Rào cản từ giấy phép con đến thủ tục

Chuyên gia đánh giá, nhiều chính sách tốt nhưng điều kiện quá bất cập. Đồng thời, TTHC còn rườm rà, nhiều giấy phép con...

Chuyên gia đánh giá, không phải tất cả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đều hiệu quả. Ảnh minh họa

Chuyên gia đánh giá, không phải tất cả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đều hiệu quả. Ảnh minh họa

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê và nhóm Tư vấn Chính sách, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, đại dịch Covid-19 được coi như một cú sốc để kiểm tra sức chịu đựng của nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm xu hướng phục hồi tích cực của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Đồng thời bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 2/9/2022, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc chương trình sơ bộ đạt 55,5 nghìn tỷ đồng. Các chính sách được ban hành cơ bản phù hợp với diễn biến và tác động của dịch bệnh Covid-19, được cập nhật theo diễn biến của dịch bệnh cũng như tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Quy mô gói hỗ trợ đã được mở rộng hơn nhiều so với năm 2020 và 2022, theo dự kiến quy mô gói hỗ trợ năm 2022 là 4,05% GDP.

Bên cạnh đó, chính sách đưa ra đã được tính toán kỹ lưỡng, phối hợp các bên liên quan, không ảnh hưởng lớn đến các cân đối chủ chốt của nền kinh tế, sự an toàn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Nhờ đó, các chỉ số kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, nhưng vẫn duy trì dư địa để tiếp tục xây dựng, thực hiện các giải pháp trong giai đoạn tiếp theo.

Tính đến ngày 22/7/2022, gói hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 11 /NQ-CP đã giải ngân khoảng 196,7 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 340 nghìn người lao động đang làm việc trong 3,3 nghìn đơn vị sử dụng lao động. Đồng thời hỗ trợ 5,1 tỷ đồng cho gần 5.000 người lao động quay trở lại làm việc tại khoảng 600 doanh nghiệp. Thị trường lao động dần phục hồi tích cực, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,4 triệu người, cao hơn 0,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,3 triệu người, tăng 417 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

“Nhìn chung, các chính sách, giải pháp đã rất chủ động, linh hoạt và kịp thời giúp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đồng thời duy trì một mặt bằng tỉ giá, lãi suất hợp lý, cơ bản ổn định so với các nước lớn và trong khu vực đang chịu nhiều biến động. Qua đó giúp xu hướng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng được củng cố và phát triển tích cực”, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nhấn mạnh.

Còn mâu thuẫn, hạn chế lẫn nhau

Tuy nhiên, không phải tất cả các chính sách đều có hiệu quả và tác động nhanh chóng đến doanh nghiệp. Nhiều chính sách tốt nhưng điều kiện quá bất cập, doanh nghiệp khó thụ hưởng. Đồng thời, thủ tục hành chính còn rườm rà, nhiều giấy phép con liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp.

Theo PGS.TS Nguyễn Trúc Lê dẫn chứng, việc tiếp cận nguồn vốn rẻ với chính sách hỗ trợ lãi suất 2% khá khó khăn do doanh nghiệp khó đáp ứng được các điều kiện cho vay. Có doanh nghiệp không được giải ngân vì không có tài sản thế chấp, trong khi ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn cho vay. Có hộ kinh doanh dịch vụ thu nhập thấp, song không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%. Lý do là tỉnh đó chưa quy định mức thu nhập bao nhiêu là thấp. Có hợp tác xã đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu của Bộ Tài chính, mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, hợp đồng mua bán.

Ngoài các vướng mắc nêu trên, một nguyên nhân khác khiến khách hàng vay vốn e ngại tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%. Đó là tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nhận định, các thủ tục hành chính còn rất rườm rà, phức tạp, làm giảm hiệu quả của chính sách, đặc biệt là có quá nhiều giấy phép con liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp. Tuy công cuộc cải cách thủ tục hành chính đã có nhiều tiến triển, nhưng mức độ phức tạp còn rất lớn. Điều này dẫn đến việc các chính sách có tính ứng dụng không cao, hoặc gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp. Các điều kiện để được hưởng chính sách chưa rõ ràng, các mục tiêu chưa được cụ thể, đặc biệt nhóm giải pháp thuộc chính sách tiền tệ.

Ví dụ, để nhận khoản tiền hỗ trợ Covid-19, người lao động phải hoàn thiện quá nhiều hồ sơ giấy tờ phức tạp, dẫn tới họ không có động lực thực hiện việc này. Ngoài ra, các hộ kinh doanh tuy là đối tượng thực sự khó khăn và mong muốn được giảm lãi vay, lại khó tiếp cận chính sách vay hỗ trợ lãi suất 2% do điều kiện phải có giấy phép đăng ký kinh doanh.

“Các chính sách còn có sự mâu thuẫn, hạn chế lẫn nhau. Ví dụ như công bố gói hỗ trợ lãi suất nhưng giới hạn mức tín dụng. Đồng thời, đối tượng thụ hưởng chưa tập trung vào đúng người cần hỗ trợ. Bởi các tiêu chí xét duyệt hưởng các gói hỗ trợ chủ yếu lại tập trung vào các doanh nghiệp lớn, “khỏe mạnh”, tài chính tốt. Chưa kể đến thời gian giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp rất ngắn nên phần doanh nghiệp được hỗ trợ rất nhỏ dù được kéo dài thêm 1 tháng từ 5 tháng lên 6 tháng”, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đánh giá.

Ngọc Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/rao-can-tu-giay-phep-con-den-thu-tuc-post610103.html