Rapper và Gangster - Hai đầu sợi xích

Làng giải trí Mỹ cách đây hơn một năm có dịp ồn ào vì chuyện rapper nổi tiếng Takeshi 69 (tên thật Daniel Hernandez) đã phải hầu tòa vì tội hành hung bạn gái. Trước đó, cả tòa án và công luận đều tin rằng, Takeshi 69 là thành viên của băng đảng Nine Trey Gansta Bloods khét tiếng ở Brooklyn, New York.

Thậm chí, Kifano Jordan, một thành viên khác của băng đảng, còn là vệ sỹ luôn cặp kè Takeshi. Nhưng sự thật, người ca sỹ chỉ tìm cách gần gũi băng đảng Nine Trey Gansta Bloods để có thể chỉ ngực mình tự xưng là… “gangster”.

Tại sao một rapper lại phải dùng đến chiêu bài này để đánh bóng tên tuổi của mình? Theo lời trần tình của Takeshi 69, thì: “Ai hát nhạc rap mà chẳng muốn tự nhận mình là gangster”. Đây không chỉ là một lời khai đơn thuần. Nó đã nhắc nhở những người yêu âm nhạc lại một lần nữa về mối quan hệ dai dẳng giữa rap và tội phạm có tổ chức.

Gucci Mane là một tên tuổi trong làng nhạc rap bị đưa ra tòa trong thời gian gần đây.

Gucci Mane là một tên tuổi trong làng nhạc rap bị đưa ra tòa trong thời gian gần đây.

Tiếng nói đại diện cho ai?

Nhạc rap nói riêng và hip hop nói chung bắt nguồn từ những cộng đồng dân lao động da đen tại Mỹ. Một mặt những nghệ sỹ hip hop thời kỳ đầu như Afrika Bambaataa và Grandmaster Flash lấy cảm hứng từ các phong cách âm nhạc Nam Mỹ kết hợp với disco. Mặt khác, nội dung những tác phẩm của họ đều rút ra từ cuộc sống hằng ngày. Họ nói về nền văn hóa đặc trưng của những người da đen sống tại đô thị, về tình yêu, ước mơ, hi vọng… của lớp trẻ da đen.

Đối với nhiều người da đen Mỹ, giai đoạn 1970-1980 là một khoảng thời gian vô cùng tồi tệ. Vô số công nhân bị đuổi việc do nhà máy di chuyển đến Mexico hay Philippines. Cả một thế hệ thanh niên tham gia quân ngũ trở về từ chiến trường trong tình trạng thương tật và nghiện ngập. Các gia đình; cộng đồng đứng trước nguy cơ tan rã vì đại dịch HIV/AIDS. Đây chính là những điều kiện lý tưởng để đẩy một phần không nhỏ giới trẻ người da đen trở thành gangster. Rap do đó cũng tự thay đổi mình để phản ánh cuộc sống tội phạm của nhiều thanh niên da đen.

Nếu nói đến những gangster làm rapper, không thể không nhắc về Ice-T. Trước khi tự đặt cho mình nghệ danh này, Tracy Lauren Marrow là một thanh niên mồ côi cả cha lẫn mẹ. Để có tiền cho người bạn gái đang mang thai, Tracy bị buộc phải đi ăn cắp ôtô và bán cần sa và cuối cùng cũng nhập ngũ vì khoản lương hấp dẫn hằng tháng. Sau khi bị đuổi khỏi quân đội Mỹ vì tội ăn trộm, anh ta trở thành một gangster “chính hiệu” chuyên đi cướp ngân hàng.

Đến khoảng năm 1980, Ice-T quyết định thay đổi cuộc đời mình bằng cách đi biểu diễn nhạc rap. Thành công nối tiếp thành công đến với anh. Đây là thời đại hoàng kim của nhạc rap, khi mà những nghệ sỹ chưa từng qua trường lớp nào như Ice-T có thể thành danh nhờ tài năng trời ban và sự thật thà trong sáng tạo. Ice-T nói nhiều trong tác phẩm của mình về cuộc sống khó khăn mà những thanh niên da đen phải trải qua hằng ngày.

Nhưng không phải ai cũng hiểu được thông điệp mà Ice-T mà nhiều rapper khác mong muốn truyền tải. Đối với nhiều thanh niên xuất thân từ các gia đình trung lưu trở lên, họ chỉ nghĩ đơn giản rằng: súng, ma túy và đàn bà là những thứ để chứng tỏ “bản lĩnh đàn ông”. Mà đây lại là đối tượng khách hàng chính chuyên mua đĩa than. Vậy nên các hãng đĩa mới tìm cách tôn hình ảnh gangster lên. Những tên gangster qua một vài chiến dịch marketing lại trở thành hình tượng “anh hùng” có chí khuấy đảo trời đất.

Ma túy và HIV-AIDS đã tước mất mạng sống của rapper tài năng Eazy-E.

Ngay cả cái chết của một trong những rapper nổi tiếng nhất đương thời cũng không thể đảo ngược sự ngộ nhận của mọi người. Eazy-E (Eric Wright) là thành viên của N.W.A, nhóm nhạc rap Mỹ đầu tiên gặt hái được thành công mang tầm quốc gia. Tất cả các thành viên N.W.A đều có tiền sử tội phạm và Eazy-E cũng không phải ngoại lệ. Trước khi đủ tuổi uống rượu, anh ta đã đi bán cần sa trên những đường phố Los Angeles. Phải đến khi người em họ của mình bị một băng đảng địch thủ bắn chết Eazy-E mới tỉnh ngộ, quyết dứt mình khỏi con đường tội phạm và trở thành ca sỹ.

Trong khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp của mình, Eazy-E nhận được tin mắc bệnh HIV/AIDS ở giai đoạn cuối. Khi đó các loại thuốc giúp đẩy lùi căn bệnh quái ác này chưa được phát minh và bệnh nhân phải dành cả một khoảng thời gian chịu đựng đau đớn. Trong những giờ phút không bị cơn đau giày vò, Eazy-E sáng tác, dành thời gian với gia đình, bạn bè và tìm cách nhắn gửi lời khuyên đến fan hâm mộ của mình. Eazy-E mất ngày 26-3-1995 ở tuổi 30.

Ice-T bây giờ dành một phần lớn thời gian của mình để tuyên truyền giúp đỡ các thanh niên không rơi vào con đường tội phạm.

Sau cái chết đáng tiếc của Eazy-E, việc gắn liền gangster với rapper trong hoạt động marketing vẫn tiếp diễn. Ngoài chuyện phô diễn quá khứ tội phạm của các rapper, nhiều hãng đĩa than còn “tạo sóng” dư luận bằng cách khơi lên những mối bất hòa giữa các rapper chẳng khác gì những băng đảng gangster đối địch với nhau. Không hiếm rapper trẻ tuổi đã chết vì những mối bất hòa giả tạo, trong đó tai tiếng nhất là trường hợp giữa Tupac và Biggie Small.

Cả hai đều là những ca sỹ tài năng hiếm thấy: một người đại diện cho phong cách rap miền Tây; người kia miền Đông nước Mỹ. Sự thù địch giữa hai người lên đến mức chỉ sáu tháng sau khi Tupac bị ám sát, một tên côn đồ đã cầm súng từ trong xe bắn chết Biggie Small. Mọi chuyện đã có thể chẳng đến mức nghiêm trọng như vậy nếu ông chủ hai hãng đĩa của các nghệ sỹ nhảy vào ngăn chặn mối bất hòa ngay từ đầu.

Ngộ nhận chết người

Dần dần xã hội Mỹ cũng chấp nhận một sự thật rằng: để trở thành một rapper thành công, bạn trước hết phải từng “nằm gai nếm mật” trên những đường phố bụi bặm ở Los Angeles hay New York. Họ quên mất thành quả nghệ thuật của những rapper như nhóm nhạc Arrested Development được một nhóm sinh viên đại học lập ra, tập trung tôn sùng cái tính “tội phạm” trong các rapper. Nhiều ca sỹ có tài năng và đáng lẽ ra chỉ cần nhờ tài năng của mình mà nổi tiếng lại chỉ được báo chí tập trung khai thác khía cạnh tội phạm.

Ngay cả bản thân các nghệ sỹ cũng nhận ra điều này và lợi dụng nó để tự “đánh bóng bản thân”. Trong khoảng những năm đầu thập niên 2000, bất cứ người yêu nhạc Mỹ nào đều ít nhất từng nghe 50 Cent biểu diễn một lần. Ngoài tài năng, 50 Cent (tên thật Curtis James Jackson III) còn nổi tiếng nhờ những vụ scandal liên quan tới thế giới ngầm New York.

Thậm chí anh từng bị bắn chín lần nhưng vẫn may mắn sống sót. 50 Cent đã khéo léo sử dụng tai tiếng để tôn bản thân mình lên. Nhờ khả năng marketing bẩm sinh, chẳng mấy chốc mà công ty băng đĩa do 50 Cent thành lập đã trở nên lớn mạnh. Và hóa ra, 50 Cent cũng từng phạm tội thật, nhưng không phải tội đánh nhau hay buôn bán ma túy mà là tội trốn thuế.

Vì danh tiếng mà Takeshi 6ix9ine sẵn sàng tham gia một băng đảng.

Rất nhiều rapper không đủ khôn ngoan như 50 Cent để hiểu ra một điều: một rapper chỉ cần danh tiếng gangster để thành công, chứ không bao giờ được trở thành gangster thật sự, đặc biệt là khi đã bập vào sự nghiệp thu âm. Ngược lại, các rapper lại phí hoài tài năng và tuổi trẻ của mình cho việc phạm tội. Minh chứng cho điều này có thể kể ra đây những “tấm gương tiêu biểu” sau: Bobby Shmurda - tội tàng trữ vũ khí, tấn công người khác, và vượt ngục; Lil Kim - tội giết người và nói dối trước tòa; Murder - tội giết người; Shyne - tội giết người; Max B - tội cướp của và giết người; và G-Dep - cướp của và giết người.

Như trường hợp của Takeshi. Việc tiếp cận những tên gangster với hy vọng sẽ có cơ hội được hưởng lây “tiếng thơm” từ chúng là suy nghĩ xuẩn ngốc. Nhưng hành động của rapper trẻ tuổi này cũng không khác lệ thường là mấy. Bản thân danh tiếng không thôi cũng là thứ kiếm ra tiền trong ngành công nghiệp âm nhạc ở Mỹ và các rapper trẻ sẽ bằng mọi giá để có thể chớp lấy mọi cơ hội nhằm tạo lợi thế cho bản thân. Cách marketing của các hãng đĩa đã làm cho người ta quên một điều quan trọng cơ bản nhất: họ có tài năng và hoàn toàn có thể thành công chỉ với tài năng của mình.

Tuy nhiên, giờ đây với những rapper mới, họ không coi tội phạm là con đường dẫn tới sự thành công và thịnh vượng của mình nữa. Âm nhạc đối với những rapper này giống như một kênh để gửi gắm những thông điệp tích cực. Thật may mắn là ngày càng có càng nhiều rapper trẻ tuổi ở Mỹ hiểu được điều này và đang vừa tìm cách tách mình khỏi cái tiếng gangster; vừa trở lại với cội nguồn người dân lao động của nhạc rap.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/rapper-va-gangster-hai-dau-soi-xich-622520/