Rắn lục đuôi đỏ đe dọa cuộc sống nhiều người dân ĐBSCL

Ở ĐBSCL, đa phần người dân sống cạnh các khu vực nhiều bụi rậm, cây cối um tùm, đây thường là những nơi lý tưởng cho các loài rắn trú ngụ, đặc biệt là rắn lục đuôi đỏ. Vào cao điểm mùa nước nổi, một số loài rắn bị mất nơi trú ngụ nên tìm sang các khu vực cao ráo hơn để sinh sống, gần nhà dân hơn...

Bệnh viện Quân Y 121, TP. Cần Thơ, mỗi ngày tiếp rất nhiều ca người dân bị rắn cắn đến từ khắp các tỉnh thành khu vực ĐBSCL. Ảnh: BẢO TRUNG

Nước lên, rắn “lên” theo

Anh Trần Phúc Ngân, ngụ tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết: Trong khoảnh khắc sơ suất khi đi vệ sinh ngoài vườn tôi đã giẫm phải một con rắn lục đuôi đỏ khá lớn và bị cắn. Ngay lập tức tôi cảm thấy đau nhức toàn thân, người nhà phải đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện ở TP. Cần Thơ. Hiện nay, quanh khu vực tôi sống cũng thấp thoáng xuất hiện rắn lục đuôi đỏ, tuy nó không chủ động tấn công nhưng gia đình tôi không khỏi lo ngại trước việc chúng xuất hiện thường trực gần nhà.

Anh Phùng Văn Hà (41 tuổi, xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) bày tỏ, khi đang làm việc ngoài vườn, anh đột nhiên bị rắn tấn công cắn vào tay. Sau đó, anh cảm thấy chóng mặt, tay chảy máu nhẹ và nhức. Quanh khu vực anh sinh sống cũng có rất nhiều người bị rắn lục đuôi đỏ cắn, đa phần người dân bị cắn khi đang đi làm việc ngoài vườn. Nhiều người còn thấy rắn bò vào trong nhà.

Do đặc thù thời tiết, vùng ĐBSCL rất phù hợp cho rắn lục đuôi đỏ sinh sống và phát triển. Từ đó, dễ hiểu số lượng loài rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở các tỉnh đồng bằng cũng nhiều hơn các nơi khác. Đặc biệt, hiện nay, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở khắp các tỉnh ở miền Tây, gây ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của bà con nông dân, một số người bị rắn cắn phải mất thời gian khá dài để điều trị. Theo thống kê của Bệnh viện Quân Y 121, TP. Cần Thơ, từ đầu năm đến tháng 9.2018, đơn vị này đã tiếp nhận hơn 400 bệnh nhân bị các loại rắn cắn, đa phần các ca nhập viện đều bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Các bệnh nhân đến điều trị tại bệnh viện đến từ khắp các tỉnh thành lân cận ở khu vực ĐBSCL, nhiều người nhập viện trong tình trạng rất nghiêm trọng, vết thương sâu, sưng phù lớn.

Làm thế nào để phòng tránh?

Trao đổi với PV báo Lao Động, Đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Vinh - Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Quân y 121 - cho biết, độc của rắn lục đuôi đỏ thường gây tan máu và chảy máu, người bị rắn cắn thường rõ dấu răng, sưng phù nặng. Trong vòng 12 - 24h sau khi bị rắn cắn, nếu bệnh nhân không được sơ cứu và đưa đi bệnh viện kịp thời thì rất dễ hoại tử tại vết cắn, nghiêm trọng hơn là suy đa tạng, chảy máu phổi, thận…, có thể dẫn đến tử vong.

Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, tuyệt đối không được dùng các phương pháp cổ truyền như nặn vết thương, giác hút hoặc lấy miệng hút máu độc. Bởi lẽ việc nặn và hút độc vết thương sẽ làm cho chất độc lây lan nhanh hơn. Trong trường hợp này cần giảm thiểu việc vận động, lấy xà phòng rửa và sau đó băng bó cẩn thận vết thương. Ngay lập tức đi đến cơ sở y tế gần nhất để chữa trị.

Bên cạnh đó, người dân cần thương xuyên phát quang xung quanh khu vực nhà ở. Trong quá trình làm việc nên đi ủng bảo hộ. Đêm ngủ cần chốt cửa cẩn thận để tránh việc rắn bò vào nhà.

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/doi-song/ran-luc-duoi-do-de-doa-cuoc-song-nhieu-nguoi-dan-dbscl-633028.ldo