Ranh giới của ảnh nude

Một triển lãm ảnh khỏa thân (nude) vừa được cấp phép tại TP. Hồ Chí Minh khiến giới nhiếp ảnh và dư luận xôn xao. Ảnh nude nghệ thuật sẽ đi tới đâu sau triển lãm này?

Kể từ sau năm 1975, tức hơn 40 năm một triển lãm ảnh khỏa thân nghệ thuật mới được cấp phép. Trong hơn 10 năm qua, theo thống kê thì có đến 15 triển lãm ảnh nude đã bị từ chối cấp phép. Có thể nói chặng đường đến với người thưởng thức của ảnh nude nghệ thuật khá gian nan. Hàng loạt các họa sỹ, nhiếp ảnh gia nổi tiếng như Thái Phiên, Trần Huy Hoan, Dương Quốc Định, Lê Quang Châu, Nghiêm Tứ Quý…đều nỗ lực không biết mệt mỏi nhưng chưa thể có một triển lãm cho mình.

Vì thế cho nên, triển lãm ảnh nude của nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên đang diễn ra được giới nhiếp ảnh ví như một bước ngoặt lịch sử cho loại hình nghệ thuật này.

Một bức ảnh nude trong triển lãm của NAG Hạo Nhiên

Ảnh nude nghệ thuật sẽ đi tới đâu sau cuộc triển lãm đầu tiên? Liệu có phải chỉ là ánh sáng của que diêm? Câu hỏi rất khó trả lời nhưng giới bình luận đánh giá, cái nhìn cởi mở của các nhà quản lý với ảnh nude nghệ thuật sẽ mở ra một tương lai đầy tươi sáng.

Thế nhưng có một lo ngại mà cho đến nay ngay cả chính những nghệ sĩ đeo đuổi ảnh nude nghệ thuật vẫn chưa thống nhất về cách đánh giá. Đó là ranh giới giữa dung tục và nghệ thuật của ảnh nude. Thế nào là ảnh nude nghệ thuật, thế nào là ảnh nude dâm ô? Tiêu chí đánh giá nghệ thuật và sự dung tục có thực sự chuẩn mực?

Thực tế khi sáng tác mỗi nghệ sĩ lại đứng trên một quan điểm, một cách thể hiện khác nhau theo tư duy của cá nhân về nghệ thuật ảnh nude.

Thời gian gần đây nhiều bộ ảnh gắn mác ảnh nude nghệ thuật được quăng lên mạng xã hội nhưng bị dư luận phản đối gay gắt. Nhà quản lý thì bó tay vì không thể phân định rõ ràng mức độ phản cảm của những bộ ảnh này. Có thể hiểu được sự ngần ngại của nhà quản lý vì đánh giá nghệ thuật là việc làm không dễ dàng.

Ảnh nude nghệ thuật không thể cứ nói hay cứ nhìn vào là thấy được mà đòi hỏi phải có hội đồng thẩm định, đương nhiên phải là những người có chuyên môn, kinh nghiệm. Điều này đã được quy định trong Thông tư số 17/2012 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch.

Ở giác độ khác, sau triển lãm của Hạo Nhiên, cứ cho rằng sẽ có nhiều triển lãm ảnh khỏa thân khác được cấp phép. Khi số lượng triển lãm "trăm hoa đua nở" thì nỗi lo ngại đến chất lượng của ảnh nude nghệ thuật tiếp tục được bàn đến. Liệu có hay không những triển lãm mà "đồng thau lẫn lộn" khi ranh giới thanh, tục quá mong manh?

Và nữa, chúng ta cứ mải miết tranh cãi, mải miết hồ hởi với cuộc triển lãm đầu tiên sau hơn 40 năm của loại hình nghệ thuật như ảnh nude nhưng lại vô tình với chủ thể mà nó hướng tới.

Tôi chưa từng nghe thấy, hoặc do hiểu biết còn hạn hẹp nên chưa tiếp xúc với bất kỳ một cuộc khảo sát hay điều tra xã hội nào về chủ thể thưởng thức ảnh nude nghệ thuật. Họ nghĩ gì về ảnh nude?

Đã có một thời người ta coi ảnh nude là ảnh khiêu dâm. Không phải 100% khán giả tìm đến triển lãm ảnh nude đều đã được giáo dục về thẩm mỹ. Họ đến không phải để thưởng thức nghệ thuật mà đến vì sự tò mò. Một sự tò mò trong ngoặc kép.

Ai đoán biết được người xem ảnh đang nghĩ gì trong đầu? Có thể đó là một thứ tư duy dung tục đến thô thiển trước một tác phẩm được xem là tuyệt tác của tạo hóa ban phát cho con người.

Chính trong triển lãm của Hạo Nhiên đang diễn ra, nhiều người cảm thấy hụt hẫng vì chưa thấy được sự "táo bạo" trong các bức ảnh của anh. Câu hỏi đặt ra, sự táo bạo mà người xem đang kỳ vọng là gì? Bởi nếu táo bạo quá đà ảnh nude sẽ bước qua một ranh giới khác.

Nói như thế để thấy, cái quan trọng không phải là bao nhiêu triển lãm ảnh khỏa thân được cấp phép mà làm thế nào để kéo các chủ thể sát lại với nhau. Chỉ khi các chủ thể sáng tác, quản lý và thưởng thức đồng điệu về quan điểm nghệ thuật thì ảnh nude mới thực sự được...cởi trói.

Biên Thùy

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/goc-nhin/ranh-gioi-cua-anh-nude-226122.html