Radar Nga có thực sự tóm sống máy bay tàng hình?

Chuyên gia Alexei Leonkov vừa chỉ ra cách để Nga phát hiện được máy bay tàng hình Mỹ. Vậy radar Nga có thực sự làm được điều đó?

Khả năng ấn tượng

Tuyên bố của chuyên gia Alexei Leonkov được đăng tải trên tờ Alexei Leonkov cho biết, máy bay chiến đấu Mỹ được chế tạo với việc sử dụng công nghệ tàng hình vẫn sơ hở, cho phép các trạm radar phòng không của Nga phát hiện ra chúng.

Vị chuyên gia này cho biết: "Các dàn radar phòng không và máy bay hiện đại của Nga được trang bị radar với ăng-ten lưới chủ động mảng hỗn hợp AFAR".

"Đặc tính quan trọng nhất của radar với AFAR là chúng có thể đồng thời quét các khoảng không gian trong các dải tần số khác nhau, kết quả là những chiếc máy bay tàng hình chỉ vô hình đối với chính radar của Mỹ", Alexei Leonkov nhấn mạnh.

Tiêm kích F-35.

"Thông tin về Nga không mấy khó khăn có thể phát hiện ra máy bay tàng hình của họ trên bầu trời khiến người Mỹ bất ngờ. Họ đã chế tạo ra 195 chiếc F-22 Raptor, 21 máy bay ném bom B-2 Spirit và 305 chiếc F-35 Lightning II, tiêu tốn hơn 170 tỷ USD cho tất cả mọi thứ, kể cả phần phát triển", chuyên gia kết luận.

Không chỉ có người Nga tự ca ngợi mà năng lực của radar của Moscow còn được chính người Mỹ tung hô hết lời. Chuyên gia quân sự hàng đầu của The National Interest là Charlie Gao cho biết, hệ thống radar mới Struna-1 của Nga có khả năng phát hiện các mục tiêu tàng hình, chấm dứt ưu thế của các thiết bị bay của Mỹ.

Hệ thống radar Struna-1 và Barrier-E được nghiên cứu và sản xuất ở Viện nghiên cứu trang bị kỹ thuật vô tuyến điện Nizhny Novgorod thuộc trung tâm sản xuất và nghiên cứu khoa học Nga.

Điểm khác nhau cơ bản giữa những hệ thống radar này so với các hệ thống radar truyền thống khác chính là việc xếp đặt bộ thu và bộ phát nằm ở hai vị trí khác hẳn nhau. Điều này cho phép tăng độ nhạy và tăng khả năng theo dõi, bám nắm mục tiêu, đặc biệt kể cả những mục tiêu được tạo ra bởi công nghệ tàng hình mà những hệ thống radar thông thường không phát hiện được.

Hệ thống Struna-1 có khả năng vô hiệu hóa lớp phủ chống radar trên các mục tiêu, đây là lớp phủ có tác dụng làm tiêu tan sóng vô tuyến. "Hệ thống radar này cho phép phát hiện không chỉ những máy bay tàng hình mà còn những mục tiêu tàng hình khác như tàu lượn và các tên lửa hành trình", tạp chí Mỹ nhấn mạnh.

Nhà bình luận cho biết rằng, hệ thống radar này đặc biệt hữu ích khi sử dụng để tìm kiếm các mục tiêu bay ở độ cao thấp. Hệ thống này có thể theo dõi và phát hiện được các mục tiêu ở độ cao thấp mà nhiều hệ thống radar bình thường không thể phát hiện được.

Ngoài ra Struna-1 tiêu tốn và phát ra ít năng lượng, điều này cũng làm cho nó khó bị phát hiện bởi các loại vũ khí chống radar của đối phương. Mỹ từ lâu luôn tự hào về những máy bay tiêm kích của mình sử dụng công nghệ tàng hình hiện đại nhất.

Tuy nhiên, phát minh mới này của Nga đã vô hiệu hóa hoàn toàn ưu thế này của các máy bay tiêm kích Mỹ và khiến họ không thể không lo lắng.

Năng lực thực tế bị nghi ngờ

Thông tin về việc năng lực thực tế của radar Nga bị nghi ngờ xuất phát từ thực tế chiến đấu tại chiến trường Trung Đông.

Cụ thể, hồi dầu năm 2018, truyền thông Israel đưa tin rằng, Không quân nước này dùng tiêm kích F-35I đã thực hiện trinh sát trên lãnh thỗ Syria và các khu vực xung quanh nhưng các hệ thống phòng không của Nga không thể phát hiện ra chúng.

Theo nguồn tin này, hai chiếc tiêm kích F-35I đã bay qua không phận Syria, Iraq và biên giới Iran. Chúng đã tiến hành trinh sát tại các khu vực Bandar Abbas, Isfahan và Shiraz thuộc Iran, hãng tin Interfax cho biết.

Đáp trả trước thông tin này, đại diện Bộ Quốc phòng Nga đã tuyên bố rằng, thông tin về hệ thống radar của Nga không phát hiện F-35I của Không quân Israel khi trinh sát ở Syria và khu vực lân cận là hoàn toàn nhảm nhí.

"Thông tin được một loạt các phương tiện truyền thông trong nước cũng như ngoài nước rằng: "Máy bay chiến đầu F-35I đánh lừa hệ thống radar của Nga ở Syria và tiến hành các hoạt động trinh sát ở độ cao lớn – là tuyên bố ngốc nghếch", RIA Novosti dẫn lời đại diện Bộ Quốc phòng Nga.

Nguồn tin này nhấn mạnh rằng, bất kỳ máy bay nào hoạt động ở trên cao sẽ dễ dàng bị phát hiện và dễ bị tấn công bởi các hệ thống phòng không của hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt đối với các hệ thống phòng không hiện đại bậc nhất thế giới của Nga việc phát hiện chúng dễ dàng hơn hẳn.

Phía Nga tuyên bố rằng, kể từ thời điểm U-2 của Mỹ bị bắn rơi trên lãnh thổ Liên Xô không có ai có ý đinh xâm phạm không phận các nước mà hoạt động ở trên cao.

Nguồn tin này nhắc lại rằng, các hệ thống phòng không phòng thủ ở Syria đã không ít lần phát hiện và thậm chí còn tiêu diệt mục tiêu trên không, ví dụ như đánh chặn tên lửa lớp không đối đất. Rõ ràng mục tiêu này có bề mặt phản xạ nhỏ hơn rất nhiều so với các máy bay.

"Đối với các hệ thống phòng không của Nga ở Syria, chúng là những hệ thống phòng thủ hiện đại nhất thế giới hiện tại, chúng rất đáng tin cậy và hiện được triển khai tại các căn cứ quân sự Tartus và Hmeymim", đại diện Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.

Không chỉ riêng phía Nga khẳng định điều này. Các phương tiện truyền thông đã nhiều lần khẳng định sức mạnh phòng không của Nga ở Syria là mạnh nhất và hoàn chỉnh nhất.

Dù Nga phủ nhận toàn bộ thông tin về việc F-35I bay qua không phận Syria và hệ thống radar tối tân của Moscow bị vô hiệu nhưng sau đó, phía Israel đã cho công bố cả dữ liệu về chuyến bay nói trên. Và đây là căn cứ để đánh giá radar Nga có thể không mạnh như tuyên bố.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/radar-nga-co-thuc-su-tom-song-may-bay-tang-hinh-3363803/