Rặm Chiêm

Sáng nay hai bố con ngồi xem ảnh, bỗng nhiên trong thẻ nhớ thấy mấy tấm chụp mùa gặt năm ngoái trên cánh đồng Đô Đò gần trang trại nhà dì. Thế rồi bỗng nhiên thấy mùi rơm chiêm ngai ngái, thoang thoảng, và chợt thấy ngứa cổ chân. Ai đã từng lội nắng giữa trưa hè trên đường đầy rơm chiêm mùa hạ, mới có thể hiểu thế nào là cái rặm của lúa Chiêm.

Với ai đã từng bị rơm đường làng quấn quanh cổ chân, thì mùa hạ mãi sau cũng chỉ là cái rặm, cái ngứa thật không có gì tả nổi. Và khi rơm chiêm đã cuốn quanh cổ chân một thủa, dù đi xa mãi nơi đâu, cũng khó lòng mà giũ được tiệt cái cảm giác nhung nhớ quê nhà. Sợi rơm mềm, mà cuốn chặt, nó níu một đời người chặt với thôn làng, bay bổng gì rồi cũng về với nguồn cội.

Vậy nên, dù là những năm ăn đói, mặc rách, bố thì đi thồ khắp tỉnh để kiếm thêm đồng rau dưa, mẹ thì chạy đôn chạy đáo vay gạo vay rơm để lo cho các con ăn học, để cố mà đừng theo đít con trâu, khi đã cuốn rơm dưới chân, bện hương trên áo. Dù có làm ông nọ bà kia, cũng khó có thể xem là thoát khỏi luống thóc đụn rơm quê.

Nhà có năm anh em, thêm hai bố mẹ, nên được chia tới mẫu sáu ruộng. Lại nhận một phần hai suất Trâu, nên mấy anh em cứ gọi là mê tơi gẩy rơm phơi suốt dọc đường từ cổng ra tới tận ngã ba Gốc mít Bà Lãng. Từ độ rơm rạ xông xêng, những kỷ niệm với hai vụ Chiêm Mùa cũng khá nhiều. Chẳng như bây giờ, người ta tuốt lúa tại đồng, rơm, rạ cho một mồi lửa, khói xộc lên xông đủ các thứ giác quan, chẳng còn tý gì là bay bổng với lãng mạn nữa.

Cấy nhiều, thì gặt lắm. Các cụ đã có câu, Chiêm xanh nhà, Mùa già đồng. Lúa Chiêm chín đúng vào vụ Bão, nên hễ gặt được, là phải nai ra, từ hai ba giờ sáng đến tối lặn mặt giời. Hồi đó cũng chẳng có cơ giới, cùng lắm là có cái xe thồ, còn lại thì mẹ quang, bố đòn xóc, mấy anh em hè nhau chất lúa lên xe thồ về. Ban ngày quần quật ngoài đồng, tối ăn quáng quành bữa cơm xong là giũ lúa để trục.

Bây giờ nói chuyện trục lúa, chẳng mấy ai hình dung ra làm sao. Một hòn đá xanh hình trụ dài chừng một mét, có lỗ ở hai đầu để gắn cái ngõng vào làm tai trục, rồi lấy hai cây tre, đục lỗ ráp lại thành càng. Hai càng nối với nhau bằng một thanh giằng, vừa giữ cho cân, vừa làm điểm tì cho người đẩy. Thường là bố kéo trục, quàng dây qua vai, hai tay, tay thấp kéo, tay cao điều khiển hướng, đi theo quy định ba xuôi một ngược, hết dọc rồi ngang. Người đẩy thường là hai người, dùng một cái gậy tầm hai mét, chọc vào thanh giằng càng trục, rồi đẩy hỗ trợ người kéo. Khi trục đủ lượt, thóc rụng, đi trên rơm không còn thấy sạn chân, thì lật mặt lúa để trục tiếp. Xong hai lượt, thì ra rơm, cào thóc và trục mẻ khác, cứ như thế cho tới quá nửa đêm, Trăng tàn, thì cào lúa vào bao, để gọn lên hè chờ mai phơi phóng.

Trục xong hai, đến ba mẻ lúa, hót xong thóc, ra cầu ao bà Lãng rửa mặt mũi chân tay, rồi về ngay đầu hè, dải mang chiếu rách vừa ngồi ăn cơm lúc chiều, đánh một giấc tới tầm ba giờ sáng thì bố mẹ lục tục dậy chuẩn bị liềm cắt, liềm xén, quanh gánh ra đồng, dặn mấy anh em năm giờ dậy nấu cơm và chuẩn bị phơi thóc.

Cũng lạ là lúa chiêm có phấn thóc rất ngứa, nhưng khi dội qua nước lạnh, chẳng hiểu bay hết, hay làm mệt quá, mà cả nhà lăn đùng ra ngủ, chẳng ngứa ngáy gì.

Lại Trọng Tình

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/doi-thoai/ram-chiem-134890.html