Rạn nứt

Chưa đầy hai tháng sau rạn nứt hiếm có, Armenia lại gây khó cho đồng minh Nga. Ngày 11/1, họ tuyên bố không tham gia tập trận của liên minh do Nga dẫn đầu. Rạn nứt này có lẽ là một trong những biến số khó giải nhất nếu biết nó có thể làm tăng trở ngại đáng kể cho Nga.

Đích thân thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trả lời tại họp báo giữa tháng 1 vừa qua. Ông từ chối kế hoạch của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) gổm sáu nước - Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan –dự kiến tập trận tại nước ông cuối năm. “Nó không thích hợp trong tình cảnh hiện nay”, ông nói.

“Tình cảnh hiện nay” được giải thích CSTO và Nga không ủng hộ Armenia trong xung đột với Azerbaijan, quốc gia ngoài khuôn khổ CSTO. Quan hệ Armenia và Azerbaijan căng thẳng cho tới giờ sau khi Armenia chiếm Nagorno-Karabak năm 1994 thuộc Azerbaijan nhưng có nhiều người Armenia sinh sống. Đúng ra, Nga đã can dự khi đưa lực lượng hòa bình đến vùng đệm nhưng Armenia nói chẳng ích gì.

Thái độ của CSTO gần 30 năm qua hầu như không đổi. Belarus, thành viên của CSTO và đồng minh số một của Nga, công khai ủng hộ Azerbaijan. Tổng thống Belarus Lukashenko gọi tổng thống Azerbaijan Aliyev là “bằng hữu của chúng tôi”. Ông dọa sẽ mạnh tay nếu Armenia không ký hòa đàm với Azerbaijan sau xung đột mới nhất, tháng 9/2022.

Armenia đáp lại mạnh không kém. Bỏ qua vị thế trung dung của chủ nhà theo thông lệ, tại thượng đỉnh CSTO ở thủ đô Yerevan, thủ tướng Pashinyan nói thẳng nước ông không ký văn kiện cuối cùng. Lý do là dự thảo không có lời lẽ nào tỏ thái độ của CSTO với Azerbaijan, địch thủ của Armenia.

Niềm tin của Armenia vào Nga có vẻ cạn dần. Armenia phàn nàn 2.000 quân Nga gìn giữ hòa bình không giúp khai thông tuyến đường kết nối còn lại duy nhất giữa Armenia với Nagorno-Karabak, nơi một phần đất bị Azerbaijan lấy lại năm 2020. Thủ tướng Pashinyan hôm 11/1 thậm chí trách căn cứ quân sự của Nga hiện diện ở Armenia sau khi Liên Xô sụp đổ “làm tăng đe dọa an ninh cho Armenia”, theo AP.

Căng thẳng không chỉ vậy. Tại thượng đỉnh CSTO, lãnh đạo các thành viên CSTO đứng cách xa tổng thống Nga lúc chụp ảnh chung. Còn nhớ Kazakhstan thông báo hủy dự tập trận CSTO chỉ một ngày trước khi diễn ra theo kế hoạch. Mùa xuân 2021, Kyrgyzstan và Tajikistan xung đột đổ máu mà CSTO không can được.

Khó khăn cho anh cả CSTO có vẻ gia tăng. Tháng 9/2022, giữa lúc cuộc chiến Nga-Ukraine ở vào thế ít thuận lợi, lần đầu tiên Armenia đón chủ tịch Hạ viện Mỹ. Thủ tướng Pashinyan hôm 11/1 từ chối chống Ukraine. Thật khó đoán tương lai khi ông nói có thể mời quốc tế nếu lực lượng Nga ở Armenia tiếp tục “không giúp ích gì”.

Hoàng Quốc Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ran-nut-post1503329.tpo