'Radar bay' KJ-600 của Trung Quốc sẽ vô hiệu hóa F-22 và F-35 của Mỹ?

Máy bay cảnh báo sớm trên tàu sân bay KJ-600 của Trung Quốc được coi là 'nhái' E-2 Hawkeye của Mỹ, có khả năng phát hiện F-22 và F-35 từ khoảng cách đặc biệt xa.

Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn nguồn tin từ nội bộ Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết, máy bay cảnh báo sớm KJ-600 chuyên phục vụ cho tàu sân bay đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm sáng 27/1 ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Máy bay này có tính năng tương tự với “radar bay” E-2 Hawkeye của Mỹ.

Theo một nguồn tin giấu tên, do có những điểm tương đồng với máy bay cảnh báo sớm E-2 của Mỹ, nên KJ-600 tạo cảm giác rằng Trung Quốc đã một lần nữa "sao chép" thiết kế của phương Tây.

Máy bay cảnh báo sớm trên tàu sân bay KJ-600 của Trung Quốc. Nguồn: Sina.

Máy bay cảnh báo sớm trên tàu sân bay KJ-600 của Trung Quốc. Nguồn: Sina.

Giống như hệ thống cảnh báo sớm trên tàu sân bay của Mỹ, KJ-600 được trang bị radar mảng pha chủ động hình đĩa phía trên thân máy bay, giúp nó có thể trinh sát trong một khu vực rộng, điều này sẽ nâng cao đáng kể phạm vi phát hiện của tàu sân bay ở mọi hướng.

Radar mảng pha chủ động mạnh mẽ của KJ-600 đủ khả năng phát hiện các máy bay chiến đấu tàng hình như F-22 Raptor hay F-35 Lightning II ở khoảng cách xa.

Thử nghiệm thành công KJ-600 đánh dấu việc Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới phát triển thành công máy bay trinh sát cánh cố định biên chế trên tàu sân bay, điều này cũng có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của Hải quân Trung Quốc.

Nguồn tin của Trung Quốc cho biết, trên thực tế, KJ-600 không phải là máy bay cảnh báo sớm cánh cố định trên tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc phát triển.

Ngay từ khi phát triển tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc đã bắt đầu phát triển máy bay cảnh báo sớm cánh cố định trên tàu sân bay. Khoảng năm 2009, Trung Quốc đã “trình làng” máy bay thử nghiệm cảnh báo sớm trên tàu sân bay JZY-01.

Hình dáng bên ngoài của máy bay này giống với máy bay cảnh báo sớm E-2 của Mỹ, nó được cải tiến từ máy bay vận tải nhỏ Y-7. JZY-01 sử dụng động cơ WJ6C, có công suất tiệm cận với động cơ của E-2.

JZY-01 có chiều dài thân là 23,7 m, sải cánh 29,2 m, có kích thước và trọng lượng lớn, càng hạ cánh mảnh nên không thể cất cánh trên tàu sân bay, mà chỉ có thể cất cánh trên đường băng trên đất liền. Máy bay này chủ yếu được dùng để thử nghiệm, sau một thời gian ngắn, đã bị loại biên vì chi phí cao, hiệu suất hoạt động kém .

Tuy nhiên, JZY-01 đã trở thành nền tảng để Trung Quốc chế tạo các máy bay cảnh báo sớm như KJ-2000, KJ-200, KJ-500. Phiên bản KJ-500 đã được Trung Quốc hoàn toàn nội địa hóa.

Thông qua việc phát triển của các máy bay cảnh báo sớm như KJ-2000, KJ-200 và KJ-500, ngành công nghiệp hàng không của Trung Quốc đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm độc đáo trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển máy bay cảnh báo sớm, và sau đó là sự ra đời của máy bay cảnh báo sớm trên tàu sân bay KJ-600.

“Radar bay” E-2 Hawkeye của Hải quân Mỹ. Nguồn: Sina.

Theo Forbes, sở dĩ KJ-600 được coi là phiên bản sao chép của E-2 là do cách bố trí, kết cấu KJ-600 rất giống với dòng máy bay E-2 Hawkeye của Hải quân Mỹ. Chúng đều là máy bay hai động cơ phản lực cánh quạt với đôi cánh thẳng dài được gắn trên cao có thể gấp lại để cất giữ trên tàu sân bay.

Chúng có thân tương đối nhỏ, chỉ đủ lớn cho phi hành đoàn từ 4 đến 6 người. Radar được đặt trong một đĩa lớn hình mái vòm trên thân máy bay. Cuối cùng, phần đuôi được chia thành nhiều bộ ổn định dọc nhỏ hơn, giống như máy bay ném bom trong Thế chiến thứ hai. Cách bố trí của hai máy bay hầu như giống hệt nhau, đến mức khả năng nhận dạng máy bay có thể là một thách thức trong tương lai.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự thành công của Trung Quốc trong việc chế tạo KJ-600, đặc biệt, việc thử nghiệm máy bay KJ-600 cũng tiết lộ điều quan trọng đó là tín hiệu cho thấy Trung Quốc đã có khả năng nắm bắt được kỹ thuật trong thiết ký hệ thống máy phóng máy bay đặt trên tàu sân bay hay còn gọi là hệ thống Catobar sysytem (catapult-assisted take-off but arrested recovery) .

Với kỹ thuật này, các máy bay có thể cất cánh với tải trọng lớn hơn hẳn so với cất cánh theo thiết kỹ nhảy cầu giống như trên tàu sân bay Liêu Ninh. Có tin tức cho biết, Trung Quốc đang đóng tàu sân bay thứ 3 và sẽ áp dụng 2 hệ thống phóng máy bay CATOBAR với 1 hệ thống bằng điện từ và 1 hệ thống bằng hơi nước.

Jon Grevatt, chuyên gia về châu Á – Thái Bình Dương của tạp chí Janes, cho biết radar AESA cho phép KJ-600 phát hiện và theo dõi mục tiêu ở phạm vi lớn hơn, nâng cao nhận thức tình huống và hiểu rõ hơn về mối đe dọa sắp tới. Grevatt nói KJ-600 có thể mang lại lợi thế cho quân đội Trung Quốc khi hoạt động ở các khu vực rộng lớn như biển Hoa Đông hay Biển Đông.

Theo Đức Trí/Infonet

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/radar-bay-kj-600-cua-trung-quoc-se-vo-hieu-hoa-f-22-va-f-35-cua-my/20210218014415304