Rap lên ngôi cứu game show ca nhạc?

4 năm sau Sing My Song, khán giả mới lại chứng kiến một cuộc thi âm nhạc sinh động trên giờ vàng về rap. Liệu rap có đủ sức lấy lại vị thế cho game show âm nhạc?

"Những tháng năm rực rỡ"

Đúng một thập niên trước, vào năm 2010, Vietnam Idol trở thành chương trình truyền hình thực tế được yêu thích đặc biệt trên sóng giờ vàng. Thời điểm đó, khi Sao mai điểm hẹn đã tỏ ra đuối sức vì format cũ kỹ, cuộc đấu kịch tính nhằm tìm ra Thần tượng âm nhạc Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của số đông khán giả.

Đêm chung kết Vietnam Idol năm đó là cuộc tranh tài của hai giọng ca “một chín một mười”: Uyên Linh và Văn Mai Hương. Chung cuộc, Uyên Linh là người chiến thắng nhưng Văn Mai Hương với ngôi vị á quân cũng đã có bước đệm vững chắc để vào nghề.

Hai năm sau, một cuộc thi âm nhạc khác lên sóng truyền hình và thậm chí dậy sóng hơn: The Voice of Vietnam (Giọng hát Việt). Ngay từ vòng Giấu mặt, chương trình này đã “làm mưa làm gió” trên sóng truyền hình vì quy tụ nhiều giọng hát tài năng, trong khi dàn huấn luyện viên cũng tỏ ra rất quyết liệt trong việc tuyển "chiến binh". Sau 5 tháng lên sóng, đêm trao giải diễn ra vào đầu năm 2013 đã gọi tên Hương Tràm cho vị trí người chiến thắng.

Những game show âm nhạc từng được yêu thích Những năm gần đây, nhiều game show âm nhạc từng được yêu thích trên sóng truyền hình giảm dần rating, giá quảng cáo và độ hấp dẫn.

Cũng 2 năm sau, 2014, một chương trình khác có tên Gương mặt thân quen cũng diễn ra đầy sinh động. Chương trình thậm chí còn lập kỷ lục về giá quảng cáo tương đương khung giờ phát sóng World Cup. Quán quân năm đó thuộc về Hoài Lâm.

Đến năm 2016, ngôi vị chương trình thực tế được yêu thích nhất lại thuộc về Sing My Song - cuộc thi đầu tiên dành cho những thí sinh vừa sáng tác vừa thể hiện (songwriter/singer). Ở vòng thi đầu tiên, từng tập lên sóng đều gây bão mạng. Chung cuộc, thí sinh đứng trên bệ cao nhất là Cao Bá Hưng, hậu duệ của nhà thơ nổi tiếng Cao Bá Quát.

Nhưng trái với quy luật “2 năm lại hot”, từ Sing My Song đến nay, truyền hình thực tế, game show về âm nhạc bão hòa, nhàm chán. Dù vẫn có đất thường xuyên trên giờ vàng, nhiều chương trình giảm dần rating, giá quảng cáo dẫn đến dừng sản xuất. Cục diện này chỉ phần nào thay đổi khi hai chương trình về nhạc rap xuất hiện là King of Rap, và đặc biệt: Rap Việt.

 Giọng hát Việt giảm dần sức hút sau nhiều mùa lên sóng.

Giọng hát Việt giảm dần sức hút sau nhiều mùa lên sóng.

Trước Rap Việt, cuộc thi âm nhạc đuối sức ra sao?

Truyền hình thực tế về âm nhạc từng bùng nổ suốt thời gian dài, phủ sóng giờ vàng truyền hình cuối tuần và cũng đóng góp cho thị trường âm nhạc không ít tài năng xuất chúng. Nhưng đến năm 2020, câu chuyện đã khác.

Các cuộc thi âm nhạc ảm đạm trên sóng truyền hình hơn nửa năm qua. Các chương trình từng được tổ chức thường xuyên như Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Gương mặt thân quen, Gương mặt thân quen nhí… đều chưa có dấu hiệu khởi động.

Trong khi những cái tên khác như Vietnam Idol, Vietnam Idol Kids, Sing My Song, Ban nhạc Việt, Cặp đôi hoàn hảo, Sao đại chiến, The Debut… đã dừng sản xuất, không có kế hoạch trở lại.

Tình trạng này không khó lý giải bởi lẽ phần lớn các chương trình truyền hình thực tế tập trung vào thể loại nhạc pop đã giảm nhiệt, giảm rating và đặc biệt là giảm giá quảng cáo. Giọng hát Việt nhí hay Gương mặt thân quen là những ví dụ điển hình.

Theo số liệu trên bảng báo giá của VTV, giá quảng cáo mùa giải gần nhất của Giọng hát Việt nhí diễn ra vào năm 2019 là 180 triệu đồng cho một TVC 30 giây trong thời gian phát sóng chương trình. Mức giá này giảm 20 triệu đồng/30s so với năm 2018, và giảm tới 120 triệu đồng/30s so với đỉnh cao của năm 2016 (300 triệu đồng/30s).

Gương mặt thân quen cũng giảm mạnh tương tự. Mùa giải gần nhất năm 2019 có giá quảng cáo là 200 triệu đồng cho TVC 30 giây. Nhưng vào tháng 6/2014, giá quảng cáo trong thời gian phát sóng Gương mặt thân quen từng lên tới 370 triệu đồng/30s, trong khung thời gian từ 21h-23h thứ bảy. Như vậy, chỉ sau 5 năm, giá quảng cáo của Gương mặt thân quen xuống đáy, khi giảm tới 170 triệu đồng/30s.

Format cũ kỹ, dàn thí sinh tài năng ngày càng khan hiếm khiến nhiều chương trình truyền hình thực tế từ rất được yêu thích thành “chết dần” trên sóng, không còn kiếm được “vàng” (tiền) trên chính khung giờ vàng.

Game show bolero bão hòa, lụi tàn dần trên sóng giờ vàng.

Game show bolero bão hòa sau thời kỳ bùng nổ

Thực tế khi những cuộc thi âm nhạc đại chúng giảm dần sức hút, có một thời kỳ game show về bolero đã lên ngôi. Giai đoạn này nằm trong khoảng 2016-2018. Khi đó, các cuộc thi, chương trình bolero phủ ngập nhiều kênh sóng.

Trong đó, áp đảo hơn cả thuộc về Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long với Solo cùng Bolero, Tình Bolero, Tình Bolero hoan ca, Kịch cùng Bolero, Duyên dáng Bolero… Danh sách này thậm chí chưa kể những chương trình không lấy tên bolero nhưng vẫn sử dụng dòng nhạc này như chất liệu nội dung chủ đạo.

Trên kênh VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam, bolero cũng được ưa chuộng với một số chương trình như Thần tượng Bolero, Cặp đôi hoàn hảo - Trữ tình Bolero. Trong đó, Cặp đôi hoàn hảo từng là format dành cho nhạc pop nhưng cũng đã chuyển sang bolero trong bối cảnh nhạc này lên ngôi.

Nhìn chung, các game show về bolero khó có sức lan tỏa hay gây bão như các chương trình nhạc pop (Vietnam Idol, Giọng hát Việt, Sing My Song). Song, trên đài Vĩnh Long, rating của các chương trình bolero từng nằm ở mức cao, dao động từ 6.5-8.0%, theo tiết lộ của nhà đài.

Nhưng sau thời gian bùng nổ, game show bolero cũng rơi vào tình cảnh bão hòa từ năm 2019 đến nay. Năm nay, rất ít chương trình bolero còn lên sóng. Không tính các chương trình chỉ lấy bolero như một trong những chất liệu, hai chương trình còn được thực hiện là Solo cùng bolero kết thúc vào hồi tháng 3 với ngôi vị quán quân cho Ngọc Phùng và Tình Bolero vừa khép lại vào cuối tháng 7 với chiến thắng thuộc về Quách Ngọc Ngoan.

Song, cả hai chương trình đều giảm sức hút thấy rõ, không còn thu hút sự quan tâm của truyền thông và dư luận như trước. Trong khi, nhiều chương trình bolero khác đã dừng sản xuất hoặc chưa có dấu hiệu khởi động lại trên sóng truyền hình.

Rap Việt đang là cuộc thi âm nhạc được chú ý nhất hiện nay.

Rap có cứu được truyền hình thực tế về âm nhạc?

Trong sự bão hòa của chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc nói chung, khoảng 2 năm nay, game show hẹn hò, tình yêu, vợ chồng, chuyện phiếm ngập sóng truyền hình. Bên cạnh đó, những game show mang tính giải trí, hài kịch hoặc trí tuệ cũng thay phiên lên sóng.

Các cuộc thi âm nhạc ngày càng đuối dần cho đến khi King of Rap và Rap Việt lên sóng. Tuy khác kênh, khác format nhưng việc hai cuộc thi cùng "khai hỏa" vào đầu tháng 8, cùng phát khung giờ vàng, cùng chung mục tiêu tìm kiếm tài năng nhạc rap và cho thấy sự trỗi dậy của underground trên thị trường.

Đây cũng là lần đầu tiên rap/hip-hop lên sóng truyền hình giờ vàng cuối tuần. Trước đó, rap có thời gian dài bị “ghẻ lạnh”, nhận về không ít kỳ thị từ cả giới chuyên môn, truyền thông lẫn số đông khán giả.

Song, với việc tập trung khai thác những chủ đề tích cực, giảm bớt đi những tăm tối, ngông cuồng, thời gian qua, rap đã đến gần hơn với công chúng.

Cả Rap Việt và King of Rap đều đang là chương trình có format mới với những gương mặt giám khảo, thí sinh mới. Do vậy, cả hai cùng nhận được phản hồi tích cực.

Đặc biệt Rap Việt được cho là gây bão từng tập với cuộc giành thí sinh ngày càng sinh động của bộ tứ “cầm cân nảy mực”. Như nhận xét của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: "Show hay, nhạc hay, thí sinh thú vị".

Hiện, rating của Rap Việt chưa được công bố. Nhưng một nguồn tin nói với Zing, chương trình có rating cao so với mặt bằng chung chương trình cùng khung giờ trước đây. Đặc biệt, đại diện nhà sản xuất cũng cho biết bản phát trực tiếp trên mạng của Rap Việt có lượt xem kỷ lục. Tập 2 là hơn 500.000 người cùng xem một lúc, trong khi tập 3 là hơn 700.000 người, ở mức rất cao so với mặt bằng chung.

Về phía King of Rap, dù không đạt được sức nóng như Rap Việt nhưng chương trình cũng mang màu sắc hoàn toàn khác trên sóng giờ vàng cuối tuần.

Theo niêm yết của nhà đài, giá quảng cáo của King of Rap đang là 180 triệu đồng cho một TVC 30 giây trong thời gian phát sóng chương trình. Thực tế đây là mức giá không cao, thậm chí thấp so với những chương trình có format mới, lên sóng lần đầu trên giờ vàng.

Tuy nhiên, mức giá này được dự đoán có thể tăng, tỷ lệ thuận với rating của chương trình. Những tập đầu của King of Rap tỏ ra thiếu sinh động về tương tác giữa huấn luyện viên và thí sinh. Cuộc thi cũng tìm kiếm được một nhóm thí sinh chất lượng, được cho là có thể làm nên chuyện trong những vòng sau, góp phần tạo sức nóng cho một chương trình hiếm hoi về rap trên giờ vàng.

Quang Đức

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/rap-len-ngoi-cuu-game-show-ca-nhac-post1122310.html