Radar mới của Nga tăng khả năng giám sát NATO

'Container' phát hiện máy bay không người lái từ khoảng cách 3.000 km

Ảnh: Trạm radar "Container" của Nga (Ảnh: function.mil.ru)

Ảnh: Trạm radar "Container" của Nga (Ảnh: function.mil.ru)

Tổ hợp "RTI", được xây dựng trên cơ sở của Viện Kỹ thuật Vô tuyến điện mang tên Viện sĩ A.L. Mints, vừa long trọng tổ chức lễ kỷ niệm một năm hoạt động của radar "Container" phát hiện mục tiêu ngoài đường chân trời, nhằm kiểm tra chi tiết những gì đang xảy ra trên lãnh thổ châu Âu của NATO. Tổ hợp này đã được đưa vào họa động từ ngày 1/12/2019.

“Trạm radar đã chứng tỏ đầy đủ ý nghĩa và hiệu quả của nó trong việc kiểm soát những chuyển động trên vùng trời cách biên giới Nga trên vài nghìn km. Trong thời gian qua, các phương tiện radar “Container” đã phát hiện và xác định các thông số quỹ đạo của các máy bay chiến lược, trinh sát và chiến thuật, kể cả các chuyến bay của máy bay chiến đấu tàng hình của các nước NATO”, cơ quan báo chí RTI đưa tin.

Trên thực tế, "Container" là phương án đối nghịch của radar "Voronezh" cũng không kém phần nổi tiếng, nằm trong thành phần của Hệ thống Cảnh báo Tấn công Tên lửa (EWS).

Chùm quét của radar “Voronezh” cũng kéo dài lên tới 6.000 km. Nhưng trạm này chỉ có thể quan sát các tàng giữa và tầng trên của lớp khí quyển, chứ không thể nhìn ra ngoài đường chân trời vô tuyến, vì chùm quét của nó truyền theo một đường thẳng.

Hoạt động của radar 29B6 "Container" dựa trên hiệu ứng phản xạ của sóng vô tuyến tầm ngắn (từ 10 m đến 100 m) từ tầng điện ly, tức là có thể "uốn cong" ra ngoài đường chân trời vô tuyến. Sau khi được phản xạ từ các thiết bị bay, các sóng trở lại theo cách tương tự đến ăng-ten thu của ra-đa.

Vô tuyến định vị bằng radar ngoài đường chân trời được kỹ sư vô tuyến Nikolai Ivanovich Kabanov mô tả và dự đoán vào năm 1947, khi ông đang làm việc tại một trong những viện nghiên cứu quân sự và khám phá này đã được mang tên nhà khoa học.

Nhưng việc triển khai thực tế radar sau đường chân trời chỉ bắt đầu từ những năm 60 tại Viện Nghiên cứu Liên lạc Vô tuyến Tầm xa (NII DAR). Vào cuối thời kỳ Xô viết, hai trạm radar loại này đã được xây dựng - một ở Viễn Đông, một gần Chernobyl.

Trạm radar "Duga" ở Chernobyl gây khó chịu cho cư dân Bắc Âu vì khi được bật lên, nó tạo ra nhiễu sóng trong phạm vi sóng ngắn, gây ra những tiếng động như gõ nhẹ. Vì vậy nó được đặt cho biệt danh là "chim gõ kiến Nga".

"Container" được coi là đài radar độc nhất vô nhị với lý do nó có thể phát hiện máy bay tàng hình từ khoảng cách hàng trăm km và không cần phải có sự tác động đặc biệt nào của các kỹ sư vô tuyến điện, vì ở đây, mọi việc diễn ra hoàn toàn tự động.

F-22, F-35 và những máy bay tàng hình khác có "đặc tính tuyệt vời" là ẩn mình khỏi radar trong phạm vi sóng vô tuyến tương đối hẹp – ví dụ như dải centimet. Trong phạm vi này, độ định vị chính xác đủ để phóng tên lửa dẫn đường vào mục tiêu đã phát hiện.

Còn trong dải bước sóng mét, tất cả các "kẻ vô hình" hoàn toàn có thể nhìn thấy ở khoảng cách đáng kể. "Container" hoạt động trong phạm vi dải hàng chục mét.

Tầm quan sát của nó đạt 3 nghìn km. Kể cả các chuyến bay từ máy bay cỡ nhỏ đến máy bay không người lái đều được ghi lại độ thiết bị. Trạm "Container" này được lắp đặt tại làng Kovylkino của Mordovian.

Trong lần kiểm tra nghiệm thu, các nhà phát triển của Viện nghiên cứu Khoa học Vô tuyến tầm xa đã chỉ cho các thành viên của ủy ban thuộc Bộ Quốc phòng thấy hoạt động của một sân bay nhỏ tại Na Uy.

Đồng thời, trường quan sát của radar cũng rất đáng kể. Ban đầu nó chỉ là 180 độ. Sau đó, nó được đưa lên 240 độ. Số lượng các mục tiêu trên không được trạm radar này kiểm soát vượt quá con số 3 nghìn.

Trạm radar bao gồm hai ăng-ten – một ăng-ten truyền và một ăng-ten nhận, đặt cách xa nhau trong không gian và một trung tâm tính toán - truyền lệnh, xử lý toán học các tín hiệu phản xạ lấy từ ăng-ten.

Trạm này được xây dựng và cấu hình trong một năm rưỡi. Nhưng để hoàn thành "Container" đầu tiên phải mất nhiều thời gian hơn. Việc xây dựng trạm được khởi động vào đầu những năm 2000. Và vào năm 2013, có thông báo rằng trạm đã được chấp nhận cho nhiệm vụ thử nghiệm.

Tuy nhiên, các nhà quân sự đã đặt ra quá nhiều câu hỏi cho “Container”. Vì vậy, mãi tới ngày 1 tháng 12 năm 2019 nó mới được đưa vào trực chiến. Đặc biệt, theo yêu cầu của khách hàng là Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga - góc quét của radar đã được tăng từ 180 lên 240 độ.

Chi phí của trạm radar là 10 tỷ rúp, bao gồm chi phí phát triển. Các trạm tiếp theo sẽ rẻ hơn.

Việc xây dựng trạm radar "Container" thứ hai ở Viễn Đông hiện đang được tiến hành. Nói chung, người ta có kế hoạch triển khai một số trạm như vậy, nhờ đó trường radar liên tục sẽ hoạt động trên toàn bộ lãnh thổ Nga và vươn xa ra ngoài biên giới của nó.

Ngoài "Container", còn có các radar ngoài đường chân trời khác cũng được vận hành ở Nga. Kể từ năm 1992, radar “Volna” đã được sử dụng trong Hạm đội Thái Bình Dương để phát hiện các mục tiêu trên mặt nước ở khoảng cách lên đến 3000 km.

Viện nghiên cứu Khoa học Vô tuyến tầm xa cũng đã phát triển trạm tạo sóng bề mặt ngoài đường chân trời "Sunflower". Nó có các đặc điểm khiêm tốn hơn, nhưng mặt khác lại đơn giản hơn trong việc chế tạo và vận hành.

Phạm vi quan sát tối đa của "Sunflower" được lắp đặt trên bờ biển đạt 500 km. Góc quét 120 độ. Số lượng mục tiêu mặt nước được theo dõi cùng lúc là 300, mục tiêu trên không là 100. Thời gian triển khai - 10 ngày. Ê kíp phục vụ - 3 người. Công suất tiêu thụ - 200 kW.

Trạm radar này đơn giản hơn là vì sóng vô tuyến, khi "lướt" trên mặt nước, bị suy giảm ít hơn nhiều so với sóng truyền trên đất liền.

Mức độ cấp thiết của các radar như vậy gần đây đã tăng lên do nhu cầu thắt chặt kiểm soát đối với các khu kinh tế 200 dặm để ngăn chặn cướp biển, buôn lậu và đánh bắt cá trái phép.

Tất nhiên, những radar loại này có tiềm năng quân sự cao liên quan đến việc thông báo về việc chuẩn bị phá hoại, khiêu khích quân sự hoặc xâm lược vũ trang. Đồng thời, có sự giám sát thường xuyên không chỉ trên mặt biển, mà còn cả môi trường trên không.

Các radar sóng bề mặt đôi khi được gọi là radar ven biển, vì chúng được đặt trên bờ biển gần biên giới quốc gia. Hiện tại, Nga đang có 3 radar "Sunflower" hoạt động - ở Biển Okhotsk, Biển Nhật Bản và Biển Caspi.

Tất Thịnh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/radar-moi-cua-nga-tang-kha-nang-giam-sat-nato-3423920/