Rào cản kìm hãm năng lực cạnh tranh

Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn thấp do cơ sở hạ tầng, vốn, năng suất lao động chưa đạt như kỳ vọng. Yêu cầu đặt ra hiện nay là ngoài nỗ lực của doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, trình độ công nghệ rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước thông qua các chính sách cụ thể.

Nâng cao năng suất lao động là một trong những yếu tố để tăng năng lực cạnh tranh.

Yếu kém về hạ tầng, vốn

Dựa vào thực tế phát triển, các chuyên gia kinh tế nhận định, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế đang ở mức thấp. Báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2018 cho thấy, môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự cải thiện về điểm số (67,93 lên 68,36) nhưng giảm một bậc so với năm 2017 xuống vị trí 69/190 nền kinh tế. Còn theo chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam dù đã tăng điểm từ 57,9 lên 58,1 điểm nhưng tụt 3 bậc, xếp hạng từ 77/140 nền kinh tế năm 2018. Trong 12 cột được khảo sát thì Việt Nam có đến 8 điểm lùi, trong khi các nước chỉ có 1 - 2 điểm lùi, thậm chí có nước không có điểm lùi nào. Việt Nam chỉ có 3 yếu tố được đánh giá cao và thu hút nguồn vốn đầu tư đó là: Ổn định kinh tế vĩ mô, sức khỏe, quy mô thị trường.

GS. TS Nguyễn Thị Cành thuộc Trường Đại học Kinh tế- Luật TPHCM khẳng định, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế không cao, vì vậy sức cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) cũng bị đánh giá ở mức thấp. DN FDI vẫn đứng vị trí đầu bảng về năng lực cạnh tranh với hàng loạt chính sách hỗ trợ, ưu đãi, sau đó đến doanh nghiệp nhà nước (DNNN), rồi DN tư nhân. “DN lớn có sức cạnh tranh cao hơn nhờ tiếp cận được các chính sách kích cầu đầu tư. Trong khi, DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ khó tiếp cận. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng của nền kinh tế tương lai của Việt Nam luôn nằm dưới mức trung bình của khu vực châu Á- Thái Bình Dương” - bà Cành nói.

TS Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp do cơ sở hạ tầng, vốn, năng suất lao động…chưa đạt như kỳ vọng. Cơ sở hạ tầng là một trong những yếu đểm lớn nhất về chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Tốc độ phát triển của hạ tầng không theo kịp kịp tốc độ tăng trưởng và đô thị hóa. Ngoài ra, thị trường vốn và lãi suất đang là những trở ngại đối với DN. Lý do, hầu hết nguồn vốn đầu tư đang phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng nhưng chủ chủ là vốn ngắn hạn nên thiêu sự ổn định, tăng áp lực cho DN. Đặc biệt, lãi suất cho vay của Việt Nam nằm ở mức cao so với các nước trong nhóm Asean 4.

Năng suất lao động thấp

Không riêng yếu tố cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, vấn đề năng suất lao động được chú ý nhiều hơn. Đó là do năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế nói chung và DN nói riêng đang phụ thuộc khá nhiều vào năng suất lao động. Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam lại bị đánh giá thấp. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu về tốc độ tăng năng suất lao động Việt Nam giai đoạn 1990 - 2017 chỉ rõ, năng suất lao động của Việt nam chỉ bằng 1/16 so với Sigapore, và bằng 1/2 so với Philippines.

TS Trần Mai Ước - Trường đại học Ngân hàng TPHCM nhìn nhận, năng suất lao động toàn xã hội của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Năng suất lao động theo giờ của 1 lao động Sigapore tạo ra được 49,5 USD, trong khi đó 1 lao động việt Nam chỉ tạo ra được 3,4 USD. Theo ông Ước, năng suất lao động của Việt Nam có tăng nhưng chỉ tăng theo chiều rộng, chưa phát triển theo chiều sâu. Nguyên nhân cơ bản là do nền kinh tế phần lớn dựa vào cơ cấu kinh tế nông nghiệp và công nghiệp dịch vụ. Chưa hết, trình độ đào tạo, kỷ luật lao động còn hạn chế. Bên cạnh đó, chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ chưa thực sự hấp dẫn người lao động.

Để giải bài toán năng suất lao động, giới chuyên gia ho rằng cần phải đẩy mạnh hợp tác đào tạo giữa trường các đại học và DN. Song song đó, cần đào tạo kỹ sư có đủ trình độ về kỹ thuật thực thực tiễn. Ông Ước cho rằng, cần tăng cường liên kết DN trong nước và DN FDI để nâng cao năng suất lao động. Học tập mô hình của các nước, hướng đến nghiên cứu thành lập các ngân hàng, quỹ hỗ trợ vốn cho DN tư nhân nhập khẩu thiết bị công nghệ, đồng thời phát huy khả năng. Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, DN vừa và nhỏ của nước ta còn thiếu sự hỗ trợ từ Nhà nước, đặc biệt là thông tin về thị trường, nên không thể điều chỉnh sản xuất cho phù hợp. Về phía DN, phải coi trọng chất lượng, giá trị gia tăng trong, tích cực áp dụng công nghệ. Đó là nhân tố giúp cho DN nâng cao sức cạnh tranh.

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/rao-can-kim-ham-nang-luc-canh-tranh-tintuc423192