Rào cản trong chăm sóc sức khỏe đối với người di cư

Đối mặt với thất nghiệp, bệnh tật, nghèo đói, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, người di cư đang là nhóm dân số dễ bị tổn thương. Mặc dù vậy, số người di cư lại liên tục gia tăng và gặp phải nhiều rào cản trong chăm sóc sức khỏe, điều đó tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Người lao động Việt Nam nhập cảnh trái phép bị Đồn Biên phòng Ba Sơn, BĐBP Lạng Sơn tạm giữ chờ đưa đi cách ly tập trung. Ảnh: Thanh Thuận

Người lao động Việt Nam nhập cảnh trái phép bị Đồn Biên phòng Ba Sơn, BĐBP Lạng Sơn tạm giữ chờ đưa đi cách ly tập trung. Ảnh: Thanh Thuận

Người di cư có xu hướng tăng

Theo Báo cáo Di cư toàn cầu năm 2019 của Tổ chức Di cư Quốc tế, thế giới có 272 triệu người di cư quốc tế trong số 7,7 tỷ người; nghĩa là cứ 30 người có 1 người di cư. Trong đó, có 130 triệu phụ nữ di cư, chiếm 48% tổng số người di cư quốc tế; 74% người di cư quốc tế ở trong nhóm tuổi 20-64 tuổi.

Kết quả Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, trong 5 năm qua, trong số 88,4 triệu người từ 5 tuổi trở lên, có 6,4 triệu người di cư, chiếm 7,3%. Hồ sơ Di cư Việt Nam 2016 của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho thấy, năm 2016, có gần 6 triệu lượt người Việt Nam xuất cảnh. Tỉ lệ nam - nữ xuất cảnh tương đương nhau (năm 2015, tỷ lệ nữ xuất cảnh chiếm 49,7%). Người Việt Nam di cư ra nước ngoài cao nhất ở nhóm tuổi 20-39. Lý do chủ yếu của người Việt Nam di cư ra nước ngoài là làm việc và học tập. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài có xu hướng tăng, năm 2017 là hơn 134.000 người, năm 2019 là hơn 147.000 người. Đối với di cư nội địa, các dòng di cư tại Việt Nam là: Thành thị - thành thị (36,5%), nông thôn - thành thị (27,5%), nông thôn - nông thôn (26,4%) và thành thị - nông thôn (9,6%). Như vậy, dòng di cư chủ đạo tại Việt Nam là thành thị - thành thị và rất cách biệt so với các dòng di cư còn lại.

Tổng dân số Việt Nam năm 2019 là 96,2 triệu người, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN và xếp thứ 15 trên thế giới. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” với 65,4 triệu người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi), chiếm 68% tổng dân số. Với số lượng dân số trong độ tuổi lao động lớn, tỉ lệ dân đô thị thấp, năm 2019 có 34,5%; tỉ lệ dân nông thôn cao, chiếm 65,5%, đây là khu vực có năng suất lao động thấp, thu nhập thấp, thời gian nông nhàn nhiều. Bên cạnh đó, phân bố dân số không đều, mật độ dân số ở đồng bằng Sông Hồng cao gấp 10 lần Tây Nguyên.

Rào cản trong chăm sóc sức khỏe người di cư

Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho biết: “Di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, di cư cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho cả nơi đi và nơi đến. Nơi đi là sự khuyết thế hệ và sụt giảm lực lượng lao động; nơi đến là các sức ép đối với cơ sở hạ tầng, dịch vụ an sinh xã hội, y tế, nước sạch, giáo dục, giao thông và thậm chí cả những vấn đề về an toàn, an ninh trật tự xã hội. Bản thân người di cư cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều rào cản trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ trên, trong đó có việc chăm sóc sức khỏe”.

Năm 2019, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới đã tiến hành nghiên cứu “Phân tích thực trạng sức khỏe người di cư tại Việt Nam” nhằm xác định nhu cầu chăm sóc sức khỏe, các khoảng trống và ưu tiên đối với sức khỏe người di cư. Nghiên cứu đã xác định một số rào cản tác động đến sức khỏe của người di cư và sự tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe người di cư, như: Việc thực hiện chính sách chưa đồng bộ tại tuyến cơ sở, hệ thống giám sát sức khỏe người di cư chưa đầy đủ. Từ phía người cung cấp dịch vụ y tế, nhân viên hành chính, cộng đồng chưa thân thiện, chưa lưu tâm về giới, còn nhiều hạn chế trong ứng xử, đối xử với người di cư. Người di cư không có thẻ bảo hiểm y tế, do không có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú, đồng thời, họ không có khả năng chi trả viện phí, chăm sóc sức khỏe do gánh nặng tài chính. Đây là một trở ngại cho người di cư nội địa.

Nghiên cứu trên cũng cho thấy, đối với di cư quốc tế, việc di chuyển, thay đổi chỗ ở cũng là một thách thức đối với công tác chăm sóc sức khỏe. Mỗi khi gặp vấn đề sức khỏe cần đến cơ sở y tế, họ sẽ đứng trước lựa chọn chữa trị ở nước bạn hay quay về Việt Nam và khoảng cách đi lại là một vấn đề. Bên cạnh đó, người di cư quốc tế trong nhiều trường hợp thường thiếu hợp đồng lao động chính thức, thiếu hỗ trợ từ nhà tuyển dụng, thiếu hỗ trợ y tế và phúc lợi xã hội ở nước đến, tình trạng pháp lý của người di cư.

Trong đại dịch Covid-19 như hiện nay, việc di chuyển, tiếp xúc của người di cư quốc tế làm gia tăng tình trạng lây lan giữa các quốc gia trên toàn cầu, người dân giữa các tỉnh, thành phố, vùng, miền trong một quốc gia... Bản thân những người di cư - nhóm dân số dễ bị tổn thương cũng phải đối mặt với những vẫn đề như mất việc làm, giảm lương và đặc biệt là những nguy cơ về sức khỏe.

Trước thực trạng đó, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã yêu cầu quan tâm, đầu tư đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương, trong đó có người di cư.

Thùy Trang

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/rao-can-trong-cham-soc-suc-khoe-doi-voi-nguoi-di-cu-post432833.html