói nhưng phải đến khi ngấm một lượng đủ lớn mới có thể dẫn tới ngộ độc và tử vong.

Tuy nhiên, nếu uống trực tiếp một lượng thuốc trừ sâu thì dù nhỏ cũng có thể gây chết người ngay.

Nhiễm độc thiếc cũng vậy, khi đã phải đưa vào viện, có những biểu hiện lâm sàng, thậm chí có bệnh nhân tử vong nghĩa là người bệnh đã có những biểu hiện bị ngộ độc cấp tính, không còn là ngộ độc trường diễn, nên chưa thể khẳng định người bệnh bị nhiễm độc thiếc có phải do môi trường làm việc hay không?", vị PGS phân tích.

Tuy nhiên, ông lưu ý, nghiền nhựa tái chế lại là môi trường rất độc hại do những bụi đá, bụi nhựa, bụi hữu cơ nếu không được xử lý tốt cũng như môi trường làm việc không bảo đảm mà trong quá trình người làm việc có thể hít vào sẽ gây tắc đọng trong phổi dẫn tới tử vong.

Vì những lý do trên, vị PGS cho rằng cần phải làm rõ nguyên nhân dẫn tới ngộ độc, thậm chí khiến một bệnh nhân tử vong để đưa ra khuyến cáo, cảnh báo kịp thời.

Vị chuyên gia nhắc lại, nhiễm độc thiếc là những trường hợp rất hãn hữu, cần phải được làm rõ nguyên nhân.

Trong khi đó, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai lại cho rằng, hợp chất thiếc độc nhất là các hợp chất thiếc triethyl và thiếc trimethyl. Đây là các hợp chất được dùng làm chất ổn định nhựa (plastic stabilizer), ổn định nhiệt (heat stabilizer), cho vào nhựa giúp nhựa bền vững với nhiệt.

Theo cảnh báo, nhiễm độc thiếc hữu cơ gây nhiều tổn thương nặng ở các cơ quan, bao gồm não (gây các rối loạn tâm thần kinh và tổn thương chất trắng), tổn thương gan, thận, hệ miễn dịch, máu...

Trên thế giới và trong nước chưa có phác đồ điều trị nhiễm độc thiếc. Các bác sĩ phải vừa điều trị vừa theo dõi sát để đánh giá điều chỉnh. Với các tổn thương não, hiện chưa rõ sẽ tiến triển ra sao, hồi phục hay nặng lên gây di chứng.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/benh-nhan-tu-vong-do-nhiem-doc-thiec-rat-hiem-3416242/