Ranh giới nào giữa mua – bán và hợp tác trong bài báo khoa học?

Mấy ngày nay, vấn đề mua -bán, hợp tác trong bài báo khoa học đang được cộng đồng các nhà khoa học quan tâm. Vậy ranh giới nào để phân định giữa hai hoạt động này?

Chuyện mua bán bài báo khoa học được nhắc đến thời gian gần đây liên quan đến trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Theo số liệu của Trường ĐH Tôn Đức Thắng giai đoạn 2008 - 2012, số công bố quốc tế trên tạp chí danh mục ISI của trường chỉ đạt 5-7 bài/năm, năm nhiều nhất cả trường cũng chỉ 12 bài. Sau đó, số lượng công bố có ghi địa chỉ trường tăng rất nhanh: 26 bài (2013), 53 (2014), 185 (2015), 411 (2016), 735 (2017), 1.289 (2018), 2.134 (2019).

Nhờ thành tích công bố này, trường ĐH Tôn Đức Thắng đã được lọt vào nhiều bảng xếp hạng ĐH. Gần đây (16/8), trường này là cơ sở ĐH duy nhất của Việt Nam nằm trong nhóm 701 - 800 trường ĐH hàng đầu thế giới năm 2020 theo bảng xếp hạng ARWU của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc). Đây là năm thứ 2 trường được lọt vào bảng xếp hạng này.

Để tăng số lượng bài báo khoa học, cách thức mà trường ĐH Tôn Đức Thắng thực hiện đó là người viết bài báo không nhất thiết phải là giảng viên cơ hữu của trường. Người đó có thể làm việc ở bất kỳ trường ĐH, viện nghiên cứu nào ở Việt Nam hay trên thế giới, miễn là trên công trình được công bố ghi địa chỉ làm việc của tác giả bài báo là Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Từ thực tế này, có hai luồng ý kiến. Một luồng ý kiến phản đối cách làm của ĐH Tôn Đức Thắng để tăng số lượng bài báo khoa học; một luồng cho rằng cách làm đó không phạm luật nên không sai.

Tuy nhiên, việc hợp tác trong khoa học hay “mua bán” bài báo khoa học hiện nay cần có cái nhìn toàn diện và rạch ròi.

Theo chuyên gia giáo dục Đỗ Thị Ngọc Quyên, khi đánh giá việc hợp tác hay mua bán bài báo khoa học của các nhà khoa học cần phải được xem xét một số tình huống cụ thể. Việc đơn vị/Tổ chức cấp quỹ yêu cầu ghi danh họ trong xuất bản là điều hiển nhiên.

Nếu tổ chức có bài xuất bản, hoặc theo đơn đặt hàng đề tài hoặc theo lời mời hợp tác..., mà không phải sử dụng nguồn lực trực tiếp của mình như phòng ốc, thiết bị, văn phòng phẩm... mà đã khoán toàn bộ vào chi phí cấp cho đề tài/bài báo... thì họ đang quản lý rất hiệu quả theo hình thức khoán sản phẩm, kiểm soát chất lượng đầu ra.

Nếu tác giả (chính) của bài báo khoa học sau khi nhận tiền không được ghi tên của họ vào bài báo hoặc không được ghi danh theo đúng mức đóng góp (ví dụ tác giả thứ nhất/tác giả liên hệ thay vì đứng cuối cùng) thì khi ấy mới là mua-bán. Còn khi họ "bán" xong vẫn đứng tên chủ sở hữu tác phẩm thì đó là bán sức lao động. “Đã là bán sức lao động, ai đang không bán mà lại có tiền nuôi con?”, bà Quyên đặt câu hỏi.

Một tình huống nữa được bà Quyên đưa ra đó là nếu có vấn đề vi phạm đạo đức hay vi phạm hợp đồng lao động là vi phạm có thể của tác giả, chủ bài báo với cơ quan chủ quản của mình; họ sử dụng nguồn lực của cơ quan này hoặc thời gian làm việc theo hợp đồng, để làm phần việc kiếm thu nhập kia. Lúc đó sẽ là dạng tham nhũng, ăn cắp. Nhưng nếu không chứng minh được họ sử dụng trái phép các nguồn lực này thì cũng chịu, không thể kết tội họ.

“Nếu tôi có khả năng và tôi chăm chỉ làm việc 16-17 tiếng/ngày (so với người chỉ làm 4-5 tiếng/ngày; so với 8 tiếng theo giờ hành chính), tôi lại có đủ năng lực để được các tổ chức/đơn vị khác nhau thuê làm việc... thì tôi có quyền được bán sức lao động của mình và có thu nhập thêm, có quyền được làm nghiên cứu nhất là khi cơ quan chủ quản của tôi không đáp ứng được nhu cầu này, mà không hề vi phạm đạo đức nào hết”, bà Đỗ Thị Ngọc Quyên cho hay.

Câu chuyện mua – bán hay hợp tác bài báo khoa học có lẽ sẽ vẫn còn là câu chuyện dài của các nhà khoa học Việt Nam. Vốn dĩ, ranh giới giữa hai hoạt động này gần như chỉ là điểm mờ mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu được bản chất của vụ việc cụ thể.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/ranh-gioi-nao-giua-mua-ban-va-hop-tac-trong-bai-bao-khoa-hoc-1709913.tpo