Rào cản 'chặn đường' chăm sóc giáo dục trẻ em tự kỷ

Vừa qua, dư luận đã xôn xao về việc cháu N.T.P, 4 tuổi bị buộc dây vào người ở trường Mẫu giáo B Trực Đại (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Phía sau hành vi buộc dây là cả một câu chuyện dài của việc chăm sóc giáo dục trẻ tự kỷ hiện nay. Trẻ tự kỷ đã rất đáng thương nhưng sự thiếu nhận thức của người thân, nhà trường, xã hội cộng với những khó khăn về kinh tế của gia đình khiến việc chăm sóc trẻ tự kỷ càng trở nên khó khăn.

Trẻ học can thiệp tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học tâm lý- giáo dục Sao Việt. Ảnh: Đ.H.

Rào cản vô hình

Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học tâm lý- giáo dục Sao Việt (Sóc Sơn – Hà Nội) là nơi giáo dục, hỗ trợ các gia đình chăm sóc trẻ bị tự kỷ. Đến thăm và tìm hiểu các trẻ ở đây, phóng viên mới thấy nhiều hoàn cảnh rất đáng thương. Mỗi trẻ đến với Trung tâm là một câu chuyện dài mà mỗi gia đình phải vượt qua để cho trẻ được tiếp cận việc can thiệp sớm, chăm sóc giáo dục để trẻ tái hòa nhập với nhà trường, cộng đồng.

Lúc 22 tháng tuổi, bé Trần Quốc An (5 tuổi, Sóc Sơn – Hà Nội) có những biểu chậm nói, chân đi kiễng và thích xem ti vi… nhưng gia đình lại không biết đó là đó là dấu hiệu của hội chứng tự kỷ. “Đến khi có một người thân đến chơi phát hiện cháu có dấu hiệu tự kỷ và khuyên gia đình đưa cháu đi khám bệnh thì tôi mới biết đến hội chứng này. Các bác sĩ kết luận cháu bị tự kỷ và cần được can thiệp sớm”, mẹ cháu An chia sẻ.

Mặc dù vậy, nhưng do ông bà phản đối cho cháu đi học can thiệp sớm nên phải đến 3 tuổi cháu An mới được đưa đến học can thiệp ở Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học tâm lý- giáo dục Sao Việt. “Để cho cháu đi học tôi đã phải đấu tranh với ông bà rất nhiều và phải nghỉ việc để hàng ngày đưa đón cháu đi học. Cũng may sau thời gian học can thiệp cháu đã biết nói và chịu giao tiếp với mọi người nhiều hơn, biết đọc và biết viết. Tôi thấy cháu vẫn còn may mắn hơn các bạn khác rất nhiều vì được học can thiệp sớm”, mẹ cháu An tâm sự.

Tương tự, chị Đ.T.T (Sóc Sơn – Hà Nội) không biết hai cậu con trai sinh đôi của mình mắc tự kỷ. “Ở quê vẫn còn quan niệm trẻ chậm nói là bình thường, hơn nữa gia đình cũng chủ quan cho rằng trẻ chậm nói là do gen nên không phát hiện con sớm. Nếu tôi biết đó là biểu hiện của chứng tự kỷ chắc chắn sẽ có con đi học can thiệp sớm”, chị T cho biết.

Chị T cũng vấp phải sự phản đối của gia đình, đặc biệt là chồng chị khi quyết định cho con đi học can thiệp sớm. Chị T chia sẻ: “Dù bác sĩ đã kết luận như vậy nhưng chồng tôi vẫn một mực khẳng định hai cháu chỉ bị chậm nói so với các bạn khác, từ từ thì các cháu cũng nói được. Phải đến khi chồng tôi đến Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học tâm lý- giáo dục Sao Việt tìm hiểu mới biết đến hội chứng này và lúc đó mới chấp nhận đưa con đi học can thiệp”.

Do điều kiện kinh tế mà nhiều gia đình đã không thể cho con học can thiệp mà đưa đến các trường mầm non bình thường dẫn đến nhiều hệ lụy. Trong những ngày qua, dư luận đã xôn xao về việc cháu N.T.P, 4 tuổi bị buộc dây vào người ở trường Mẫu giáo B Trực Đại (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Mặc dù, cháu N.T.P đã có bệnh án của Bệnh viện Nhi Trung ương kết luận cháu bị rối loạn phổ tự kỷ và hướng dẫn can thiệp sớm, nhưng bà cháu đành phải cho cháu ở nhà vì gia đình không có điều kiện. Bà đã xin cho cháu được học ở trường mầm non, nhờ các cô trông nom để đi làm thuê lấy tiền nuôi cháu. Tuy nhiên, do cháu N.T.P bị rối loạn phổ tự kỷ, câm điếc, có biểu hiện giẫm, cắn vào người các bạn khác. Lúc cháu tăng động quá, các cô giáo đã buộc cháu lại để giữ an toàn cho chính cháu bé và các học sinh khác.

Câu chuyện của cháu N.T.P cũng không phải là trường hợp hiếm hoi, trẻ em mắc tự kỷ ở vùng nông thôn, thuộc các gia đình khó khăn về kinh tế luôn chịu nhiều thiệt thòi, thiếu sự chăm sóc can thiệp sớm.

Một buổi tập huấn cho phụ huynh tại Trung tâm.

Cần sự chung sức từ nhiều phía

Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học tâm lý- giáo dục Sao Việt hiện đang thực hiện can thiệp cho 70 trẻ mắc bệnh tự kỷ, chậm phát triển… Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học tâm lý- giáo dục Sao Việt cho biết, tình trạng trẻ mắc tự kỷ đang có xu hướng nhiều hơn, có những trẻ phát hiện bị hội chứng này từ 18 tháng tuổi nhưng do ông bà, người thân phản đối nên bố mẹ các cháu không cho con đi học can thiệp sớm. Cũng có những trẻ học can thiệp được hơn một năm thì biết nói nhưng do điều kiện kinh tế mà gia đình xin tốt nghiệp sớm để gửi vào những lớp bình thường. “Nhiều phụ huynh không hiểu rằng, trẻ tự kỷ còn cần phải can thiệp về kỹ năng, hành vi, cử chỉ… mà không chỉ là biết nói. Do vậy, có những trẻ sau khi tốt nghiệp ở trung tâm đi học ở những lớp học bình thường không thể hòa nhập đã phải quay trở lại học can thiệp”, bà Liên cho biết.

Thực tế hiện nay, nhiều giáo viên ở các trường mẫu giáo, tiểu học không được trang bị các kỹ năng dạy trẻ đặc biệt. Cũng vì không có kỹ năng mà hai cô giáo ở trường Mẫu giáo B Trực Đại (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đã buộc cháu N.T.P để cháu không chạy trong lớp và cắn các bạn. Bên cạnh đó, gia đình cháu bé cũng không hề có kiến thức gì về chăm sóc trẻ tự kỷ nên cháu bé này chưa có kỹ năng gì đã phải ép vào lớp học chung, ép phải hòa nhập nên chuyện cháu gây khó chịu cho lớp học là điều đương nhiên.

Theo bà Liên, các cơ quan hữu quan, các Phòng Giáo dục và Đào tạo ở các quận, huyện cũng cần có chương trình tập huấn thường xuyên cho giáo viên các trường công, trường tư về đặc điểm trẻ có nhu cầu đặc biệt về tâm sinh lý, hành vi, đặc điểm của trẻ… Đồng thời, hướng dẫn giáo viên phương pháp giáo dục đối với những trẻ đặc biệt. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu về tự kỷ, giáo viên các trường mầm non cần tư vấn cho phụ huynh nên cho con đi khám sàng lọc sớm. Tại các phường, xã cũng nên tuyên truyền về căn bệnh này.

Với các cơ sở chăm sóc trẻ tự kỷ, ngoài việc chăm sóc các cháu thì cần có nhiều hoạt động nâng cao nhận thức của phụ huynh để những nhận thức này lan tỏa ra cộng đồng nhằm chăm sóc tốt hơn trẻ mắc tự kỷ trong xã hội. Chia sẻ hiệu quả về việc tuyên truyền nhận thức về hội chứng tự kỷ ở Trung tâm, bà Liên cho biết: “Cách đây 3 năm chúng tôi có thực hiện tập huấn cho phụ huynh nhưng nhiều phụ huynh cũng chia sẻ do công việc bận nên không thể phối hợp với các cô dạy trẻ ở nhà. Tuy nhiên, sau một thời gian dài tập huấn nhiều phụ huynh đã nhận thức được tầm quan trọng của gia đình nên đã tích cực tham gia”.

Để sự phối hợp giữa gia đình trung tâm hiệu quả, hàng tháng Trung tâm đều gửi giáo án cho phụ huynh và đều đặn mỗi tháng Trung tâm lại tổ chức 2 buổi tập huấn về phương pháp nuôi dạy trẻ tự kỷ. Để từ đó, giữa gia đình, Trung tâm và nhà trường có sự phối hợp trong việc dạy trẻ tự kỷ.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/rao-can-chan-duong-cham-soc-giao-duc-tre-em-tu-ky.aspx