'Rạp hát cổ tích' đem tiếng cười cho các bệnh nhi tuổi thơ gắn với kim truyền

Thời gian qua, một nhóm các bạn sinh viên tại TP.HCM, trong đó nòng cốt là sinh viên trường ĐH Y Dược TP.HCM đã chung tay thực hiện dự án ý nghĩa mang tên 'Rạp hát cổ tích' nhằm đem lại tiếng cười cho các bệnh nhi.

Các bạn trẻ trên đều là thành viên của CLB Bé khỏe bé ngoan. Hoạt động chính của CLB là duy trì mô hình chăm sóc sức khỏe bệnh nhi thông qua các lớp học hàng tuần. Trong quá trình này, các bạn đã được tiếp xúc với nhiều trường hợp đáng thương. Lớp học cho các bé bị bệnh thận mạn tính tại Khoa thận - bệnh viện Nhi Đồng 2.

'Rạp hát cổ tích' mong muốn mang lại tiếng cười cho các bệnh nhân nhi - Ảnh: NVCC

Tuổi thơ gắn liền với thuốc men

Có trường hợp bé mới 14 tuổi nhưng đã phải chạy thận hơn 10 năm nay. Tay bé giờ đã xuất hiện những cục chai cứng do kim truyền, việc điều trị bệnh cho bé lớn đã tốn nhiều kinh phí, nay bé em cũng phát hiện bị hội chứng thận hư giống chị. Hay các bé tại Trung tâm Xương thủy tinh mỗi lần xương gãy là chịu bao đau đớn, nghe tiếng các em khóc lúc được các cô băng bó khiến những người chứng kiến không khỏi xót xa.

Các bé hào hứng với tiết mục “Rạp hát cổ tích”

Qua thời gian, CLB giảng dạy tại các bệnh viện và mái ấm ở TP.HCM, các bạn nhận thấy các bệnh nhi không chỉ chịu đau đớn bệnh tật mà còn thiếu một nguồn giải trí thực sự. Vì phải điều trị nội trú trong một thời gian dài, hằng ngày chỉ nằm trên giường bệnh, tiếp xúc với thuốc men, các bệnh nhi dễ nảy sinh tâm lý buồn chán, đặt biệt ở độ tuổi của các em là tuổi ăn tuổi chơi, tuổi phát triển thông qua tiếp xúc và khám phá thế giới.

Bạn Trần Thụy Đông Hòa - một cộng tác viên của CLB Tình nguyện Bé khỏe bé ngoan cho biết, khi phải điều trị dài ngày trong viện, các bé sẽ bị hạn chế về đối tượng giao tiếp. Mang trong mình áp lực về bệnh tật, về tiền bạc, tài chính, các em chủ yếu chỉ giao tiếp với nhau, với thân nhân. Ngoài ra, các em còn gặp hạn chế về môi trường hoạt động. Hiện tại các BV vẫn chưa triển khai rộng rãi các hoạt động tập thể cho các bé vì phải đề phòng nguy cơ dễ lây nhiễm bệnh do sức đề kháng của các bé yếu.

Khoa Công tác xã hội tại các BV có hỗ trợ nhưng vẫn chưa thỏa mãn về nhu cầu giải trí của các em. Trong khi đó, nhiều nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện hiện nay khi đến với các em thường mới chú trọng nhiều vào hỗ trợ vật chất mà chưa quan tâm nhiều về mặt tinh thần cho bệnh nhi. Về mặt tâm lý, bệnh tật đang trói buộc các em tại nơi mà chỉ có tiếng xe cứu thương và mùi thuốc khử trùng dễ khiến các em bị stress, thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm, kéo dài thời gian chữa bệnh và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của các em.

Xoa dịu nỗi đau bệnh tật

Từ thực tế đó, Trần Thụy Đông Hòa đã có ý tưởng thực hiện dự án “Rạp hát cổ tích”. Các thành viên trong dự án dù chưa có nhiều kinh nghiệm song với tình yêu thương các bé bệnh nhi, đã luôn cố gắng luyện tập để đưa đến cho các em những vở kịch hoàn hảo nhất tại 4 địa điểm: BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, Trung tâm Xương thủy tinh và Mái ấm Gary. Theo đó, 1 lần/tháng các bạn thực hiện hoạt động diễn rối bóng và chiếu phim.

Rất đông trẻ em tham dự chương trình của “Rạp hát cổ tích”

Nhóm lựa chọn mô hình rối bóng và chiếu phim để đem đến sự giải trí nhẹ nhàng cho các bé. Không chỉ vậy, các bạn trẻ còn lồng ghép nghệ thuật dân gian thông qua hình ảnh, ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi của trẻ, truyền tải những bài học đạo đức ý nghĩa tới các bé.

Kinh phí dự án chủ yếu đến từ những người có tấm lòng hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện khác nhận thấy hoạt động có ý nghĩa và muốn giúp sức.

Tính đến nay, nhóm đã diễn tại cả 4 địa điểm và hầu hết đều có phản hồi tích cực. Các bé hiểu được bài học nhắn gửi, biết áp dụng nó vào thực tế và không quên hẹn các anh chị hôm sau lại tới chơi cùng.

Tuy nhiên, do đây là một dự án của sinh viên, các bạn cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Nguồn quỹ quyên góp được đến nay còn khiêm tốn và không ổn định nên việc duy trì hoạt động thường xuyên của rạp hát còn khó khăn. Ngoài ra, các bạn sinh viên, nhất là sinh viên y dược, quỹ thời gian còn hạn hẹp, hơn thế chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong trong việc múa rối và làm rối. Vì thế, các bạn rất mong muốn dự án sẽ được lan tỏa trong cộng đồng để có thêm nhiều người chung tay cùng các bạn phát triển dự án.

Theo nhóm, động lực để các bạn cộng tác viên quyết tâm theo đuổi dự án này chính tấm lòng thương yêu các bệnh nhi, mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với các em để quãng thời gian chống chọi với bệnh tật nhẹ nhàng đi phần nào.

Với mô hình đơn giản, chỉ cần ở đâu có bệnh nhi và các bạn sinh viên năng động, muốn cống hiến cho xã hội thì việc nhân rộng “Rạp hát cổ tích” tới các địa điểm khác trong và ngoài địa bàn thành phố là điều không quá khó. Vì thế, nhóm rất tin vào sự thành công của dự án này.

Quỳnh Chi

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/rap-hat-co-tich-dem-tieng-cuoi-cho-cac-benh-nhi-tuoi-tho-gan-voi-kim-truyen-post48525.html