Răng mà thương mà nhớ- Bức tranh đẹp trong hồi ức

Chỉ là những hồi ức về miền nghèo Quế Sơn (Quảng Nam), nơi chất đầy kỷ niệm thời thơ ấu nhưng chàng thi sỹ đất Quảng Lê Công Sơn vẫn khéo léo vẽ lên một bức tranh đẹp, cái đẹp hồi ức mà ai cũng từng trải qua.

Bạn bè thường thích gọi Lê Công Sơn là… thi sỹ hơn dù rằng đã từ lâu, Lê Công Sơn đã an phận với vị trí phóng viên của Ban công tác bạn đọc báo Thanh Niên. Mãi cho tới khi chuyển qua làm phóng viên văn nghệ rồi cặm cụi in cuốn sách đầu tay mang tên Răng mà thương mà nhớ, nhiều người mới biết Lê Công Sơn đã từng làm thơ viết văn, đã từng tham gia nhóm Mực tím và cũng đã có nhiều tác phẩm sáng tác đăng trên các báo. Nhưng khi an phận với nhiệm vụ tiếp bạn đọc, cái chất thi sỹ đó không có cơ hội thể hiện cho tới khi… về lại với văn chương. Đó là lý do sau hơn 20 năm cầm bút, Lê Công Sơn mới ra cuốn sách đầu tay.

Lê Công Sơn và cuốn Răng mà thương mà nhớ

Răng mà thương mà nhớ là cuốn sách tập hợp của nhiều thể loại, thơ, tạp bút, truyện ngắn. Dường như thi sỹ không chủ định sẽ in một thể loại mà chỉ tìm kiếm những cảm xúc của mình, những cảm xúc rất riêng của thi sỹ nhưng nó gắn với từng ký ức rất thật nên khiến người đọc cảm thấy có mình trong đó, cảm thấy tác giả đang nói thay cho mình.

Như có đoạn Lê Công Sơn viết: “Hồi đó không có tiền, mỗi lần đi ké xuống chợ, má hay cho vào hàng ngồi… ăn chè chờ má đi mua đồ ăn. Khoái lắm. Bây giờ, hàng quán vẫn vậy, chỉ khác là ngôi chợ được sửa sang, bề thế hơn, còn cô gái bán chè lúng liếng ngày xưa bây giờ thì trở thành… đàn bà từ hồi nào rồi không biết”.. rồi thì: “Thèm ăn ly chè ở chợ ồn ào, thèm nâng niu bàn tay búp măng bầm dập bùn đất của em gái quê nhà, dẫu đường đời đầy xô ngã gập ghềnh…”. Hồi ức nhưng không hẳn chỉ là hồi ức bởi “Có ai tắm 2 lần trên 1 dòng sông”. Dòng đời vẫn trôi, và những gì trong ký ức thì mãi vẫn chỉ nằm nơi đó, có tìm lại chăng thì cũng chỉ vấn vương đôi chút gì đó đọng lại mà thôi. Nhưng cái nhìn của một người từng trải, đã đi qua nhiều va vấp trên đường đời giờ ngoái lại mới thấy cái ngày xưa sao thật đẹp, thật lung linh.

Như lời tác giả bộc bạch: “Răng mà thương mà nhớ như một góc khác về cuộc đời mà tôi muốn được chia sẻ với mọi người. Dù cái góc khác ấy thật ra vẫn chỉ là những gánh gồng với hoài niệm, bước đi trong vùng ký ức ấy bằng tất cả những hồn nhiên lẫn vô ưu, rồi hy vọng hôm nay hay mai này, nếu có ai trong chúng ta. Để rồi: Đưa tay vuốt vội mái đầu/Nhặt thời gian... sợi tóc sâu, giật mình...thì vẫn tin rằng mình vẫn có một nguồn cội, một nơi chốn đâu đó trong tâm trí để giúp trái tim có thể bình an nương náu”.

Như lời nhà thơ Trương Nam Hương: “Tuổi thơ, quê nhà, gia đình…luôn bàng bạc trong các sáng tác của Lê Công Sơn. Anh viết như “rút ruột” lòng mình với một tình yêu thương nhớ nơi sinh ra thật sâu đậm và dạt dào cảm xúc. Những con chữ nhẹ nhàng, đơn giả như lời thủ thủ, tâm sự của chính tác giả, mà chính nó đã biết tự rung lên cung bậc để đi tới trái tim, tìm đến sự đồng cảm của độc giả. Ngay cả cách đặt tựa cho tác phẩm này, tôi cho rằng cũng đã nói lên “chất xứ Quảng” sống có trước có sau, luôn đau đáu nghĩ về quê hương ở anh. Đọc Răng mà thương mà nhớ, tôi thấy có bóng dáng của mình ở đó với tình Mẹ- Cha thẳm sâu như nguồn cội, sự hiếu thảo của những đứa con và trên hết là cái nghĩa, cái tình biết vì nhau trong cuộc đời này”.

Răng mà thương mà nhớ do Saigonbook và NXB Hội Nhà văn ấn hành. Lê Công Sơn sẽ trích tiền bán sách dự kiến khoảng 80 triệu đồng để làm học bổng dành cho trẻ em nghèo ở Quế Sơn. Có lẽ đó cũng là nghĩa cử để cho chàng thi sỹ làm đẹp hơn cho hồi ức ở miền quê nghèo.

Trọng Thịnh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/rang-ma-thuong-ma-nho-buc-tranh-dep-trong-hoi-uc-1327266.tpo