Răn đe phi hạt nhân: Tên lửa, pháo binh Bắc Triều Tiên

Xin giới thiệu phần cuối bài viết của chuyên gia Nga Ryabov Kirill cung cấp thông tin về vai trò, sức mạnh của tên lửa-pháo binh Bắc Triều Tiên.

Lục quân KPA có trong trang bị một số lượng lớn súng cối các cỡ nòng chủ yếu. Đó là các súng cối cỡ nòng 82, 120 và 160 ly.

Chủ yếu là các súng cối mang vác hoặc xe kéo. Cũng có thông tin là Bắc Triều Tiên có cả các súng cối tự hành lắp đặt trên khung gầm các xe được sản xuất hàng loạt.

Bộ đội pháo phản lực KPA có nhiều hệ thống pháo phản lực với các khả năng khác nhau. Đang khai thác các tổ hợp phóng 107 ly “Type 63” do Trung Quốc thiết kế, cũng như các phiên bản cải tiến của chúng.

Bắc Triều Tiên cũng từng được Liên Xô viện trợ các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt (MLRS) BM-21 "Grad" và sau đó đã cải tiến chúng. Còn một số tổ hợp phóng các tên lửa cỡ 200, 240, 300 và thậm chí là cả 600 ly.

Rất tiếc, không có thông tin chính xác và đáng tin cậy về các hệ thống điều khiển pháo binh của KPA. Nhiều khả năng là tại các đơn vị có biên chế chiến sỹ quan sát- hiệu chỉnh hỏa lực pháo binh bằng các thiết bị quang học và liên lạc vô tuyến.

Không rõ là Bắc Triều Tiên có các loại xe bọc thép trinh sát pháo binh chuyên dụng trang bị các thiết bị quang học hoặc radar hay không.

Các hệ thống MLRS phóng đạn 300 ly M1991 trong lễ duyệt binh. Ảnh chụp màn hình từ buổi phát sóng của Đài Truyền hình Trung ương CHDCND Triều Tiên

Các hệ thống MLRS phóng đạn 300 ly M1991 trong lễ duyệt binh. Ảnh chụp màn hình từ buổi phát sóng của Đài Truyền hình Trung ương CHDCND Triều Tiên

Gần như chắc chắn các hệ thống trinh sát và điều khiển được xây dựng theo mô hình của Liên Xô cách đây khá lâu. Nhờ những hệ thống này, có thể đạt được hiệu suất tác chiến đấu khá cao, nhưng phải chấp nhận một số hạn chế.

Tuy vậy, cũng không thể loại trừ khả năng chúng đã được hiện đại hóa với sự trợ giúp của Trung Quốc, một nước hiện đang có nền công nghiệp hiện đại. Trong trường hợp này, ngay cả những phương tiện kỹ thuật quân sự và vũ khí lạc hậu cũng có thể phát huy hiệu quả.

Lợi thế pháo binh

Lực lượng tên lửa và pháo binh KPA có một loạt đặc điểm quan trọng, và những đặc điểm này đem lại những lợi thế rõ ràng cho KPA trước đối phương tiềm năng. Trước hết, đó là số lượng vũ khí và trang bị.

Hiện Nam Triều Tiên chỉ có trong trang bị không quá 12-12,5 nghìn đơn vị (tính) vũ khí tên lửa và pháo binh. Quân đội Nam Triều Tiên chỉ vượt qua KPA về số lượng súng cối – họ có gần 6 nghìn khẩu, còn ở các loại khác – có số lượng ít hơn nhiều.

Tuy nhiên, Nam Triều Tiên có các loại pháo sản xuất hàng loạt hiện đại với các tính năng ưu việt hơn, ví dụ cụ thể như pháo tự hành K9 (A1) “Thunder”.

KPA có các pháo thuộc tất cả các lớp chủ yếu, nhờ vậy nên có thể giải quyết một cách linh hoạt rất nhiều nhiệm vụ. Trên chiến trường có thể sử dụng các loại súng cối các cỡ, pháo và lựu pháo với những tính năng cần thiết.

Để tấn công vào chiều sâu hậu phương của đối phương, có thể sử dụng pháo cỡ lớn và MLRS tất cả các kiểu hiện có. Thêm nữa, bất kỳ loại pháo và tên lửa Bắc Triều Tiên nào cũng có thể được sử dụng trên các hướng biển chống lại các lực lượng đổ bộ.

Các mẫu MLRS mới nhất cỡ nòng 600 ly. Ảnh chụp màn hình từ buổi phát sóng của Đài Truyền hình Trung ương CHDCND Triều Tiên.

Nếu sử dụng pháo dã chiến, KPA có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách nhiều km. Các hệ thống pháo cỡ 170 ly mạnh nhất có tầm bắn tới 50-60 km. Các MLRS còn có bán kính tác chiến lớn hơn nữa.

Đạn 107 ly của hệ thống "Type 63" bay ở cự ly 8-8,5 km, và của hệ thống 600 ly sắp được đưa vào trang bị, theo một số nguồn tin, có tầm bắn tới 230-250 km.

Cần phải thấy rằng các hệ thống pháo của Triều Tiên, nếu xét về chất lượng tác chiến thì không có lợi thế đặc biệt nào so với các mẫu hiện đại hoặc cũ hơn của các nước khác.

Tuy nhiên, ngay cả với các tính năng hiện có, pháo và MLRS Bắc Triều Tiên vẫn có khả năng giải quyết tất cả các nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, trong một số tình huống, pháo 152 ly và 170 ly của KPA lại là những kiểu vũ khí chiến lược thực sự.

Vấn đề là ở chỗ thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ cách biên giới 40 km. Thành phố này có diện tích hơn 600 km vuông và có mật độ dân số rất cao. Hơn 10 triệu người sống trong khu vực nội đô Seoul, dân số của cả vùng thủ đô là vào khoảng 23,5 triệu.

Bắn trình diễn năm 2017. Ảnh: Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên

Chính mối đe dọa tấn công vào thủ đô của Hàn Quốc là nhân tố răn đe (kiềm chế) mạnh nhất và có tác động tích cực đến tình hình trên bán đảo.

Và vai trò hàng đầu trong "tiến trình hòa bình" này thuộc về chính các lực lượng tên lửa và pháo binh Bắc Triều Tiên. Nếu xét từ góc độ này, chúng thậm chí còn quan trọng hơn cả vũ khí hạt nhân.

Thành tố phòng thủ chủ chốt

Bất chấp những hạn chế khách quan như đã biết, CHDCND Triều Tiên vẫn đã xây dựng được Các Lực lượng Vũ trang quy mô lớn và được cho là hiệu quả.

Cách đây không lâu, Quân đội Bắc Triều Tiên còn được trang bị vũ khí hạt nhân, nhưng những nhiệm vụ răn đe và đối phó với đối phương cho đến nay vẫn do vũ khí thông thường chịu trách nhiệm.

Một trong những lực lượng giữ vai trò chính trong hệ thống phòng thủ như vậy – đó là "Thần chiến tranh"- lực lượng pháo binh tất cả các loại và tất cả các lớp.

Các xe M1974 và M1989 đang khai hỏa. Ảnh của Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên

Bằng cách sử dụng các loại pháo, tên lửa xe kéo và tự hành hiện có (đã công khai hoặc còn đang giữ bí mật) và sẽ có, Quân đội Nhân dân Triều Tiên có thể phòng thủ vững chắc trên tất cả các hướng nguy hiểm và tự bảo vệ mình trước các tấn công đột phá của đối phương, các cuộc tấn công đổ bộ từ hướng biển và các mối đe dọa khác.

Đồng thời, trong một số trường hợp, pháo và tên lửa có thể được sử dụng với hiệu quả cao để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong hậu phương địch.

Rõ ràng là lực lượng tên lửa và pháo binh là một trong những lực lượng chủ yếu tạo nên sức mạnh chiến đấu của KPA. Ngoài ra, chúng đã trở thành công cụ răn đe phi hạt nhân hóa quan trọng nhất và đóng góp rất đáng kể vào việc duy trì hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Bình Nhưỡng chắc chắn hiểu rõ điều này, và vì vậy, sẽ tiếp tục phát triển lực lượng bộ đội tên lửa- pháo binh và các lực lượng khác. Và những biện pháp này sẽ giúp phần gìn giữ nền hòa bình mong manh giữa hai miền Triều Tiên thù địch.

Kì trước: Răn đe phi hạt nhân: Tên lửa, pháo binh Bắc Triều Tiên

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/ran-de-phi-hat-nhan-ten-lua-phao-binh-bac-trieu-tien-3433740/