Rầm rộ đào ao nuôi cá tra, lo khủng hoảng thừa năm 2011 sẽ ập đến?

Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) vừa có văn bản cảnh báo đến các tỉnh ĐBSCL về tình trạng ồ ạt, tự phát đào ao thả cá tra. Theo Tổng cục Thủy sản, việc tự phát này sẽ dễ kéo theo nhiều hệ lụy: Nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, giảm hiệu quả sản xuất, gây mất cân đối cung cầu và sẽ ảnh hưởng đến phát triển bền vững của ngành cá tra.

“Cơn sốt” cá tra nguyên liệu và cá tra giống đang xảy ra tại nhiều tỉnh, thành ĐBSCL khi nông dân ồ ạt thả nuôi. Không chỉ lo ngại về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, điều mà các chuyên gia cũng như chính bà con sợ nhất là một cuộc “khủng hoảng thừa” cá tra nguyên liệu sẽ xảy ra như năm 2011.

Đâu đâu cũng đào ao nuôi cá

Người dân huyện Tân Hưng (tỉnh Long An) ồ ạt đào ao nuôi cá tra giống. Ảnh: I.T

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho rằng: “Hiện về quy hoạch, sản xuất giống tổng thể đã đảm bảo cho nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, do giá cá nguyên liệu tăng mạnh, nhiều nơi người nuôi thả giống cùng lúc, có thời điểm không điều tiết kịp nên giá cá giống tăng cao. Việc phát triển tự phát, sẽ dư cung, ảnh hưởng đến chất lượng, dịch bệnh, môi trường, chính người dân sẽ bị thiệt hại lớn”.

Trên cánh đồng chuyên canh 3 vụ ở xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), dù lúa đang xanh tốt nhưng một số hộ dân vẫn điều máy xúc vào múc đất, đào ao để thả cá tra. Thống kê của ngành chức năng tỉnh này cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, có khoảng 60ha đất lúa bị người dân đào thành ao nuôi cá tra.

Trong đó, huyện Tân Thành và thị xã Hồng Ngự là nơi có diện tích đất lúa bị người dân tự chuyển đổi nhiều nhất. Nguyên nhân là do giá cá tra từ giữa năm 2017 đến nay luôn ở mức cao, người có cá bán đang lãi tới 7.000 – 9.000 đồng/kg.

Không chỉ ở tỉnh Đồng Tháp, tình trạng đào ao nuôi cá trong vùng đất chuyên canh lúa cũng diễn ra rầm rộ ở tỉnh Long An. Hiện địa phương này có khoảng 800ha ao cá tra (gồm cả thả cá nguyên liệu và ương cá tra giống) được đào từ đất lúa.

Một người dân ngụ ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) chia sẻ: “Nuôi cá tra giống mang lại lợi nhuận cao. 1ha nuôi cá tra giống, nếu trúng giá, lợi nhuận cao gấp 10 lần so với trồng lúa. Vụ vừa rồi, gia đình tôi bán cá giống với giá 71.000 đồng/kg (loại 35 con/kg), lãi trên 300 triệu đồng/ha. Hiện, gia đình tôi mở rộng diện tích nuôi cá tra lên 3,5ha”.

Cũng theo người này, nuôi cá tra giống tuy không khó nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chu kỳ nuôi cá tra giống từ 60-70 ngày, nhưng lúc mới nuôi, cá con rất dễ nhiễm bệnh, nếu không biết cách phòng thì nguy cơ thất bại rất lớn, trong khi chi phí đầu tư gần 200 triệu đồng/ha.

Do giá cá tra giống tăng cao, lợi nhuận hấp dẫn nên nhiều người phá bỏ cả diện tích lúa đang xanh tốt để đào ao chuẩn bị thả cá giống. Ảnh: Báo Long An

Hiện giá cá tra giống đang ở mức rất cao. Nếu đầu năm 2017 giá cá giống từ 27.000 - 39.000 đồng/kg (loại 30 con/kg) thì cuối năm nhảy vọt lên 45.000 - 50.000 đồng/kg. Sang đầu năm nay, giá cá tra giống đã lên tới mức kỷ lục: 64.000 - 75.000 đồng/kg (loại 30 con/kg) và 70.000- 81.000 đồng/kg (loại 50 con/kg).

Anh Trần Tuấn Anh, ngụ xã Hưng Điền B cho biết: “Mặc dù địa phương không khuyến khích chuyển đổi trồng lúa sang nuôi cá tra giống nhưng nhiều hộ dân vẫn bất chấp đào ao. Có thời điểm, số lượng máy múc hoạt động hết công suất cũng không đủ phục vụ nhu cầu đào ao nuôi cá tra giống của người dân. Khi đào ao, nhiều hộ dân bị lập biên bản nhưng khi chính quyền địa phương rời đi, họ lại tiếp tục đào ao”.

Theo ước tính, các địa phương thả nuôi mới cá tra nhiều nhất là Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long. Theo Tổng cục Thủy sản, tình trạng người dân đua nhau mở rộng diện tích sẽ dẫn tới nguy cơ dư thừa cá tra nguyên liệu, điều đã từng xảy ra cách đây vài năm khiến nhiều người phá sản, nợ nần chồng chất.

Giá cá tra tăng liên tục, nông dân khó cưỡng”?

Báo cáo mới nhất của Bộ NNPTNT cho thấy, sản lượng nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL trong 4 tháng đầu năm 2018 ước đạt 373,4 nghìn tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số tỉnh nuôi cá tra trọng điểm đạt sản lượng lớn như: Đồng Tháp 118,4 nghìn tấn, tăng 9% so với cùng kỳ; An Giang 98,1 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ; Cần Thơ với sản lượng 13,2 nghìn tấn, tăng 18,3% so với cùng kỳ.

Sản lượng nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL trong 4 tháng đầu năm 2018 ước đạt 373,4 nghìn tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa

Thực tế là khoảng 18 tháng qua, giá cá gần như tăng liên tục do nhu cầu vẫn ở mức cao. Hiện giá cá nguyên liệu ở mức 32.000 – 33.000 đồng/kg, cao gấp 1,5 lần cùng kỳ năm trước; còn cá giống loại lớn cũng cao gấp trên 3 lần so với năm trước.

Ông Võ Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam khẳng định, đây là mức giá có lời “không cưỡng lại được”, khiến người nuôi ồ ạt đào ao thả cá. Về quy hoạch, có thể cảnh báo rủi ro, phê phán người nuôi nhưng cũng phải hiểu động lực khiến họ làm như thế trong khi trồng lúa thì thu nhập thấp. Tuy nhiên, nếu ồ ạt đào ao thả cá tra, nuôi theo kiểu thời vụ, không tính toán đến nhu cầu thị trường sẽ gây áp lực lên nguồn cung cũng như gây tác động xấu đến môi trường.

“Cứ mỗi kg cá thịt, sẽ mất hơn 1,5kg thức ăn. Những thứ đó thải đi đâu, xử lý thế nào. Đây là vấn đề băn khoăn khi sản lượng có thể tăng lên 2 triệu tấn, chứ không còn 1,2 triệu tấn/năm như hiện nay” - ông Dũng nói.

Minh Huệ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/thi-truong-nong-san/ram-ro-dao-ao-nuoi-ca-tra-lo-khung-hoang-thua-nam-2011-se-ap-den-872491.html