Rào cản lớn trong công tác phòng, chống HIV là sự kỳ thị

Rất nhiều người nhiễm HIV lo bị kỳ thị nên không dám tiết lộ thông tin về tình trạng nhiễm HIV của mình, không dám đi xét nghiệm và không áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người khác vì sợ bị phát hiện... Tất cả những điều đó đã làm cho công tác phòng, chống HIV/AIDS gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 1991, kể từ khi phát hiện bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh, đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã đạt được những bước tiến và thành tựu đáng kể trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, tình trạng kỳ thị người nhiễm HIV vẫn đang là rào cản rất lớn đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Bác sĩ Đỗ Hữu Thủy (Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế) cho biết, sự kỳ thị với người nhiễm HIV vẫn còn lớn, do đó những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV sợ bị kỳ thị, không muốn đi làm xét nghiệm HIV, người nhiễm không muốn bộc lộ bị nhiễm HIV để được điều trị ARV sớm. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử thậm chí còn xảy ra ở gia đình, cộng đồng, bạn bè và hàng xóm, như bị vợ, chồng bỏ rơi hoặc người thân trong gia đình ruồng rẫy, bị cộng đồng xã hội tẩy chay, mất công ăn việc làm...

Lấy máu xét nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ.

Do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV/AIDS giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Cán bộ chuyên môn khó có thể gặp và tư vấn cho họ về kỹ năng phòng và tránh lây HIV/AIDS cho người khác, vì vậy họ có thể vô tình truyền HIV ra cộng đồng. Mặt khác, vì thiếu sự thông cảm giúp đỡ của cộng đồng, người nhiễm HIV bi quan, chán nản, sợ hãi không tiết lộ danh tính, không tiếp cận dịch vụ nên chương trình phòng, chống HIV/AIDS cũng không tiếp cận được với người nhiễm HIV, không có được số ca bệnh chính xác, không ước tính và dự báo chính xác được về tình hình dịch.

Với cương vị là Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam, Tiến sĩ John Blandford đã công khai bản thân mình là người nhiễm HIV. Ông cho biết, việc ông công khai bản thân là người nhiễm HIV vì ông mong muốn truyền tải tới cộng đồng những bằng chứng khoa học về việc điều trị HIV bằng thuốc kháng vi-rút ARV sẽ không có nguy cơ lây truyền HIV. 23 năm ông chung sống cùng bạn đời âm tính với HIV, nhưng nhờ những hiểu biết về HIV mà người bạn đời của ông không bị lây nhiễm. “Tôi muốn lấy bản thân mình ra để làm tấm gương nhằm xóa bỏ sự mặc cảm, sự kỳ thị; để khuyến khích tất cả mọi người có nguy cơ nên đi xét nghiệm. Những ai chưa biết tình trạng của mình thì nên đi xét nghiệm HIV. Ai đã biết rồi thì cố gắng đi điều trị càng sớm càng tốt. Việc điều trị sớm và tuân thủ điều trị để có được lợi ích không phát hiện tải lượng HIV thì sẽ không lây truyền cho người khác. Có như vậy, Việt Nam mới đạt được mục tiêu xóa bỏ đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030”.

Bài và ảnh: DIỆP CHÂU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/rao-can-lon-trong-cong-tac-phong-chong-hiv-la-su-ky-thi-559373