Rạp Việt tự 'cứu' mình bằng phim nội?

Khi các phim bom tấn Hollywood hủy và hoãn chiếu hoàn toàn sang năm 2021, ba tháng cuối năm 2020, rạp Việt bỗng có 'nhịp điệu' trở lại khi chỉ toàn phim nội ra rạp nhưng doanh thu đã khả quan hơn. Trong bối cảnh đó mới thấy: Nếu chỉ trông chờ vào sản phẩm ngoại, hệ thống rạp chiếu khó chủ động và rất có thể, khó định đoạt được 'sức khỏe' của mình.

Những doanh thu khả quan trong một năm “buồn tẻ”

Nhà sản xuất “Tiệc trăng máu” vừa công bố con số doanh thu 43 tỉ đồng ngay tuần đầu công chiếu, đây rõ ràng là tín hiệu rất khởi sắc cho phim Việt và rạp Việt 3 tháng cuối năm 2020. Doanh thu này của “Tiệc trăng máu” được dự báo sẽ tăng cao hơn nữa, bởi đến thời điểm này, “Tiệc trăng máu” gần như vẫn “một mình một rạp” và có hiệu ứng truyền miệng tốt hơn “Ròm”.

“Tiệc trăng máu” chính thức chiếu từ ngày 23-10 nhưng đã được ra rạp với các suất sneakshow từ ngày 20-10. Kết quả phòng vé từ ba ngày chiếu sớm có thể không gây đột phá như “Ròm”, nhưng những tín hiệu tích cực từ phản hồi của khán giả sẽ giúp bộ phim trụ lâu tại các rạp chiếu hơn. Theo dự đoán, “Tiệc trăng máu” có thể về đích với mức doanh thu từ 70-80 tỷ đồng. Đây cũng có thể coi là một thành công từ phiên bản làm lại.

Sau rất nhiều tháng buồn tẻ vì thiếu phim bom tấn ngoại, các nhà sản xuất phim Việt đã và đang rất nỗ lực để phim nội có thể ra rạp, nhưng việc công chiếu như một phép thử, vừa ra rạp vừa… nhấp nhổm đợi phản ứng của khán giả, đợi tình hình ổn định chung sau dịch bệnh. Vì vậy, khi “Ròm” mở màn cho phim Việt hậu Covid-19 với doanh thu 60 tỉ đồng, đó đã là một tín hiệu rất vui cho sự hồi phục. Theo đà, “Tiệc trăng máu” thừa thắng xông lên. Và phòng vé trong nước đã nhìn thấy cơ hội. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng của “Tiệc trăng máu” chia sẻ: “Rạp chiếu trở lại vui vẻ. Chúng tôi trả lời phỏng vấn và đi cinetour từ sáng đến tối”.

Phòng vé Việt đang có sự khởi sắc trở lại với việc hàng loạt phim nội nối nhau ra mắt vào 2 tháng cuối năm 2020. Ảnh: P.T

Phòng vé Việt đang có sự khởi sắc trở lại với việc hàng loạt phim nội nối nhau ra mắt vào 2 tháng cuối năm 2020. Ảnh: P.T

Tự cứu bằng phim nội

Nhìn vào doanh thu của “Ròm” và “Tiệc trăng máu”, rõ ràng, phòng vé Việt đang được cứu bằng phim nội. Một tín hiệu khả quan theo rất nhiều nghĩa. Bởi đã có lúc người ta cho rằng, sức hút từ phim bom tấn ngoại rất khó chối từ, khán giả đến rạp đông sẽ kéo theo hiệu ứng của việc xem các phim khác. Khi rạp ít ỏi các phim, thói quen đến rạp chắc chắn bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhưng trong cảnh hàng loạt bom tấn hoãn chiếu, phim Việt đã cứu rạp Việt.

Và từ giờ đến hết năm, cơ bản vẫn là các phim Việt lên lịch ra rạp. Nhìn vào các phim đó, sẽ thấy tất cả đều đang là những ẩn số khó đoán. Trong hơn 2 tháng cuối cùng của năm 2020 sẽ có một loạt phim nội địa nữa được tung ra như phim kinh dị “Thang máy” (30-10) của đạo diễn Peter Mourougaya; phim độc lập “Sài Gòn trong cơn mưa” (6-11), “Chồng người ta” (20-11), “Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử” (18-12), “Phát đạn của kẻ điên” (18-12) và một tuần sau đó, đúng dịp Giáng sinh là cuộc đối đầu giữa hai bộ phim hài lãng mạn: “Thoát ế” của nữ đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư và “Người cần quên phải nhớ” của nhà sản xuất Charlie Nguyễn và đạo diễn Đức Thịnh.

Năm nay, dòng phim giật gân (thriller) không gây tiếng vang ở phòng vé Việt như mong đợi nhưng “Trái tim quái vật” vẫn là ẩn số đáng mong chờ khi không phải là phim remake, có bối cảnh đậm chất Việt Nam, lấy cảm hứng từ những vụ giết người có thật trong xã hội Việt Nam.

Nhiều năm qua, các nhà rạp luôn ưu tiên phim Hollywood, khiến cho thị trường lệ thuộc vào phim ngoại. Trong thỏa thuận phân chia doanh thu, các nhà sản xuất phim Việt Nam không nhận được ưu ái nào đặc biệt, dù chơi trên sân nhà.

Nhưng năm nay, hãy xem điện ảnh thế giới chịu tác động nặng nề của dịch bệnh như thế nào. Thống kê từ Hiệp hội Điện ảnh Mỹ, ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình đang sử dụng 892.000 lao động. Mùa dịch, có đến 125.000 nhân viên hoặc chấp nhận làm không công, hoặc nghỉ ngang không quyền lợi. Có đến 282.000 người làm việc trong lĩnh vực sân khấu, trung tâm giải trí cũng bị nghỉ không lương vô thời hạn. Ngoài ra, có đến 170.000 diễn viên, đạo diễn, nhân viên kỹ thuật, hậu trường lâm vào cảnh thất nghiệp.

Dịch cũng đã khiến ngành điện ảnh thế giới mất khoảng 5 tỉ USD khi ngày công chiếu các bộ phim mới đều bị dời lại, các dự án quay phim bị tạm dừng, thậm chí bị hủy bỏ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số ước tính ban đầu, nếu dịch bệnh kéo dài, mức thiệt hại sẽ còn cao hơn nữa. Không chỉ các phim đang chờ ra rạp, nhiều dự án sản xuất phim khủng cũng vỡ trận. Hãng phim bị tác động mạnh nhất là Disney.

Điện ảnh Việt Nam đang trên lộ trình hình thành nền công nghiệp, bởi cơ hội để phim Việt Nam lấy lại thị trường mới chỉ bắt đầu mấy năm gần đây; quy mô nền điện ảnh còn hạn chế so với dân số, tiềm năng và so với các nước trong khu vực. Nằm trong sự khó khăn chung là ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến các dự án gián đoạn, doanh thu giảm mạnh nhưng còn một lý do quan trọng nữa là chất lượng điện ảnh chưa cao. Vì vậy, khi mà thị trường nội địa đã vắng bóng những bộ phim bom tấn Hollywood, sự thành bại của những bộ phim nội địa mùa cuối năm hoàn toàn dựa vào thực lực của từng cái tên. Và thành công của “Ròm” hay “Tiệc trăng máu” đang báo hiệu điều đáng mừng vào phim nội. Rằng điện ảnh của chúng ta đang đẩy mạnh vốn tự có, thoát dần sự lệ thuộc vào phim ngoại.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/rap-viet-tu-cuu-minh-bang-phim-noi-215318.html