Rải vôi bột trên đường để ngăn dịch tả lợn Châu Phi

Sau khi TPHCM công bố phát hiện có trường hợp lợn bị dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên tại phường Phú Hữu, quận 9, TPHCM lập thêm hai chốt kiểm dịch tạm thời, kiểm soát người ra vào ổ dịch để tránh lây lan.

 Lực lượng chức năng rải vôi bột phòng virus tả lợn Châu Phi. Ảnh: Kim Đồng

Lực lượng chức năng rải vôi bột phòng virus tả lợn Châu Phi. Ảnh: Kim Đồng

Chiều 12.6, ông Nguyễn Đình Trí, Chủ tịch UBND phường Phú Hữu, quận 9, TPHCM cho biết, toàn phường Phú Hữu có bảy hộ chăn nuôi với tổng đàn 506 con, những hộ này sẽ được triển khai cấp phát thuốc sát trùng liên tục bảy ngày kể từ ngày 11.6 và tiêu độc, khử trùng ba lần/tuần trong ba tuần tiếp theo và tạm thời trong 30 ngày các hộ này không được xuất bán heo.

Chích điện tiêu hủy đàn lợn bị dịch tả lợn Châu Phi tại TPHCM. (Ảnh: Chi cục Chăn nuôi Thú y TPHCM cung cấp)

Trong tổng đàn 506 con này, có đàn heo là bà Lê Thị Ngọc Cẩm với tổng đàn 163 con (23 con nái sinh sản, 112 con heo thịt, 28 con heo sữa) đã được xử lý tiêu hủy sau khi có kết quả xét nghiệm.

“Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM đã phối hợp với UBND phường Phú Hữu và UBND quận 9 tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn và thức ăn thừa tại khu đất xa dân cư. Theo đó, trên 80 % nguyên nhân lợn nhiễm dịch là do sử dụng thức ăn dư thừa”, ông Trí nói .

Đồng thời, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp rải vôi bột tại khu vực chăn nuôi, khu vực xử lý và hố chôn, tiêu độc, khử trùng liên tục 10 ngày kể từ ngày xử lý heo bệnh.

Ngoài ra, cơ quan chức năng lập "vùng uy hiếp" - bán kính 3 km từ ổ dịch - gồm 29 hộ chăn nuôi, tổng đàn 2.422 con. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp cùng UBND quận 9 và quận 2 triển khai cấp thuốc sát trùng cho các hộ định kỳ ba lần/tuần trong bốn tuần kể từ ngày 11.6 vừa qua.

TPHCM ráo riết thành lập chốt kiểm dịch tạm thời, kiểm soát người ra vào ổ dịch để tránh lây lan, ảnh: Kim Đồng

Cũng theo ông Nguyễn Đình Trí, địa phương đã thành lập hai chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại khu vực cầu Ông Nhiêu (đặt ngay tại chân cầu Ông Nhiêu, phía địa bàn Phú Hữu) và cầu Xây Dựng ( tại khu vực ngay chân cầu Xây Dựng, phía phường Phú Hữu). Theo đó, lực lượng liên ngành gồm CSGT, thú y, thanh niên xung phong, công an phường và dân quân tự vệ để kiểm soát vận chuyển động vật và tiêu độc, khử trùng phương tiện.

Tại khu vực cầu , PV Báo Lao Động ghi nhận, lực lượng chức năng tại đây ráo riết trong việc kiểm soát vận chuyển. Đặc biệt là việc tiêu độc, khử trùng phương tiện.

Một cán bộ thú y tại khu vực này cho biết thêm, thời gian qua lực lượng chức năng thường xuyên túc trực 24/24. Được biết, khu vực toàn bộ lợn bệnh được chôn trong khuôn viên nhà văn hóa phường.

Ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM, cho biết, lúc đầu cơ quan chức năng không đồng thuận khi nghe UBND phường Phú Hữu trình bày lợn bệnh sẽ được chôn trong khuôn viên nhà văn hóa phường vì sợ ảnh hưởng đến những lộ thân gần đó.

Nhưng khi nghe UBND phường Phú Hữu cho biết thêm, khu vực nhà văn hóa này đã bỏ hoang từ lâu và qua ghi nhận thực tế sau đợt khảo sát nên cơ quan chức năng đồng ý cho tiêu hủy lợn trong khuôn viên nhà văn hóa phường.

Tính đến nay có 55 tỉnh, thành trong cả nước đã có bệnh tả lợn Châu Phi khiến hơn 2,3 triệu con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy.

Nhiều biện pháp phòng chống và xử lý điểm dịch đã được triển khai tích cực tại TPHCM. Ảnh: Kim Đồng

Kim Đồng

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/rai-voi-bot-tren-duong-de-ngan-dich-ta-lon-chau-phi-738670.ldo