Rất cần những cán bộ '2 đúng' và '4 có'

Hiện nay toàn Đảng đang tập trung triển khai công tác chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ theo Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị, về tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, đây là 'dịp tốt' của cán bộ có chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc diện 'hoàng hôn nhiệm kỳ', thực hiện 'những chuyến tàu vét cuối cùng'. Vậy, làm gì để tiêu diệt hiện tượng này.

Trong phiên chất vấn Đại biếu Quốc hội khóa XIII, lần đầu tiên Đại biểu Lê Như Tiến nhắc cụm từ "hoàng hôn nhiệm kỳ

Trong phiên chất vấn Đại biếu Quốc hội khóa XIII, lần đầu tiên Đại biểu Lê Như Tiến nhắc cụm từ "hoàng hôn nhiệm kỳ

Thuật ngữ “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “những chuyến tàu vét cuối cùng” được ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội nhắc đến lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIII, từ các sự việc tiêu cực xảy ra rất điển hình ở cả cơ quan Trung ương và các địa phương.

Chủ thể của hiện tượng “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “những chuyến tàu vét cuối cùng” là những cán bộ có chức, quyền trong bộ máy nhà nước sắp hết thời gian công tác và về nghỉ hưu.

Biểu hiện rõ ràng của hiện tượng này là hàng loạt quyết định bổ nhiệm, đề bạt cán bộ được ký một cách vội vã, mà đằng sau là những lợi ích tiềm ẩn. Ký vội, phê duyệt vội những dự án lớn hoặc cấp phép hoạt động, khai thác tài nguyên mà không thể triển khai trong thời gian còn lại, để nhiệm kỳ sau thực hiện; hoặc tranh thủ vơ vét nhiều tài sản công, đất công, nhà công; buông lỏng lãnh đạo, quản lý...

Tóm lại, “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “những chuyến tàu vét cuối cùng” là đỉnh điểm trong “tư duy nhiệm kỳ”, là hệ quả của thói lạm quyền, lộng quyền và biểu hiện rõ ràng của chủ nghĩa cá nhân.

Đó là những việc nhằm mục đích vụ lợi, tận thu tối đa “lộc lá” từ vị trí công tác và quyền lực được giao.

Trước lúc nghỉ hưu, Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Trần Văn Truyền đã ký nhiều quyết định về công tác cán bộ vội vã - một điển hình của hiện tượng “hoàng hôn nhiệm kỳ”

Có thể kể tên rất nhiều vụ việc điển hình của hiện tượng “hoàng hôn nhiệm kỳ” đã từng xảy ra, như: Vụ Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền ký hàng loạt quyết định đề bạt, bổ nhiệm cán bộ từ cấp cục trưởng, cục phó, giám đốc trung tâm, rồi cán bộ cấp phòng, ngay trước lúc nghỉ hưu.

Vụ ông Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa Hoàng Sỹ Bình tự ý tuyển dụng 3.721 cán bộ, viên chức, hợp đồng lao động vào làm việc tại các cơ sở y tế, bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Thanh Hóa, trong thời gian ngắn trước khi rời nhiệm sở.

Trước khi nghỉ hưu, ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công Thương - đã tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam; điều động Vũ Quang Hải tham gia HĐQT Tổng Công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để bầu làm thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Sabeco.

Năm 2015 trong thời gian giữ chức Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng đã ở nước ngoài 163 ngày.

Ngoài ra còn rất nhiều các vụ việc khác, như bố trí cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu đi nước ngoài học tập kinh nghiệm bằng ngân sách, hoặc do doanh nghiệp đài thọ...

Hậu quả của “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “những chuyến tàu vét cuối cùng” là cản trở, kìm hãm sự phát triển của đất nước; gây thất thoát tài sản công, lãng phí thời gian, con người và chất xám.

Nó là nguyên nhân nảy sinh lợi ích nhóm, kéo bè kết phái, gây mất đoàn kết nội bộ, chủ nghĩa cá nhân, tăng vụ lợi dẫn đến tham nhũng, lãng phí… Vậy, ngăn chặn hiện tượng này thế nào trong điều kiện hiện nay?

Phát hiện và xử lý những cán bộ có dấu hiệu của hiện tượng “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “những chuyến tàu vét cuối cùng” không khó. Tuy nhiên, để không còn hiện tượng này thì vấn đề là cần có sự lựa chọn nhân sự cán bộ cho Đại hội Đảng bộ ở từng cấp thật sự đúng đắn và chính xác.

Ông Phạm Văn Quân ở Đà Nẵng cho rằng, để ngăn chặn hiện tượng “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “những chuyến tàu vét cuối cùng” thì phải tìm được những cán bộ có bản lĩnh, đủ phẩm chất, năng lực đảm nhiệm vị trí công tác.

Trong đó ông Quân đặc biệt nhấn mạnh đến cán bộ hội tụ “2 đúng” và “4 có”. Đó là những cán bộ luôn thực hiện đúng đường lối, chủ trương; đúng pháp luật, quy định hiện hành và có tâm, tài, tầm và đức.

Ông phân tích, thực tế trong công tác, khi đã có quyền trong tay, người ta dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân và lợi ích. Chỉ những cán bộ được rèn luyện trải qua thực tế, hết lòng hết sức vì dân vì nước phục vụ và hội tụ những phẩm chất trên mới có khả năng chèo lái, lãnh đạo tổ chức vượt qua khó khăn. Những người có giá trị và liêm sỉ thì chắc chắn họ chẳng bao giờ có tư tưởng “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “những chuyến tàu vét cuối cùng”.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, việc sản xuất ra hàng hóa từ chính nội lực và tiềm lực sẵn có là rất quan trọng. Muốn làm được điều đó thì rất cần có sự nghiên cứu, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn. Nếu đội ngũ cán bộ chỉ chăm chú vào lãnh đạo, quản lý và phát triển thương mại dịch vụ giống như những gì mà Asanzo và Khải Silk và một số doanh nghiệp khác đã làm mà chưa bị phát hiện thì hậu quả sẽ rất xấu.

Thế nên, rất hy vọng sẽ có được đội ngũ cán bộ hội tụ “2 đúng” và “4 có” trong nhiệm kỳ tới đảm đương vị trí lãnh đạo, quản lý, đưa đất nước tiến lên.

Lan Phạm

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/rat-can-nhung-can-bo-2-dung-va-4-co-359120.html