Rất cần sự thận trọng

Dự thảo Nghị định bãi bỏ Nghị định số 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ do Bộ Tài chính vừa công bố đang khiến cho nhiều người băn khoăn, lo ngại bởi hầu hết các điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã được loại bỏ.

Khi đó, chắc chắn hoạt động đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen sẽ bùng phát vì các DN được thành lập mà không cần vốn, mọi đối tượng phù hợp với quy định trong Bộ Luật Dân sự đều có thể đứng ra thành lập công ty đòi nợ.

Ảnh minh họa

Những năm qua, kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê đã phát triển rất mạnh. Chỉ cần gõ từ khóa "công ty thu hồi nợ" trên Google, khoảng hơn 1,5 triệu kết quả được tìm thấy trong 0,59 giây, với hàng loạt công ty thu nợ. Điều đó cho thấy, các hoạt động tín dụng đen và đòi nợ thuê diễn ra khá công khai và phức tạp đang ngày một gia tăng. Thực trạng không ít người do không thể đòi tiền từ các con nợ nên gõ cửa dịch vụ đòi nợ thuê. Điều này càng tạo mảnh đất màu mỡ cho loại hình kinh doanh dịch vụ này sinh sôi nảy nở, từ đó phát sinh khá nhiều tiêu cực.

Trên thực tế, bên cạnh những công ty hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, đúng pháp luật, còn không ít công ty đòi nợ thuê dùng nhiều chiêu thức ngoài luật, thậm chí vi phạm pháp luật để tạo áp lực lên con nợ, gây mất trật tự công cộng. Thậm chí, một số công ty đòi nợ thuê sẵn sàng dùng các đối tượng có tiền án, tiền sự để đe dọa, khủng bố, bắt giữ con nợ, cưỡng đoạt tài sản, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Điều đáng nói, trong số nhiều điều kiện khắt khe như trước đây gồm vốn trên 2 tỷ đồng và duy trì trong suốt thời gian hoạt động; điều kiện tiêu chuẩn người quản lý và giám đốc; điều kiện tiêu chuẩn người lao động trong DN..., Dự thảo mới chỉ giữ lại duy nhất điều kiện về an ninh trật tự. Với mức thu nhập từ 20 - 70% số tiền nợ thu được, lại được "thả cửa" khá nhiều quy định thì các đối tượng mong muốn kiếm tiền bằng mọi thủ đoạn sẽ bị hấp dẫn khi thành lập công ty dịch vụ đòi nợ.

Thu hồi nợ xấu là một nghề nhạy cảm, có thể dung dưỡng và phát sinh tội phạm và các vụ trọng án, gây bất ổn về an ninh trật tự xã hội. Vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp kiểm soát chặt hoạt động của nghề này để tránh những hậu quả khôn lường. Theo giới luật sư, Bộ Tài chính không nên bãi bỏ mà còn phải gia tăng các quy định cho chặt chẽ hơn về điều kiện với nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê để tránh những hệ quả đáng tiếc xảy ra cho nền kinh tế cũng như đời sống xã hội.

Nguyên Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/rat-can-su-than-trong-298317.html