Rất ít doanh nghiệp tỉ đô Việt Nam đi lên từ công nghệ, chủ yếu là từ bất động sản

Theo ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng 'mì ăn liền', chưa chú trọng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Ảnh: DĐDN

Chiều 10.7, báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn với chủ đề: “Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW: Tiếp tục hoàn thiện môi trường phát triển kinh tế như nhân".

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, nếu so sánh với các khu vực kinh tế khác thì khu vực kinh tế tư nhân chính thức vẫn còn rất nhỏ bé. Hiện khu vực kinh tế tư nhân đã tăng tỷ trọng đóng góp vào GDP từ mức 6,9% năm 2010 lên mức 8,21% năm 2016.

Chuyên gia này nhận định, số doanh nghiệp tư nhân trong nhóm đầu còn rất ít, đặc biệt là trong mảng công nghệ và sản xuất chế biến, vì những ngành này đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư bài bản, đầu tư nghiên cứu thị trường, phát triển mạng lưới bên ngoài. Đây là những cái đang thiếu của khu vực kinh tế tư nhân.

“Điều này phản ánh câu hỏi cần phải trả lời, do khu vực tư nhân khó phát triển thành quy mô lớn hay, doanh nghiệp tư nhân không muốn lớn?”, ông Minh nêu.

Trong khi đó, ông Minh dẫn ra một nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy khu vực kinh tế tư nhân vẫn tiếp tục gặp nhiều rào cản gia nhập ngành, khó tiếp cận vốn ngân hàng và gặp nhiều khó khăn liên quan đến các thủ tục thuế và hải quan.

Cụ thể, xác suất hồ sơ xin vay vốn được chấp nhận giải ngân sẽ bị giảm khoảng 23,7 - 26 điểm phần trăm nếu doanh nghiệp nộp hồ sơ thuộc doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, sẽ tăng khoảng từ 2,3 - 2,8 điểm phần trăm nếu đó là doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước.

Tính toán từ mẫu điều tra 699 doanh nghiệp của Báo cáo cho thấy, khu vực tư nhân phải tiêu tốn nhiều thời gian cho các thủ tục này nhiều hơn so với khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Liên hệ đến câu chuyện phát triển của Nhật Bản, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn từ Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cho biết, trước kia thương nhân bị coi thường là tầng lớp thấp của xã hội bởi mục đích của nhóm này là lợi nhuận. Sau đó, tiến trình giao thương với phương Tây khiến Nhật Bản nhận thấy sự tụt hậu so với thế giới, họ nhận ra phải là lực lượng thương nhân mới phát triển được đất nước và đã thay đổi tư tưởng, mang lại sự thịnh vượng cho quốc gia.

“Thay đổi tư duy từ coi thường, khinh bỉ đến suy tôn thực sự đã mang thành quả là hàng loạt các hãng tư nhân lớn của Nhật Bản nổi lên từ cuối thế kỷ 19, đặc biệt năm 1664 trở thành thành viên OECD”, ông Sơn nhấn mạnh đồng thời đặt vấn đề, phải chăng Việt Nam chưa thực sự coi trọng đúng tầm khu vực tư nhân?

Dẫn ra bài học của Trung Quốc, ông Sơn cho biết các nhà tin tức và tình báo đều nhận định Nhà nước Trung Quốc đứng sau hậu thuẫn các doanh nghiệp tư nhân để hỗ trợ đưa ra hàng loạt các công ty công nghệ như Huawei, Xiaomi, ZTE, China Mobile... phát triển.

“Trong khi đó, Việt Nam các doanh nghiệp lớn hầu như là bất động sản, doanh nghiệp công nghệ như FPT phải dựa vào đi buôn chứ cũng chưa có doanh nghiệp tầm cỡ có sản phẩm nào tầm cỡ”, ông Sơn nói.

Như vậy, từ các quốc gia có sự thần kỳ tăng trưởng kể trên, ông Sơn nhấn mạnh thay đổi cần bắt đầu từ tư duy, coi trọng khu vực tư nhân, dù ở mức độ khác nhau tùy theo từng nước.

“Do đó, Việt Nam cần chiến lược xây dựng các hãng tư nhân có tầm thế giới. Cần suy tôn tư nhân thực sự là khu vực chủ đạo, không phải chỉ là góp phần, khuyến khích, hỗ trợ…”, ông Bùi Ngọc Sơn kiến nghị.

Để làm được điều này, ông Sơn cho rằng cần đặt ra chiến lược làm sao xây dựng doanh nghiệp tư nhân sản xuất được sản phẩm có tầm thế giới. Ngoài ra, cần công nhận chế độ tư hữu đất đai.

“Chúng ta cần phải quay trở lại chế độ tư hữu đất đai, chỉ 3ha bó buộc không thể sản xuất quy mô. Phải có điền trang lớn nghiên cứu thị trường, giống mới, có quy hoạch… mới có thể phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế”, ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng bản thân nhiều doanh nghiệp Việt chưa chủ động thay đổi đáp ứng được các yêu cầu về chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động và đào tạo nguồn nhân lực.

Đặc biệt, các doanh nghiệp không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng “mì ăn liền”, chưa chú trọng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bản thân các doanh nhân, doanh nghiệp không tự làm mới mình để tạo ra những bước đột phá.

“Rất ít các doanh nghiệp thuộc loại tỉ đô của Việt Nam đi lên từ ứng dụng khoa học công nghệ mà chủ yếu là từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hoặc có gắn với kinh doanh bất động sản. Vấn đề xử lý mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các vấn đề xã hội không được đặt thành chiến lược lâu dài của đội ngũ doanh nhân, mà chỉ coi đó là các tình huống xử lý điểm nóng, sự vụ”, ông Kiên nói.

Bên cạnh đó, tỷ lệ các doanh nghiệp tư nhân chưa thực hiện tốt các yêu cầu về bảo vệ môi trường, chưa chăm lo tốt cho người lao động thông qua việc mua bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội luôn chiếm tỷ trọng cao so với các loại hình doanh nghiệp khác.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/rat-it-doanh-nghiep-ti-do-viet-nam-di-len-tu-cong-nghe-chu-yeu-la-tu-bat-dong-san-92181.html